Hiện tượng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gây khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức cơ sở diễn ra phổ biến, nhưng chưa có biện pháp quyết liệt, kịp thời để xử lý. Vẫn còn tình trạng bao che, lợi ích nhóm đối với “tham nhũng vặt”, không xử lý, xử lý không kiên quyết hoặc chưa loại bỏ được những cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng; không kịp thời luân chuyển, bố trí cán bộ có dư luận xấu trong xã hội.
Mặc dù, chính quyền địa phương các cấp đã công khai địa điểm để cá nhân, tổ chức phản ánh tình trạng tham nhũng, thậm chí có địa phương quy định rõ mức tiền thưởng đối với cá nhân, tổ chức khi tố giác hành vi tham nhũng nhưng việc tố giác vẫn còn hạn chế nên không phản ánh thực chất tình trạng tham nhũng, nhất là “tham nhũng vặt”.
Vì vậy, muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả, nhất là “tham nhũng vặt” ở cơ sở cần phải nâng cao ý thức của cán bộ, công chức; mọi hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh cần phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh trước pháp luật.
Khi xảy ra tình trạng “tham nhũng vặt” người đứng đầu phải bị kỷ luật mới đảm bảo tính răn đe. Bên cạnh đó, cần thiết lập địa điểm tố giác “tham nhũng vặt” của chính quyền các cấp phải thật sự tin cậy để cá nhân, tổ chức phản ánh, đồng thời, thực hiện tốt việc bảo vệ người tố giác tham nhũng, không để tình trạng trả thù, đe dọa, trù dập… xảy ra.
Ngoài ra, việc phát sinh “tham nhũng vặt” của cán bộ, công chức khi thực hiện thủ tục hành chính cũng xuất phát từ việc cá nhân, tổ chức cố tình “đút lót”, mua chuộc cán bộ, công chức nhằm thực hiện trái quy định của pháp luật để đem lại lợi ích cho mình thì cũng phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Có như vậy, công tác phòng, chống tham nhũng mới có sự chuyển biến tích cực, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào bộ máy Nhà nước.