Nhẫn nhịn có giữ được hạnh phúc?

GD&TĐ - Trinh xinh xắn và nhanh nhẹn, tốt nghiệp đại học, xin một công việc “ngon lành” không phải là chuyện quá khó khăn với cô.

Nhẫn nhịn có giữ được hạnh phúc?

Trong lúc bạn bè còn đang chạy long đong tìm việc thì Trinh đã “ấm chỗ” ở một cơ quan nhà nước, bố mẹ cô đã có thể “vểnh râu” kén rể. Nhưng một lần đi mua sắm, Trinh đã “để mắt” đến anh chủ cửa hàng thịt lợn sạch. 

Đặc thù công việc có thể khiến nhiều cô gái không muốn tiếp xúc với Long, nhưng Trinh lại nhìn thấy ở anh chàng bán thịt này sự dịu dàng, điềm đạm và cũng rất đàn ông. 

Qua vài lần trò chuyện, Trinh biết Long là người đàn ông rất ấm áp và yêu gia đình. Bấy nhiêu là đủ khiến Trinh phải lòng anh. Cô chủ động ngỏ lời, Long nắm lấy tay Trinh, thật thà kể: “Anh còn bố mẹ ở quê, sợ rằng em không chịu được vất vả”. Trinh khẳng định: “Em không sao, chỉ cần chúng mình ở bên nhau, em tin chúng mình sẽ mạnh mẽ vượt qua tất cả”.

Vừa kết hôn, Trinh nhanh chóng dính bầu, cô chẳng ngại ngần từ bỏ công việc yêu thích để… về quê sống cùng bố mẹ chồng. Quyết định quá đỗi bất ngờ và “khác thường” của vợ khiến Long ái ngại: “Tại sao em lại muốn về quê sống cùng bố mẹ anh? Vất vả lắm em biết không? Em đã suy nghĩ kỹ chưa?”. 

Trinh quả quyết: “Em về quê để sau này có mẹ anh hỗ trợ chăm sóc con nhỏ. Mẹ con em ở đây không giúp gì được anh, có khi còn làm anh bận thêm”.

Trinh ôm bụng bầu về quê chồng, không hề tủi thân mà ngược lại, cô khá tự hào về cách giải quyết của mình. Cô yêu Long và thương bố mẹ anh không khác gì bố mẹ đẻ của mình. Trinh nghĩ mình tạm xa chồng lúc này là cần thiết, chờ lúc nào con cứng cáp, cô sẽ về bên anh và trở lại với công việc yêu thích.

Nhưng Trinh không thể biết điều gì đang chờ cô trước mắt. Con dâu chỉ mới về nhà được mấy hôm, bố chồng đã đổ bệnh, mẹ chồng Trinh tất bật với cửa hàng tạp hóa nhỏ, không lúc nào ngơi việc, vì thế một mình Trinh phải ở nhà chăm sóc bố chồng. 

Chưa biết sau này sinh nở thì ai sẽ chăm sóc mình, nhưng nhìn bố chồng đón từng thìa cháo và ăn ngon lành, Trinh thấy thương ông vô cùng, nhiều lần Trinh nhắn tin cho chồng: “Anh cứ yên tâm, việc nhà đã có em lo”.

Không chỉ chăm sóc bố chồng chu đáo, Trinh còn rất thương chị dâu. Thấy chị lao ra khỏi nhà từ sáng sớm, chiều tốt mù mịt mới về, lại sấp ngửa cơm nước phục vụ chồng con, Trinh chủ động đề xuất: “Chị ơi, hay là từ bây giờ chị cứ sang bên này ăn cơm, em sẽ đi chợ, nấu cơm cho cả nhà, em đang rảnh mà”. Khá bất ngờ với ý tốt của Trinh nhưng chị dâu đồng ý ngay lập tức: “Ôi, cảm ơn thím nhé”.

Trinh chưa dám tâm sự với bố mẹ đẻ chuyện này, nhưng ở nơi xa xôi, chung sống cùng những người không phải ruột thịt của mình, Trinh lại thấy ấm áp và hạnh phúc vô cùng, đơn giản là vì cô rất yêu Long, và tự nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm với những người anh thương. 

Nhưng cố gắng đến mấy Trinh cũng không thể chối bỏ sự thật, cô đang rất mệt mỏi với công việc nội trợ cùng đủ thứ việc không tên ở nhà chồng, chưa kể chị dâu ngày càng quá đáng. Mỗi trưa, mỗi tối, chỉ có mỗi việc đi người không sang ăn cơm mà chị vẫn dài môi chê: “Thím Trinh nấu ăn dở quá, ngày nào cũng phải ăn cơm sượng thế này thì ai chịu được”.

Một buổi tối, Trinh đang rửa bát trong bếp, chị dâu hét váng lên: “Ối giời ơi, đau bụng quá, thím Trinh cho cái gì vào canh đấy hả?”. Trinh chạy ra phân bua: “Canh cả nhà mình cùng ăn, sao mỗi chị đau bụng nhỉ? Hay chiều nay chị có ăn gì ở bên ngoài không?”… 

Không ít lần Trinh phải chịu ấm ức trước một chị dâu trái tính trái nết lại lắm chiêu trò, nhưng một thân một mình ở nhà chồng, Trinh không dám “bật” lại. Cô chỉ có thể trách bản thân dại dột, tự “ôm rơm rặm bụng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.