Gần 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng lan tỏa sâu rộng ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và mang lại hiệu quả thiết thực.
Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước coi việc chăm lo, tri ân người có công vừa là duy trì, phát huy đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, đồng thời coi đây là trách nhiệm của mỗi người...Vì thế nhiều năm qua, cùng với Nhà nước, nhân dân khắp các địa phương đã đóng góp xây dựng được nhiều công trình tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, góp phần giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào đối với quê hương, đất nước cho các thế hệ người Việt Nam; phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ đã và đang phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu với nhiều hình thức phong phú như: áo lụa tặng bà; áo ấm tặng mẹ; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; xây dựng nhà tình nghĩa; xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa; chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh nặng, cha mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, con liệt sĩ; xây dựng nghĩa trang và đài liệt sĩ…
Hơn nữa, những năm gần đây, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi cán bộ và nhân dân trong cả nước, được tổng kết và nhân rộng điển hình ở các cơ quan, đơn vị, trường học, các khu dân cư đến xã, phường… là nơi tụ hội sức mạnh to lớn của lòng dân, ý Đảng, trở thành phong trào xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công, từng bước huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, đa dạng về hình thức, thiết thực và sâu sắc về nội dung, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. Những hoạt động tình nghĩa ấy là nguồn động viên, cổ vũ người có công phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua mất mát thương tật, khó khăn vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội, tiếp tục góp sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chỉ tính trong 5 năm gần đây, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã tiếp nhận được sự ủng hộ 1.500 tỷ đồng, xây mới 55.600 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 39.000 nhà với tổng số hàng trăm tỷ đồng, tặng 604.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa, 15.000 vườn cây tình nghĩa trị giá hàng trăm tỷ đồng…
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, cả nước có hơn 8,8 triệu người có công, trong số đó gần 1,5 triệu người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Bên cạnh đó là hàng nghìn liệt sỹ vẫn phải nằm lại dưới những cánh rừng, dưới lớp lớp sóng biển hay trong những ngôi mộ liệt sỹ chưa biết tên, hay những mẹ già lưng còng đầu bạc chưa vợi nỗi nhớ, mòn mỏi ngóng những người con đã ra đi chưa về… Những nỗi đau ấy, sự mất mát ấy, trong cuộc sống đâu dễ nguôi ngoai đối với mỗi con người và cả dân tộc.
Để công tác chăm lo người có công đạt kết quả tốt, khi điều kiện kinh tế đất nước còn gặp những khó khăn đang đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và mỗi chúng ta phải có nghĩa vụ, trách nhiệm cao hơn nữa trong việc làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công.
Đặc biệt là để cho thế hệ trẻ, thấy việc chăm sóc người có công vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm cao quý, thể hiện rõ ý Đảng, lòng dân và cũng là để tiếp tục nhân lên đạo lý, truyền thống nhân văn cao đẹp của dân tộc.