Nhóm học sinh làm bè trồng cây thủy sinh từ chai nhựa lọc nước ô nhiễm

GD&TĐ - Sau gần 2 tháng mày mò chế tạo, mô hình bè nổi hình lục giác trồng cây thủy sinh làm từ chai nhựa tái chế đã hoàn thiện.

Nhóm cô trò làm bè nổi lọc nước từ chai nhựa phế thải và sản phẩm hoàn thiện.
Nhóm cô trò làm bè nổi lọc nước từ chai nhựa phế thải và sản phẩm hoàn thiện.

Mô hình bè nổi hình lục giác trồng cây thủy sinh làm từ chai nhựa tái chế của nhóm học sinh Thanh Hóa góp phần lọc nước ô nhiễm tại các con sông và tạo cảnh quan trong khu dân cư, đô thị.

Dùng rác thải nhựa để xử lý nước ô nhiễm

Mô hình bè nổi hình lục giác trồng cây thủy sinh làm từ chai nhựa tái chế, được thực hiện bởi nhóm học sinh Nguyễn Thùy Linh, Hà Nguyễn Gia Bảo, Nguyễn Hải Anh, Trường THPT Hoằng Hóa 4 và Trịnh Nguyên Thành, Trường THPT Lương Đắc Bằng, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Sản phẩm vừa đạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2022.

Em Hà Nguyễn Gia Bảo cho biết, hiện nay có rất nhiều con sông, hồ trong khu cư dân đang bị ô nhiễm nguồn nước trầm trọng, điều đó không những ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân mà còn làm mất đi cảnh quan xung quanh. Để cải thiện nguồn nước ô nhiễm trên, chúng ta đã áp dụng nhiều giải pháp khác nhau, tuy nhiên chúng chỉ giải quyết trong một thời gian ngắn đồng thời tốn kém nhiều chi phí.

Chính vì thế, nhóm chúng em muốn chế tạo một chiếc bè lọc nước bằng công nghệ sinh học. Theo đó chúng em tận dụng những chai nhựa tái chế để tạo thành những chiếc bè hình lục giác nổi trên sông.

Những chiếc bè hình lục giác này được trồng các loại cây thuỷ sinh (thuỷ trúc, rau muống, cỏ nến, lục bình…) và thông qua các bộ rễ, chúng sẽ lọc nước liên tục, góp phần cải thiện nguồn nước. Ngoài ra, trên bè này chúng em còn nuôi các loài động vật nhuyễn thể như trai hai mảnh cũng có khả năng lọc nước liên tục.

Sau gần 2 tháng mày mò chế tạo, mô hình bè nổi hình lục giác trồng cây thủy sinh làm từ chai nhựa tái chế đã hoàn thiện.

Để gia tăng tác dụng của bè lục giác, chúng em còn tích hợp hệ thống pin năng lượng Mặt trời để bổ sung một số tính năng khác như: Trên bè lắp thêm hệ thống máy bơm để lọc nước qua các tầng lọc cát, sỏi, than hoạt tính…; lắp thêm máy bơm sục khí để gia tăng nồng độ oxy trong nước; lắp thêm hệ thống chân vịt điều khiển từ xa để có thể biến chiếc bè thành phao cứu sinh di động trong các trường hợp khẩn cấp; lắp thêm hệ thống loa âm thanh giúp tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường tới người dân.

“Đặc biệt hơn nhờ chiếc bè thiết kế hình lục giác, chúng em có thể ghép nối bè thành các hình dạng, các chữ khác nhau đồng thời tích hợp hệ thống đèn led tự động bật ban đêm nên giúp tạo cảnh quan thêm sinh động trên các con song”, Gia Bảo cho hay.

Dùng cây xanh đổi lấy chai nhựa để làm bè lọc nước

“Những tiết áp dụng khoa học công nghệ trên lớp đã khơi dậy tình yêu và niềm đam mê khoa học, đồng thời dạy chúng em biết ý nghĩa của khoa học trong cuộc sống. Hiểu rằng những phát minh nhỏ cũng có thể làm thay đổi cuộc sống, chúng em muốn giải quyết những vấn đề bức xúc ngay bên cạnh mình như ô nhiễm ao, nguồn đất, hay cải tiến những máy móc, thiết bị...”, em Lê Huyền Trang, học sinh lớp 12A1, người thực hiện dự án chia sẻ.

Vì là sản phẩm bảo vệ môi trường nên nguyên liệu dùng được tái chế hoặc tận dụng phế thải trong cuộc sống. Để có đủ vỏ chai nhựa dành cho thực nghiệm, nhóm đã tự đóng góp tiền mua hàng chục chậu cây xanh xinh xắn tổ chức chương trình đổi chai nhựa lấy chậu cây.

Trong quá trình hoàn thiện mô hình, nhóm đều tránh hoặc giảm thiểu nhất ảnh hưởng đến môi trường. Nguyên vật liệu đều là tái chế, sử dụng pin năng lượng Mặt trời, cây thủy canh tìm kiếm có sẵn trong thiên nhiên...

“Tình yêu khoa học là điều kết nối và gắn kết chúng em. Tham gia thực hiện dự án chúng em không những có thêm nhiều kỹ năng mới như làm việc đội nhóm, giao tiếp, thuyết trình trước đám đông... mà còn ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Em và các bạn sẽ tiếp tục tham gia những dự án khoa học của trường, để được đóng góp một phần sức lực cho công tác bảo vệ môi trường...”, Nguyễn Hải Anh chia sẻ.

Cô giáo Nguyễn Lan Phương - Trường THPT Hoằng Hóa 4, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ đây là lần đầu tiên các em học sinh làm đề tài, làm việc nhóm không liên quan nhiều đến sách vở. Nhóm rất phấn khởi vì các bạn thấy góp phần nhỏ bé cải thiện môi trường. Đây là hoạt động của nhiều lĩnh vực, có sự hỗ trợ của nhiều giáo viên trong trường mới hoàn thành được đề tài để được đánh giá cao.

Thời gian tới nhà trường sẽ tiếp tục triển khai các diễn đàn, các cuộc thi, hoạt động hướng tới bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Mô hình bè nổi hình lục giác trồng cây thủy sinh làm từ chai nhựa tái chế đã phát huy niềm đam mê học hỏi, sáng tạo và cống hiến của tuổi trẻ, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ