Nhận thức mới để đáp ứng đổi mới căn bản, toàn diện GD ĐH

Nhận thức mới để đáp ứng đổi mới căn bản, toàn diện GD ĐH

(GD&TĐ)-Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ diễn ra sáng nay (14/2) có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cùng đại diện lãnh đạo các trường ĐH, CĐ trên cả nước đã đề cập đến những vấn đề lớn xung quanh kết quả thực hiện đổi mới giáo dục đại học năm 2011 và các giải pháp đẩy mạnh công tác đổi mới trong năm 2012 cũng như những năm tiếp theo, trong đó, đặc biệt “nóng” là những nội dung liên quan đến tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy 2012.

Đại bểu tham dự Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ. Ảnh: gdtd.vn
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: gdtd.vn

Nhiều chuyển biến tích cực

Trong năm 2011, thực hiện tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của Nghị Quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Chỉ thị 296 của Thủ Tướng Chính phủ về đổi mới quản lý trong lĩnh vực giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT đã trình cấp trên ban hành và ban hành nhiều văn bản qui phạm pháp luật để tăng cường phân cấp, giao quyền tự chủ cho cơ sở, tách bạch công tác chuyên môn và công tác quản lý nhà nước để nâng cao hiệu quả quản lý như Nghị định 115, Quyết định 63, các Thông tư 38, 08, 57…

Thực hiện các văn bản này, các cơ sở giáo dục đại học đã nâng cao tính chủ động và tinh thần trách nhiệm trong hoạt động giáo dục, các địa phương đã vào cuộc cùng với Bộ trong kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động giáo dục đào tạo, xử lý những vi phạm để đưa hoạt động giáo dục đại học vào nề nếp.

Năm 2012 và những năm tiếp theo, giáo dục ĐH sẽ tập trung xây dựng và triển khai thực hiện chương trình hành động thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục ĐH theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Cụ thể là đổi mới tư duy giáo dục ĐH; đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục ĐH; đổi mới quản lý giáo dục đại học; đổi mới đào tạo, bồi dưỡng và chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học và đánh giá kết quả giáo dục ĐH; tăng cường các nguồn đầu tư cho giáo dục ĐH và hỗ trợ giáo dục đối với các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách xã hội; đẩy mạnh đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đổi mới giáo dục ĐH.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh, trong năm 2012, trọng tâm công việc của GDĐH là ban hành và hoàn thiện các văn bản qui phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho công tác đổi mới quản lý. Nền tảng của hệ thống văn bản này là Luật Giáo dục đại học. Đến nay dự thảo luật này đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến các đại biểu chuyên trách, các chuyên gia trong cả nước để hoàn thiện trước khi thông qua ở Quốc hội trong kỳ họp sắp tới. 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận những kết quả sau 2 năm thực hiện chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: gdtd.vn
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận những kết quả ngành GD đạt được sau 2 năm thực hiện chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: gdtd.vn

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân thống nhất cao với báo cáo được trình bày, đồng thời nhấn mạnh những cố gắng của Bộ GD&ĐT trong việc mở ngành và giám sát các điều kiện mở ngành cũng như đã thực hiện quyết liệt hơn trong công tác thanh tra, xử lý quyết liệt hơn trong thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh…
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến cơ cấu ngành tuyển sinh; việc quản lý chất lượng đào tạo; nâng cao năng lực các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; xây dựng chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2012-2015; việc công bố chuẩn đầu ra; giáo trình; vấn đề nâng cao tự chủ, tự chịu trách nhiệm; thực hiện sinh viên đánh giá giảng viên; đánh giá vai trò của Ban giám hiệu nhà trường hàng năm; thực hiện “3 công khai”; thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy; bồi dưỡng giảng viên đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; vấn đề kiểm định chất lượng…

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT hoàn thiện báo cáo 2 năm thực hiện Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ để trình Thủ tướng vào cuối tháng 2.

“Nóng” vấn đề tuyển sinh


Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất tại hội nghị liên quan đến tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2012. Khi dự kiến lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh cũng như những điểm mới trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 của Bộ GD&ĐT được đưa ra, hầu hết các đại biểu tỏ rõ sự đồng tình với những đổi mới. Tuy nhiên, nhiều đại biểu bày tỏ, nên tiếp tục phát hành cuốn “Những điều cần biết”; cho phép không hạn chế thời gian xét tuyển nhưng cũng cần xác định thời điểm cuối cùng…

Hiệu trưởng trường ĐH Quy Nhơn Nguyễn Hồng Anh đề nghị Bộ  mở thêm cụm thi ở Hải Phòng nhằm đáp ứng được nguyện vọng của các thí sinh ở Hải Phòng và Quảng Ninh.

Đại diện cho các trường khối năng khiếu, hiệu trưởng trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội, ông Trần Thanh Hiệp mong muốn có thêm khối F1, trong đó thí sinh chỉ phải thi các môn năng khiếu, không phải thi môn văn để tạo thuận lợi hơn cho các thí sinh có năng khiếu nghệ thuật thực sự. Ông Hiệp cho rằng, đây cũng là mong muốn chung của các trường trong khối của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Việc tuyển sinh sẽ điều chỉnh theo hướng đơn giản nhưng vấn đảm bảo chất lượng Ảnh: gdtd.vn
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Việc tuyển sinh sẽ điều chỉnh theo hướng đơn giản nhưng vấn đảm bảo chất lượng, Ảnh: gdtd.vn

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết sẽ tiếp thu nghiêm túc tất cả các ý kiến để trên cơ sở đó đưa ra kết luận cuối cùng, đặc biệt là những thông tin liên quan đến công tác tuyển sinh 2012 sẽ có văn bản chính thức sớm gửi các cơ sở đào tạo.

Về vấn đề tuyển sinh tại các trường đặc thù như trường khối Văn hóa nghệ thuật, khối quốc phòng an ninh, Bộ trưởng khẳng định sẽ có ngoại lệ về tuyển sinh và đào tạo trung cấp. Bộ trưởng đề nghị các trường thi thế nào, thi môn nào cần sớm đề xuất, nếu hợp lý và kịp thời sẽ cho áp dụng luôn trong năm 2012.

Cũng liên quan đến tuyển sinh, Bộ trưởng cho biết, việc điều chỉnh sẽ theo hướng đơn giản mà vẫn đảm bảo chất lượng, việc xét tuyển đến thời gian nào sẽ không cứng nhắc, tuy nhiên không nên kéo dài quá lâu. Ngày thi ĐH cũng có thể sẽ còn có thay đổi so với dự kiến mới. Riêng về cuốn “Những điều cần biết”, Bộ sẽ tiếp tục yêu cầu Nhà xuất bản giáo dục cho in cuốn này theo yêu cầu của xã hội nhưng số liệu do các trường tự chịu trách nhiệm…

Về chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ trưởng yêu cầu phải tính toán lại trên cơ sở đảm bảo chất lượng. “Trong 10 năm liên tục, chỉ tiêu tăng trưởng hai con số. Việc một vài địa phương tuyên bố không tuyển sinh sinh viên tốt nghiệp trường ngoài công lập, hệ không chính quy, Bộ đã có quan điểm, thái độ về mặt Luật, nhưng chúng ta (các trường - PV) là người cung cấp nguồn nhân lực, phải nghiêm túc đón nhận lời cảnh báo này để đào tạo có chất lượng” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, trong hệ thống giáo dục có nhiều trường bề dày kinh nghiệm nhưng cũng có trường mới thành lập, đó là sự chênh lệch về chất lượng. Do đó cần sức mạnh của cả hệ thống để nâng đỡ cho các trường còn non yếu. Các trường lớn cần giữ vững chất lượng của mình, đồng thời nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc giúp các trường còn non yếu để cải tiến chất lượng.

Riêng vấn đề xã hội hóa giáo dục, Bộ trưởng khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nhưng ngăn cấm nếu chỉ tham gia vào khâu tuyển sinh để lấy tiền của người học.

Công việc năm 2012, Bộ trưởng đề nghị hiệu trưởng các trường cùng quán triệt sâu sắc trên cơ sở vận dụng sáng tạo, hiệu quả Nghị quyết XI của Đảng, Nghị quyết TW3, TW4, nhất quyết thay đổi nhận thức, thay đổi cách nghĩ, làm thế nào cho có chất lượng và hiệu quả. Không có nhận thức mới sẽ không có hành động mới đáp ứng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu, của các cán bộ chủ chốt trong việc chủ động sáng tạo, đề xuất giải pháp, đồng thời đề nghị trong thời gian tới hết sức chú trọng đến công tác chính trị tư tưởng của HSSV…

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ