Nhân lực ngành đường sắt tốc độ cao: Cơ hội mùa tuyển sinh 2025

GD&TĐ - Đón đầu nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngành đường sắt, các trường đã xem công tác tuyển sinh ngành này là một trong những mục tiêu trọng yếu...

Thầy, trò Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải sử dụng các thiết bị kiểm định cầu Long Biên (Hà Nội). Ảnh: NTCC
Thầy, trò Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải sử dụng các thiết bị kiểm định cầu Long Biên (Hà Nội). Ảnh: NTCC

Thiếu sức hút

TS Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải cho biết: Trong những năm qua, thực trạng tuyển sinh ngành đường sắt không thu hút được thí sinh, thậm chí có những năm không có hồ sơ ứng tuyển. Một số trường đại học, trong đó có Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải cũng phải thu hẹp quy mô tuyển sinh, đào tạo lĩnh vực chuyên sâu này.

Chia sẻ lý do, theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, mạng lưới đường sắt và vận tải đường sắt đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hạ tầng vận tải quốc gia với ưu thế vượt trội so với các hình thức vận tải khác về năng lực vận chuyển, chi phí và năng lượng, an toàn giao thông…

Tuy nhiên, các vị trí việc làm, mức thu nhập trong lĩnh vực xây dựng đường sắt, vận tải sắt chưa thực sự thu hút. Do đó, nhiều học sinh, phụ huynh không nhận thấy tiềm năng phát triển của ngành đường sắt, đặc biệt trong bối cảnh các lĩnh vực kinh tế khác như quản trị, kinh tế, công nghệ thông tin, hàng không, công nghệ ô tô… có sức hút lớn hơn. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, tư vấn nghề nghiệp về ngành đường sắt chưa được thực hiện rộng rãi và hiệu quả tại các trường phổ thông.

Trong những năm gần đây, khi các dự án quy hoạch đường sắt được thông qua và thông tin về đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam ngày càng cụ thể, xu hướng lựa chọn ngành học này đã có tín hiệu tích cực. Nhiều thí sinh bắt đầu quan tâm đến các ngành kỹ thuật, tự động hóa và công nghệ giao thông, trong đó có đường sắt. Nhà trường tin rằng, với chính sách đầu tư đồng bộ và nhu cầu nhân lực lớn, học sinh dần nhìn thấy cơ hội nghề nghiệp ổn định, tiềm năng phát triển dài hạn khi lựa chọn ngành này.

“Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải đẩy mạnh xây dựng kế hoạch tổ chức các chương trình hướng nghiệp trực tiếp tại trường phổ thông để cung cấp thông tin rõ ràng về cơ hội việc làm và tiềm năng phát triển của ngành đường sắt. Bên cạnh đó, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ quan chức năng để tạo cơ hội thực hành, thực tập và cam kết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp”, TS Nguyễn Mạnh Hùng thông tin thêm.

Cũng chia sẻ thực trạng tuyển sinh không nhiều khả quan với ngành đường sắt, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Giao thông vận tải cho rằng, thời gian qua, ngành đường sắt có sự phát triển nhưng hệ thống đã cũ, hạn chế về tốc độ chạy tàu, vì vậy chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa. Chính điều này làm cho nhu cầu tuyển dụng việc làm còn hạn chế và tác động đến việc học tập của thí sinh. Thêm nữa, ngành thuộc khối kỹ thuật nên sự lựa chọn của thí sinh cũng hạn chế.

Khi đường sắt tốc độ cao được triển khai, đi vào hoạt động, nhu cầu lao động nhiều, nhưng liên quan đến ngành kỹ thuật là chủ yếu. Do đó, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương lưu ý, thí sinh chọn ngành này cần làm chủ được khoa học kỹ thuật, công nghệ để xây dựng ngành đường sắt phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, các em nên tập trung vào các môn học tự nhiên, khoa học, chủ động trong học tập, để thuận lợi đăng ký tuyển sinh và có việc làm sau khi tốt nghiệp.

co-hoi-mua-tuyen-sinh-2025-3.jpg
Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải tổ chức Hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực cho hạ tầng logistics phục vụ phát triển đường sắt. Ảnh: NTCC

Cơ hội và thách thức

Tuyển sinh ngành đường sắt hiện nay đối mặt với cả cơ hội lẫn thách thức. Với sự quan tâm ngày càng lớn đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong ngành tăng mạnh. Tuy nhiên, việc thu hút thí sinh chưa đạt kỳ vọng do sự cạnh tranh với các ngành nghề khác và nhận thức chưa đầy đủ của phụ huynh, học sinh về triển vọng nghề nghiệp của ngành.

Nhận thức rõ điều này, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh (UTH) cho biết, nhà trường xem công tác tuyển sinh ngành đường sắt là một trong những mục tiêu trọng yếu nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực cho các dự án trọng điểm quốc gia.

Trường không chỉ đẩy mạnh truyền thông, mà còn giới thiệu rõ ràng về vai trò của ngành trong sự phát triển bền vững quốc gia; đồng thời liên tục nhấn mạnh các lợi ích lâu dài của việc tham gia vào lĩnh vực đường sắt (không chỉ mang lại sự ổn định nghề nghiệp, mà còn đóng góp trực tiếp vào quá trình hiện đại hóa hạ tầng giao thông Việt Nam).

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn thông tin, chương trình đào tạo ngành đường sắt tốc độ cao tại UTH được xây dựng dựa trên những tiềm lực dồi dào của đơn vị kết hợp với nhu cầu của xã hội. Trong đó, chiến lược tuyển sinh các chuyên ngành thuộc lĩnh vực đường sắt tốc độ cao của nhà trường sẽ tận dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có từ các chuyên ngành liên quan đang đào tạo, nhằm sử dụng được lợi thế nền tảng về các kiến thức thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.

Bên cạnh đó, trường mở rộng tuyển sinh mới cho các chuyên ngành thuộc lĩnh vực đường sắt tốc độ cao, thu hút nguồn lực trẻ và tiềm năng để phát triển chuyên sâu trong lĩnh vực này gồm: Kỹ thuật xây dựng đường sắt tốc độ cao; cơ khí đường sắt tốc độ cao; kỹ thuật điều khiển tự động và thông tin tín hiệu đường sắt tốc độ cao; khai thác vận tải đường sắt tốc độ cao.

Để cụ thể hóa cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành đường sắt tốc độ cao, UTH tuyển sinh hệ đào tạo chính quy hằng năm, bao gồm các phương thức xét tuyển theo quy định; tuyển sinh văn bằng 2, liên thông, hệ vừa làm vừa học. Trong đó, tập trung vào người học thuộc các doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông vận tải. Nhà trường đang có kế hoạch tiếp nhận sinh viên quốc tế tới học. UTH và đối tác đã đàm phán tiến tới tiếp nhận lứa sinh viên quốc tế đầu tiên.

“Với tinh thần tự lực tự cường, nhà trường sẽ đảm đương trọng trách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giao thông vận tải và góp phần vào sự phát triển đất nước. Luôn bám sát mọi chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải, trường xác định hoàn toàn độc lập, tự chủ trong công tác đào tạo, nghiên cứu về công nghệ đường sắt tốc độ cao”, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Trong những năm gần đây, Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải đã có những bước chạy đà tích cực, chuẩn bị cho tuyển sinh và đào tạo đường sắt tốc độ cao. Theo Phó Hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, bên cạnh đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên ngành đường sắt hiện có, nhà trường đã tiến hành xây dựng đề án, thành lập Trung tâm công nghệ đường sắt tốc độ cao làm đầu mối triển khai các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng trong lĩnh vực này.

Trên cơ sở chuyên ngành đào tạo xây dựng đường sắt đã có truyền thống tuyển sinh, trường xây dựng và đưa vào tuyển sinh một số chuyên ngành đào tạo như: Công nghệ kỹ thuật đường sắt & metro; xây dựng cầu - đường sắt; công nghệ kỹ thuật đường sắt tốc độ cao và một số chuyên ngành dự kiến mở mới: Quản lý và khai thác vận hành đường sắt, công nghệ tự động hóa trong đường sắt, hạ tầng đường sắt thông minh.

Chương trình đào tạo của nhà trường tăng thời lượng các học phần thực hành, thực tập doanh nghiệp, gắn đào tạo trong trường với thực tế các doanh nghiệp, dự án đang vận hành. Bổ sung các kiến thức bổ trợ cho sinh viên về tư duy hệ thống, kỹ năng nghiên cứu ứng dụng công nghệ, công nghệ 4.0 như Internet vạn vật IoT và trí tuệ nhân tạo AI, mô hình thông tin công trình BIM…

co-hoi-mua-tuyen-sinh-2025-1.jpg
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TPHồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Đổi mới chương trình, tăng cường hợp tác quốc tế

Trước yêu cầu thực tiễn cần phải phát triển ngành đường sắt, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa, theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, thời gian qua, Trường ĐH Giao thông vận tải đã chủ động đổi mới chương trình đào tạo, liên kết với các trường để chủ động đào tạo nguồn nhân lực cho ngành đường sắt. Đối với chương trình đại trà, nhà trường đã xây dựng chương trình kỹ sư đường sắt bao gồm Kỹ thuật xây dựng chương trình đường sắt; Kỹ thuật điều khiển đường sắt; Phương tiện đường sắt…

Các chương trình này đã đáp ứng nâng cao kỹ năng, thích ứng trong thực hiện các công việc và nhiệm vụ thực tế sau khi tốt nghiệp; được cập nhật kiến thức mới, tham khảo các chương trình của các nước có hệ thống đường sắt như của Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, đồng thời tham khảo các doanh nghiệp sử dụng lao động. Nhà trường cũng xây dựng chương trình liên kết bậc đại học ngành đường sắt tốc độ cao với Trường ĐH Dong Yang của Hàn Quốc và tuyển sinh từ năm 2023.

“Đường sắt tốc độ cao vừa được Quốc hội thông qua. Đây là cơ hội, cũng là thách thức trong quá trình đào tạo, nghiên cứu và làm chủ công nghệ. Nhà trường đã nghiên cứu để xây dựng chương trình đào tạo cho phù hợp, tổ chức các lớp học bồi dưỡng, đào tạo bằng đại học thứ 2 cho các khối ngành kỹ thuật; tổ chức các chương trình liên kết đào tạo”, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương cho biết thêm.

Với Trường ĐH Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, thông tin từ PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, nhà trường đã đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tích hợp công nghệ hiện đại, tập trung vào các kỹ năng vận hành, quản lý và nghiên cứu ứng dụng. Các chương trình giảng dạy mới được thiết kế dựa trên mô hình thực tiễn tại các quốc gia có hệ thống đường sắt phát triển, kết hợp lý thuyết và thực hành để sinh viên làm chủ công nghệ ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Bên cạnh đó, nhà trường đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng giảng viên. Giảng viên được cử tham gia các khóa học và nghiên cứu ở nước ngoài, tiếp cận với công nghệ tiên tiến, nhằm chuyển giao tri thức và phương pháp giảng dạy hiện đại về Việt Nam.

Trường cũng cử cán bộ, giảng viên đi học về lĩnh vực đường sắt tốc độ cao từ nhiều năm trước. Trong số đó có những trí thức đã trở thành những nhà khoa học về đường sắt tốc độ cao và được nước ngoài mời ở lại giảng dạy. Tới thời điểm chín muồi, họ đã trở về để cống hiến cho ngành xây dựng đường sắt tốc độ cao. Cùng đó, nhà trường đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp lớn, không chỉ để chuyển giao công nghệ mà còn để mở rộng cơ hội thực tập, nghiên cứu cho sinh viên.

Một bước tiến quan trọng trong công tác đào tạo là việc thành lập Viện Đường sắt Tốc độ Cao - một đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu, phục vụ trực tiếp cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Viện không chỉ tập trung vào đào tạo, mà còn là trung tâm chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế, đảm bảo nhân lực của ngành đường sắt không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn có khả năng vận hành hệ thống giao thông tiên tiến một cách hiệu quả và bền vững.

Để có cơ sở bắt kịp xu hướng công nghệ, kỹ thuật và thực tiễn, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế với các cơ sở nghiên cứu, trường đại học lớn có kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực đường sắt, đường sắt tốc độ cao.

Trường cử giảng viên tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn tại các quốc gia có nền đường sắt cao tốc phát triển như Nhật Bản, Đức, Pháp, Trung Quốc, và Tây Ban Nha; cập nhật tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế để sinh viên có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước; hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để giảng viên được thực hành và cập nhật công nghệ mới nhất.

Trường cũng thành lập nhóm nghiên cứu, chuyên môn về đường sắt, đường sắt tốc độ cao, tổ chức các hội thảo quốc tế và chương trình trao đổi học thuật để sinh viên và giảng viên tiếp cận kiến thức tiên tiến…

Ngành đường sắt bao gồm hạ tầng đường sắt (kỹ thuật xây dựng công trình giao thông); cơ khí đường sắt liên quan đến hệ thống đầu máy, toa xe; ngành điện trong đường sắt bao gồm điện trên đầu máy, toa xe và điện cung cấp ngoài cho đường sắt; hệ thống thông tin và điều khiển đường sắt và ngành tổ chức và khai thác đường sắt, hay là vận tải sắt. - PGS.TS Nguyễn Thanh Chương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ