Nhận biết về nóng trong: Dấu hiệu cần lưu ý

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân gây ra nóng trong. Do đó, cần hiểu rõ về bệnh để có cách phòng tránh, điều trị kịp thời.

Thường xuyên luyện tập thể thao, uống đủ nước sẽ hạn chế bị nóng trong. Ảnh minh họa: ITN
Thường xuyên luyện tập thể thao, uống đủ nước sẽ hạn chế bị nóng trong. Ảnh minh họa: ITN

Dấu hiệu nhận biết

Nóng trong là tình trạng cơ thể luôn cảm thấy khó chịu, ra mồ hôi ở tay chân, nổi nhiều mụn nhọt, mất ngủ về đêm. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến nhiệt độc tích tụ lâu ngày, suy giảm hệ miễn dịch, cơ thể mất sức đề kháng, dễ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, tiết niệu và nội tiết tố thay đổi…

Thấy con gái 8 tuổi gầy, xanh xao, ăn nhiều không tăng cân và thường xuyên mệt mỏi, chị Trần Thu Hà (Thanh Hà, Hải Dương) đã đưa cháu đi khám. Con không tập trung, ảnh hưởng lớn tới kết quả học tập cũng như sức khỏe thể chất, tinh thần. Bác sĩ kết luận bé bị táo bón, nóng trong người dẫn đến kém hấp thụ, suy nhược cơ thể.

Thầy Lê Huy Hùng - Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Hà Nội) chia sẻ mới được bác sĩ hướng dẫn điều trị bệnh nóng trong. Theo đó, thầy Hùng thường cảm thấy đầy bụng, khó tiêu, ăn uống không ngon miệng, ra mồ hôi nhiều, bị sút cân không rõ nguyên nhân, người luôn cảm thấy nóng, mệt mỏi.

Những trường hợp trên đều được bác sĩ chẩn đoán bị nóng trong người kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải - Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, nóng trong gây nổi mụn nhọt, mề đay, mẩn ngứa, phù nề, nhiễm trùng da, rôm sảy… Đó là biểu hiện do chức năng gan suy giảm làm khả năng thanh lọc và chuyển hóa các độc tố giảm theo dẫn tới việc tích tụ độc tố trong gan, lâu dần chúng xâm nhập qua da. Nếu tình trạng này kéo dài kèm theo vàng da, táo bón thì nên đi kiểm tra sức khỏe ngay.

Bên cạnh đó, khi bị nóng trong, gan sẽ sinh ra nhiều ammonia gây ra hơi thở có mùi khó chịu. Nếu không phải do bị hở van dạ dày hoặc vệ sinh cá nhân kém mà thấy hiện tượng hơi thở nóng hoặc hôi thì khả năng cao bị nóng trong.

Mỏi mắt và quầng thâm quanh mắt cũng có thể là dấu hiệu của nóng trong cần được kiểm tra sức khỏe để biết chắc chắn và cải thiện kịp thời. Đồng thời, môi đỏ, căng mọng, nứt nẻ cùng với nước tiểu vàng là triệu chứng cho thấy đang bị nóng trong người và thiếu nước. Hãy bổ sung nhiều nước hơn và có một chế độ ăn lành mạnh để tránh nóng trong.

Bác sĩ Hải thông tin, những người có cơ địa nóng sẵn hoặc người thường xuyên bị nóng trong rất khó để tăng cân, mặc dù ăn nhiều. Vì khi bị nóng trong, cơ thể sẽ hấp thu và tiêu hóa kém dẫn đến gầy gò, xanh xao.

Hoặc trường hợp nếu bạn ăn đủ chất xơ và chế độ ăn khoa học mà vẫn bị táo bón thì chính là dấu hiệu cơ thể bị nóng trong. Khi chất béo không được chuyển hóa và chất độc không được đào thải ra ngoài sẽ khiến khả năng tiêu hóa gặp vấn đề và báo hiệu gan đang bị suy yếu.

Ngoài ra, nếu không do phải suy nghĩ, ban ngày ngủ nhiều, môi trường sống tác động mà bị mất ngủ thì chính là do tình trạng nóng trong người gây ra. Bởi chân tay bứt rứt, khó chịu khiến não bộ không thể thư giãn để đi vào giấc ngủ. Chảy máu răng, chảy máu cam chính là biểu hiện nóng bên trong người nguy hiểm.

Hơn nữa, hệ tiêu hóa, đặc biệt là gan và đường ruột làm việc kém hiệu quả dẫn tới phân có màu bạc hơn và nước tiểu có màu vàng hơn. Đây chính là những triệu chứng nóng trong người. Tuy nhiên, cần chú ý để phân biệt rõ ràng vì trong một số trường hợp có thể do đồ ăn thức uống cũng gây ra hiện tượng trên.

Đối với bệnh nóng trong cũng cần lưu ý, chất xơ là thành phần không thể thay thế, đặc biệt là ở hệ tiêu hóa vì nó có thể kích thích làm tăng nhu động ruột, làm cho thức ăn dễ dàng đi qua ruột mà không bị ứ đọng.

Chất xơ trực tiếp đẩy chất độc trong ống tiêu hóa, hạn chế sự phát triển của các loại vi khuẩn gây hại trong đại tràng. Việc ăn ít chất xơ không chỉ gây nóng trong, mà còn làm tăng các bệnh lý về đường tiêu hóa.

Trong khi, đồ ăn nhiều dầu mỡ và gia vị có thể giúp tăng cảm giác ngon miệng với nhiều người, nhất là học sinh nhưng lại có tác hại khá lớn vì nó cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể dẫn đến nóng trong người, gây béo phì và một số bệnh khác như xơ vữa mạch máu, tiểu đường, tăng huyết áp…

Người bị nóng trong cần kiêng đồ ăn cay nóng. Ảnh minh họa: ITN

Người bị nóng trong cần kiêng đồ ăn cay nóng. Ảnh minh họa: ITN

Điều chỉnh thói quen

Theo bác sĩ Lê Thị Thùy - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nóng trong người đang trở nên phổ biến, tình trạng này kéo dài dẫn đến độc tố tích tụ làm suy yếu hệ miễn dịch nên cơ thể dễ bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Đặc biệt là nhiễm trùng đường sinh dục, viêm đường tiết niệu hay hệ tiêu hóa.

Độc tố tích tụ lâu ngày thâm nhập vào máu, xuất hiện những dấu hiệu sốt cao, xuất huyết dưới da, chảy máu cam… Không bổ sung đủ nước kịp thời dẫn đến việc thiếu và mất nước, gây rối loạn chất điện giải, tiểu ít, ure trong máu cao gây tình trạng co giật, nghiêm trọng hơn là có thể bị nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong.

Đưa ra lời khuyên cụ thể, bác sĩ Thùy cho rằng, khi có một hay nhiều biểu hiện nóng trong người với tần suất thường xuyên thì cần tìm hiểu nguyên nhân để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Dưới đây là một số biện pháp giúp giảm thiểu tình trạng nóng trong người hiệu quả:

Đảm bảo chế độ ăn khoa học: Những biểu hiện nóng trong người rất có thể là hậu quả của một chế độ ăn không khoa học, ăn quá nhiều các món ăn cay, nóng, chiên rán…

Những ai thường xuyên bị nóng trong hãy xây dựng một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và khoa học, như tăng cường các loại rau củ có tính thanh nhiệt giải độc như dưa chuột, rau má, diếp cá, mướp đắng, bí đao… nhờ đó đẩy lùi được tình trạng nóng trong người.

Đồng thời, ăn các loại trái cây như cam, bưởi, đu đủ, nước dừa, chanh leo, và bổ sung các loại vitamin… những loại này không chỉ có tác dụng giải khát mà còn làm mát cơ thể. Cách trị nóng trong đơn giản và hiệu quả nhất là tạo thói quen uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để thanh lọc, tiêu độc.

Rèn luyện cơ thể: Lười vận động không chỉ làm cho cơ thể trì trệ, sức khỏe giảm sút, tinh thần mệt mỏi, mà còn là nguyên nhân của nhiều loại bệnh khác như cao huyết áp, béo phì, bệnh xương khớp, giảm tuần hoàn máu, chậm quá trình trao đổi chất, mất ngủ, nóng trong… Bạn nên luyện tập thể thao với cường độ phù hợp để cải thiện tình trạng sức khỏe, có cuộc sống khỏe mạnh và tinh thần thư thái, đầy năng lượng cho những ngày mới.

Hạn chế sử dụng chất kích thích: Các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và có thể gây ra tình trạng nóng trong người. Hạn chế sử dụng các chất kích thích không chỉ giúp bạn không bị nóng trong người, mà còn có thể giúp bảo vệ sức khỏe của bạn.

Hạn chế ảnh hưởng của môi trường: Môi trường nắng nóng cũng là một nguyên nhân gây nóng trong. Vì vậy, khi ra ngoài hay làm việc dưới ánh nắng chói chang, hãy chuẩn bị các vật dụng bảo vệ cơ thể như mũ, nón, ô, áo chống nắng, đeo khẩu trang… Bên cạnh đó, nên mặc những trang phục thoải mái, rộng rãi, thấm hút mồ hôi, thiết kế nhà cửa thoáng mát, đặt cây cảnh trong nhà, nghỉ ngơi và thư giãn hợp lý.

“Người bị nóng trong phải luôn nhớ cần kiêng đồ ăn cay nóng, hạn chế đồ ăn dầu mỡ, không uống các loại chất kích thích như cà phê, trà, nước tăng lực, hút thuốc lá để hạn chế chất độc vào gan; Đồng thời, tránh căng thẳng, giảm thiểu áp lực, ngủ đủ giấc, không thức khuya… để tránh tình trạng nội nhiệt nghiêm trọng hơn”, bác sĩ Lê Thị Thùy nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, nguyên nhân dẫn đến nóng trong một phần là do không cung cấp đủ nước. Điều này khiến việc tản nhiệt của cơ thể kém hiệu quả gây nóng trong. Uống rượu bia thường xuyên không chỉ có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ, viêm gan, làm chức năng gan tổn thương, mà còn gây nóng trong người, tổn hại sức khỏe và tinh thần, không kiểm soát được hành vi, dễ gây tai nạn giao thông…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ