Nhân rộng mô hình mới

GD&TĐ - Cho đến nay, nhiều tỉnh, thành kiểm soát được dịch bệnh đã rộng cửa đón học sinh trở lại trường.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tỷ lệ học sinh đi học khá cao là tín hiệu vui cho thấy giáo dục đã và đang khẩn trương bước vào giai đoạn bình thường mới. Tuy vậy, trong niềm hân hoan chung vẫn có không ít phụ huynh còn dè dặt, không dám cho con đến trường.

Tại TPHCM, hơn 90% học sinh khối 9 và 12 đi học trở lại trong ngày đầu tiên nhưng riêng huyện Củ Chi thì đề xuất cho lùi thời gian, vì tỷ lệ phụ huynh đồng thuận còn thấp, có khối lớp chỉ khoảng 30%. Trước đó, TP đã có kế hoạch cho học sinh lớp 1 đi học, nhưng hơn 70% phụ huynh chưa sẵn sàng, nên các em tiếp tục học trực tuyến. Ở Đà Nẵng, sau 1 tuần mở cửa trường, học sinh lớp 1 lại học online, bởi khảo sát phụ huynh có 77% ý kiến chưa sẵn sàng cho con đi học…

Quan điểm trái chiều của phụ huynh trong việc cho con trở lại trường khi địa phương đã cho phép không chỉ thể hiện qua những con số thống kê. Trên các diễn đàn, mạng xã hội cũng diễn ra các cuộc tranh luận gay gắt giữa hai “trường phái”. Nhóm ủng hộ học sinh đi học lại tỏ ra lo lắng những hệ lụy về giáo dục, xã hội khi trẻ học online kéo dài. Trong khi đó, nhóm còn lại thì cho rằng cần quan tâm sức khỏe, an toàn của trẻ, nhất là khi các em nhỏ chưa tiêm vắc-xin.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng vẫn còn cao, tâm lý chưa yên tâm cho con đi học của một bộ phận phụ huynh là điều có thể chia sẻ được. Việc một số địa phương, trường học tham khảo ý kiến đa số để quyết định tổ chức dạy học trực tiếp cũng là bước thận trọng. Tuy vậy, nếu chỉ dựa vào ý kiến số đông mới mở cửa trường, mà số đông chưa thuận, thì chúng ta lại đang “lãng phí” không ít quyền lợi và nguyện vọng của nhóm phụ huynh, học sinh còn lại.

Vì thế, khi được phép mở cửa trường, song song với tăng cường công tác an toàn phòng chống dịch và  đẩy mạnh truyền thông, nhà trường cũng phải sẵn sàng phương án học tập cho cả những học sinh chưa thể đi học trực tiếp, trong đó có cả những em có cha mẹ chưa đồng thuận.

Đến nay, nhiều cơ sở giáo dục đã linh hoạt dạy học 2 trong 1, vừa trực tuyến vừa trực tiếp trong quy mô một  khối/lớp học để tăng cơ hội học trực tiếp cho học sinh. Sở GD&ĐT Bắc Giang đã chỉ đạo mỗi cơ sở giáo dục xây dựng ở mỗi khối lớp một phòng học trực tuyến, kết hợp với dạy trực tiếp nhằm giúp những học sinh không đến lớp vẫn được học đảm bảo đúng tiến độ. Ở Hà Nội, có trường học chỉ một vài học sinh học trực tuyến, nhà trường vẫn tổ chức dạy kết hợp.

Kinh nghiệm những lớp học 2 trong 1 của Bắc Giang, Hà Nội cũng có thể xem xét vận dụng ở những địa bàn dịch bệnh được kiểm soát, đã và đang mở cửa trường nhưng mức độ đồng thuận trong phụ huynh chưa đạt con số tuyệt đối. Việc dạy trực tuyến kết hợp trực tiếp quả thực còn nhiều khó khăn, nhưng mô hình linh hoạt đến từng cấp, lớp học này rất cần được nhân rộng.

Nhân rộng mô hình lớp 2 trong 1 chắc chắn số trường học, số học sinh đến trường học trực tiếp sẽ lớn hơn, đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 128, góp phần bảo đảm chất lượng dạy học cũng như nguyện vọng nhiều chiều của phụ huynh, quyền lợi của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.