Nhân viên ngân hàng ngăn chặn vụ chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo qua mạng

GD&TĐ - Trong khi thực hiện giao dịch cho khách hàng, nhờ cảnh giác, một nhân viên ngân hàng ở Bắc Kạn đã góp phần ngăn chặn thành công vụ chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo qua mạng.

Trang web https://m.hi1666.com được các đối tượng yêu cầu các nạn nhân truy cập để thực hiện hành vi lừa đảo.
Trang web https://m.hi1666.com được các đối tượng yêu cầu các nạn nhân truy cập để thực hiện hành vi lừa đảo.

Theo đó, cuối buổi giao dịch ngày 2/8, trong khi thực hiện giao dịch cho khách hàng, chị Ninh Thị Thuỳ Trang (cán bộ giao dịch Hội sở Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn – Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn) nhận thấy khách hàng của mình là bà B.T.C. (29 tuổi, trú tại xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông) có nhiều biểu hiện bất thường khi thực hiện chuyển tiền.

Nghi ngờ bà C. có thể bị lừa đảo, chị Trang đã cảnh báo và nhắc nhở bà C. cần xem xét kỹ lưỡng lý do chuyển trước khi chuyển tiền cho người không quen biết. Tuy vậy bà C. vẫn yêu cầu chị chuyển số tiền 60 triệu đồng đến STK: 103876377307 của Ngân hàng TMCP Công thương có tên VOCHIKHANH.

Chị Trang sau đó đã liên hệ với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Kạn để được hỗ trợ.

Sau khi nghe lực lượng công an giải thích, bà C. mới vỡ lẽ mình đã bị lừa. Tại cơ quan công an bà C. khai nhận trước đó, thông qua quảng cáo trên mạng xã hội, bà nhận được lời mời làm cộng tác viên online trên Lazada.

Bà C. được các đối tượng cho tham gia vào một nhóm chat trên ứng dụng Telegram để trao đổi, hướng dẫn truy cập trang web https://m.hi1666.com và tạo tài khoản cá nhân để bà C. tự quản lý tiền trong quá trình làm cộng tác viên. Các thành viên trong nhóm chat phải cung cấp thông tin Căn cước công dân, video hình ảnh, chuyển tiền…

Để kiếm tiền, các thành viên nhóm chat thực hiện các nhiệm vụ do trưởng nhóm đưa ra như: Nhiệm vụ phúc lợi, mua sản phẩm, theo dõi gian hàng…đồng thời chuyển một khoản tiền tương ứng. Sau khi hoàn thành sẽ được hoàn trả số tiền chuyển đi kèm lợi nhuận.

Số tiền chuyển đi để làm nhiệm vụ càng lớn thì lợi nhuận càng cao. Quá trình chuyển và nhận tiền đều được các đối tượng thống kê chi tiết trong tài khoản cá nhân lập trên web https://m.hi1666.com giống như tài khoản ví điện tử được liên kết với tài khoản ngân hàng để tạo lòng tin.

Sau 3 lần chuyển tiền và làm nhiệm vụ đầu tiên, bà C. đều nhận được cả tiền gốc kèm lợi nhuận khoảng hơn 500.000 đồng. Những lần chuyển tiền tiếp theo, các đối tượng đưa ra nhiều lý do khác nhau như: Lỗi hệ thống, sai nhiệm vụ…Trong 2 ngày 1 và 2/8 bà C. đã chuyển tổng 6 lần với số tiền 54 triệu đồng vào tài khoản của VOCHIKHANH. Chiều 2/8, bà C. đến ngân hàng tiếp tục chuyển 60 triệu đồng vào tài khoản trên thì may mắn được nhân viên ngân hàng phát hiện, ngăn chặn.

Theo Công an tỉnh Bắc Kạn, gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các thủ đoạn tương tự. Theo thống kê của cơ quan chức năng thì hầu hết nạn nhân đều là phụ nữ.

Cơ quan công an cũng khuyến cáo nhân dân nói chung, người sử dụng mạng xã hội nói riêng hãy thật sự đề cao cảnh giác trước các nguồn thông tin từ mạng xã hội: Giới thiệu việc làm, tuyển cộng tác viên, khai thác thông tin cá nhân... khi nhận thấy sự bất thường cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất biết để được hỗ trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.