Phong phú và hấp dẫn cách thức ngoại khóa
Theo thầy giáo Đỗ Đức Anh, giáo viên tổ Ngữ văn của trường, để chuẩn bị cho cuộc thi hùng biện về cuốn sách truyền cảm hứng, từ những tuần trước, tổ Văn đã cho học sinh khối 11 và 10 viết cảm nhận về một cuốn sách, mỗi lớp chọn ra một bạn xuất sắc nhất sau đó sẽ thi theo khối. Cuối cùng mỗi khối chọn ra 2 bạn xuất sắc nhất để tham gia thi hùng biện trước toàn trường.
Với phần thi hùng biện về cuốn sách “Nhà giả kim” của tác giả Paulo Coelho, bạn Trần Ngọc Lan Anh, lớp 10A1 đã xuất sắc giành giải Nhất. Theo đó, Lan Anh đã mang đến cho gần 2.000 học sinh của trường những điều vô cùng thú vị, hấp dẫn về nội dung cũng như những cảm nhận của mình sau khi đọc cuốn sách này.
“Nhà giả kim” là một trong những cuốn sách bán chạy nhất lịch sử xuất bản thế giới, với 65 triệu bản và được dịch sang 67 thứ tiếng khác nhau. Câu chuyện kể về Santiago, cậu bé chăn cừu trên hành trình đi tìm “Truyền thuyết riêng mình”. Theo Lan Anh, đây là một cuốn tiểu thuyết với văn phong giản dị, lối dẫn chuyện nhẹ nhàng như những câu chuyện cổ tích thần tiên, nó đã khiến em nghĩ đến một triết lý sâu sắc: Đôi khi người ta phải đi cả một cuộc hành trình dài, với bao hiểm nguy vất vả, chỉ để hiểu rằng, hạnh phúc ở ngay dưới chân ta, ở nơi mà ta đã từng bước qua. Cô bạn nhắn nhủ “khi lý trí chưa đưa ra được câu trả lời, bạn hãy đặt tay lên trái tim mình để nghe nó thổn thức và khơi gợi cho bạn những ước mơ để bạn tiếp tục hành động, chinh phục nó”.
Bên cạnh hùng biện, buổi ngoại khóa cũng đã được các em học sinh hào hứng tham gia với cuộc thi thiết kế bìa sách. Những bìa sách độc đáo, đầy sáng tạo về các cuốn truyện như Harry Potter, Miền kí ức, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh… đã được các bạn học sinh dày công chuẩn bị. Đặc biệt, tại buổi ngoại khóa, các em đã được giao lưu với nhà văn 8x được giới trẻ vô cùng yêu mến- Anh Khang. Nhà văn Anh Khang nổi tiếng với các tác phẩm như: Buồn làm sao buông, Thương mấy cũng là người dưng, Ngày trôi về phía cũ, Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em…
Rất nhiều câu hỏi được đặt cho nhà văn: Anh đọc cuốn sách nào đầu tiên, yêu nhất cuốn nào, tại sao các tác phẩm của anh đều man mác buồn, nhớ thương? Trong các nhân vật của sách truyện anh đọc, anh thích nhân vật nào? hay các em phải chia sẻ với ba mẹ như thế nào khi ba mẹ không cho phép đọc những tác phẩm tình cảm, hoặc tác phẩm có phần ma mị, viễn tưởng... Những lời chia sẻ đầy thân thiện của nhà văn Anh Khang kèm theo những cuốn truyện do chính tay tác giả kí tặng đã khiến cho bầu không khí của buổi ngoại khóa thêm phần sống động.
Để mỗi cuốn sách là một trải nghiệm bổ ích
Theo chia sẻ của cô Vũ Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng nhà trường, với mục đích khuyến khích học sinh đọc sách, thu nhận được nhiều kiến thức từ sách cũng như giúp cho học sinh có phương pháp, kĩ năng đọc sách, khơi gợi niềm đam mê với những cuốn sách bổ ích, từ đầu năm học 2016 - 2017, Trường THPT Bùi Thị Xuân đã đưa tiết đọc sách (45 phút) vào thời khóa biểu cho khối 10 và 11. Sau một học ky, các em đã cùng nhau trao đổi, thảo luận và trải nghiệm với 10 đầu sách bổ ích.
Theo đó, các em có thể viết cảm nhận, có thể đóng một đoạn kịch hay hát những ca khúc đặc biệt về các tác phẩm văn học để tiết đọc sách thêm sinh động và hiệu quả.
Được biết, ở thời gian tới, ngoài những tác phẩm văn học hay, những cuốn sách về dạy làm người, về tình yêu thương gia đình… trường Bùi Thị Xuân sẽ hướng đến những cuốn sách khoa học cho các em để bồi đắp thêm cho các em về các kiến thức khoa học, kĩ thuật nhằm gợi mở cho các em nhiều điều trong cuộc sống từ những trang sách.
Bên cạnh việc để đánh giá về hiệu quả của tiết đọc sách sau một học kỳ, buổi ngoại khóa “Hẹn hò cùng sách” cũng là nơi các em học sinh được trổ tài, được chia sẻ với nhau về những cuốn sách hay mà mình từng đọc, từ đó truyền đi cảm hứng đọc sách với các bạn.
Ngoài ra, theo thầy giáo Đỗ Đức Anh, đây cũng là cơ hội để các em chia sẻ những cuốn sách mà mình có, mà mình từng đọc, từng học với những bạn chưa có điều kiện để mua, để đọc nó. Vì vậy, trường đã phát động chương trình Tủ sách gieo mầm ước mơ nhằm trao tặng cho học sinh ở trường dân tộc nội trú của tỉnh Lâm Đồng. “Hiện nhà trường đã có 3.000 đầu sách đã được đóng gói rất cẩn thận để thời gian tới, trường sẽ trao tặng cho các em học sinh ở vùng cao. Ngoài truyền cho cảm hứng, niềm đam mê đọc sách, buổi ngoại khóa cũng rất muốn mang đến cho các em thông điệp về sự chia sẻ với mọi người, đặc biệt là những cuốn sách hay, một món quà vô giá với người nhận” - thầy Đức Anh nói.