Nhân tố quyết định chất lượng đào tạo ở các trường sư phạm

GD&TĐ - Mới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo Thông tư quy định Chuẩn nghề nghiệp giảng viên (GV) sư phạm. Quy định này áp dụng đối với giảng viên các trường ĐH Sư phạm, CĐ Sư phạm và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Dự thảo đang tạo nên động lực để đội ngũ giảng viên sư phạm thay đổi đáp ứng công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông.

Nhân tố quyết định chất lượng đào tạo ở các trường sư phạm

Giảng viên - “Người thầy của những người thầy”

Theo ThS Nguyễn Thị Xuân Mai, giảng viên bộ môn Ngữ văn, Trường ĐH An Giang, trong thời đại cách mạng 4.0, người GV không còn là người đơn thuần truyền bá kiến thức nữa bởi người học bằng cái nhấp chuột đơn giản đã có thể truy cập thông tin và nguồn lực bất tận trên Internet. Vai trò của GV có sự biển đổi từ người truyền thụ kiến thức theo lối truyền thống sang vai trò mới với tư cách “người xúc tác và điều phối…người thiết kế, cố vấn, huấn luyện và tạo ra môi trường học tập”. Giá trị của người giáo viên lúc này không phải là giảng bài mà là hướng dẫn và xúc tác giúp người học biết tự định hướng việc học của họ.

Trong thời đại mà kiến thức, thông tin không khó chọn lọc thì người học vẫn cần lắm những người thầy “là cố vấn thông thái cho họ trong học tập và phát triển toàn diện thành công dân cân đối, biết tạo động cơ cho người học, chậm hoặc học nhanh trong môi trường số”. Muốn vậy, người GV cần phải ngày càng bản lĩnh, không ngừng trau dồi năng lực của mình để đáp ứng yêu cầu mới.

Nhà trường là nơi đào tạo GV đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Trước những thay đổi lớn lao của giáo dục dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, nhà trường sư phạm buộc phải thay đổi và một trong những thay đổi cốt yếu là nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, bởi họ là “người thầy của những người thầy, là nhân tố quyết định chất lượng đào tạo ở các trường sư phạm và có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đội ngũ giảng viên phổ thông”.

Những tiêu chuẩn và năng lực cần có

PGS TS Nguyễn Thị Hường (Trường ĐH Vinh) nhìn nhận: Thực tiễn cho thấy năng lực của đội ngũ giảng viên còn nhiều bất cập, nhất là năng lực sư phạm và năng lực nghiên cứu khoa học. Các trường trên cơ sở nghiên cứu thực trạng đổi mới giáo dục phổ thông, những năng lực mà người giáo viên phổ thông cần có để rà soát, xây dựng lại chương trình đào tạo sao cho sinh viên ra trường có thể thích ứng nhanh với thực tiễn giáo dục phổ thông, đáp ứng tốt yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hường, năng lực của giảng viên đại học nói chung, GV trường sư phạm nói riêng bao gồm: Năng lực chuyên môn, năng lực giảng dạy, năng lực nghiên cứu khoa học và một số năng lực bổ trợ khác như năng lực tin học, năng lực ngoại ngữ, hoạt động cộng đồng….”. Các yếu tố này có liên hệ hữu cơ tương hỗ với nhau làm nên cấu trúc năng lực của người giảng viên sư phạm. Trong thời đại công nghiệp 4.0, người GV sư phạm bên cạnh việc thường xuyên trau dồi bồi dưỡng các năng lực trên còn đòi hỏi phải đặc biệt chú trọng bồi dưỡng một số năng lực đáp ứng yêu cầu mới như năng lực sử dụng thành thạo các phương tiện công nghệ phục vụ quá trình dạy học, năng lực sử dụng ngoại ngữ lưu loát phục vụ giao tiếp và giảng dạy.

Chú trọng bồi dưỡng thường xuyên và liên tục

Để phát triển những năng lực này của giáo viên, theo ThS Nguyễn Thị Xuân Mai, trước hết, người giảng viên sư phạm phải có năng lực sử dụng các phương tiện công nghệ phục vụ quá trình dạy học. Để có được những năng lực này, các khoa sư phạm nên có chính sách bồi dưỡng năng lực tin học, năng lực sử dụng công nghệ thông tin cho giảng viên. Công tác này nên được tiến hành thường xuyên và liên tục tập trung vào những nội dung như cách số hóa bài giảng, tài liệu giảng dạy, tải lên thư viện điện tử để học viên dễ dàng truy cập, cách thiết kế những lớp học trực tuyến, xây dựng diễn đàn học tập, trao đổi kinh nghiệm….

Thứ hai là bồi dưỡng năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho giảng viên sư phạm bằng các hình thức đào tạo tiên tiến, mô hình trực tuyến. Các hình thức đào tạo 4.0, đào tạo trực tuyến, đào tạo online, đào tạo từ xa sẽ được áp dụng triệt để. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều giảng viên sư phạm chưa tiếp cận được với các mô hình dạy học mới sẽ làm hạn chế việc rèn kỹ năng nghề cho sinh viên sư phạm. Vì thế công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho GV nên kết hợp với các mô hình đào tạo tiên tiến, đào tạo trực tuyến từ xa để GV sư phạm vừa nâng cao trình độ chuyên môn, vừa tiếp cận với các mô hình dạy học mới. Các hình thức dạy học mới này sẽ giúp GV bổ sung vào kiến thức nghiệp vụ, làm phong phú hơn các hình thức dạy học của mình.

Nhiệm vụ của người GV là giảng dạy và nghiên cứu. Vì thế bên cạnh việc bồi dưỡng năng lực chuyên môn, GV sư phạm cần phải bồi dưỡng năng lực NCKH. Hai năng lực này có mối quan hệ bổ trợ nhau rất lớn.

Một người GV có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi sẽ là nền tảng vững chắc để thúc đẩy năng lực NCKH phát triển. Ngược lại, người GV có năng lực NCKH sẽ khám phá được nhiều cái mới, cái tiên tiến về nội dung và phương pháp phục vụ cho công tác giảng dạy.

Với những lý do cần thiết đó, việc bồi dưỡng năng lực NCKH cho GV sư phạm cần được tiến hành thường xuyên và liên tục với những biện pháp như gắn NCKH với đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và thực tiễn giáo dục phổ thông, kết hợp với bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ với NCKH…

“Để tiếp cận với các tri thức khoa học và công nghệ tiên tiến, con người không thể không thông thạo ngoại ngữ. Đây là điều kiện cần thiết để GV hội nhập với xu hướng kết nối toàn cầu hóa, hội nhập với giáo dục đại học thế giới. Vì thế, người GV sư phạm cần phải chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ bằng nhiều biện pháp. Việc tăng cường cử cán bộ GV đi học tập và nghiên cứu ở nước ngoài cũng là biện pháp quan trọng để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho GV” - ThS Nguyễn Thị Xuân Mai chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.