Nhân viên thiết bị trường học có được nghỉ hè 8 tuần như giáo viên?

GD&TĐ - Độc giả hỏi về chế độ nghỉ hè của nhân viên thiết bị trường học.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tôi là nhân viên thiết bị ở trường THPT. Nhiều năm qua, chế độ nghỉ phép của tôi dựa trên Bộ luật Lao động và Luật Viên chức. Hiện, tôi được nghỉ 14 ngày phép/năm và nghỉ vào dịp hè. Tôi đang hiểu, chế độ nghỉ hè của giáo viên và nhân viên như nhau. Vậy xin hỏi, trường hợp của tôi có được nghỉ hè 8 tuần như giáo viên không? – Nguyễn Thu Hiền (thuhien***@gmail.com)

* Trả lời:

Theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 28/2009/|TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc của giáo viên phổ thông đã được sửa đổi tại Khoản 4 Điều 1 Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT; Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc của giáo viên mầm non; Khoản 1 Điều 3 Nghị định 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục, thời gian nghỉ hè chỉ dành cho đối tượng giáo viên.

Nhân viên thiết bị, thí nghiệm là viên chức trong các cơ sở giáo dục công lập làm việc theo giờ hành chính, thực hiện quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi trong đó có nghỉ hằng năm theo quy định tại Bộ luật Lao động (Chương VII từ Điều 105 đến Điều 115) và không áp dụng quy định đối với giáo viên. Trường hợp có nhu cầu sắp xếp nghỉ vào dịp hè thì phải được sự đồng ý của hiệu trưởng và số ngày nghỉ bảo đảm theo đúng quy định.

Cụ thể, quy định về nghỉ hằng năm được nêu rõ tại Điều 113 Bộ luật Lao động. Theo đó, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau: 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần. Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định tại Khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.

Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 2 ngày thì từ ngày thứ 3 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 1 lần nghỉ trong năm.

Mọi ý kiến thắc mắc về chế độ chính sách đối với nhà giáo, bạn đọc gửi về chuyên mục: Hộp thư bạn đọc - Báo Giáo dục & Thời đại: 15, Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Email: bandocgdtd@gmail.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.