Tốt nghiệp đại học khi sang tuổi 60
Ông Cũng Hoàng Phương (SN 1964) ngụ tại ấp Trường Trung, xã Trường Thành, H. Thới Lai, TP. Cần Thơ) một ví dụ sống cho tinh thần học tập suốt đời, ông Phương nhận bằng tốt nghiệp đại học ngành Dược học khi đã bước sang tuổi 60.
Nhìn lại giai đoạn khó khăn thời trẻ, ông Phương chia sẻ rằng vào thời bao cấp đó, ăn cơm nhà nước thì đâu có tiền có bạc gì đâu? Nên ông chủ yếu cố gắng học tập để có cái nghề thôi. Nhờ tính chịu khó, ông theo đuổi học y sĩ từ năm 1986 - 1989.
Sau tốt nghiệp ra trường, ông về nhận công tác tại trạm y tế xã. Sau hơn 3 năm làm việc, ông Phương quyết định ra kinh doanh thuốc, nhờ tính cần cù chịu khó học tập và nghiên cứu học hỏi nên tiệm thuốc lúc nào cũng được người dân xung quanh tin tưởng, ủng hộ.
Ông Phương nhắn nhủ: “Học không bao giờ là quá muộn. Hãy học mỗi khi có cơ hội. Tự học là chìa khóa, và muốn thành công, bạn phải học. Đừng xa xỉ, ăn chơi… vừa không nên thân vừa hại gia đình và xã hội”.
Dù đã gần 60 tuổi, ông vẫn không ngừng nỗ lực học tập. Ông tâm niệm rằng dù khó khăn đến đâu vẫn sẽ tiến tới mục tiêu của mình. Chính vì vậy, vào năm 2014, ông quyết định thi tuyển vào ngành Dược học tại ĐH Tây Đô. Sau 5 năm nỗ lực, ông hoàn thành chương trình đại học. Tuy nhiên do ảnh hưởng bởi bệnh về mắt và đại dịch Covid-19 nên mãi đến năm 2023 ông mới tốt nghiệp.
Cô Nguyễn Ngọc Yến - Giảng viên khoa dược điều dưỡng, Cố vấn học tập cho biết: Đến năm 2019, cơ bản ông Phương đã hoàn thành hết các học phần tích luỹ, chỉ thiếu các điều kiện chuẩn đầu ra.
“Mặc dù bị bệnh nhưng sau khi vừa điều trị xong là chú đòi gia đình đưa đi học lại để cố gắng tốt nghiệp”, cô Yến nói thêm.
Ông Cũng Hoàng Phương trò chuyện cùng phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại. |
Qua nhiều năm công tác giảng dạy, cô Yến cũng từng hỗ trợ rất nhiều sinh viên và học viên lớn tuổi. “Hầu hết các cô chú đều yêu thích và vượt khó học tập, học không vì bằng cấp, yêu thích chuyện học, với nhiều người khi bị bệnh như vậy thì đã bỏ cuộc nhưng với chú Phương đã luôn cố gắng hoàn thành học phần để tốt nghiệp”, cô Yến tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Dòn (58 tuổi, vợ của ông Phương) cho hay: Thấy chồng đam mê quá nên mình cũng quán xuyến mọi việc trong nhà và tiệm thuốc để hỗ trợ cho chồng đi học. "Lúc tôi dìu chồng lên bục mà cả hội trường vỗ tay, hò reo làm tôi rất xúc động".
Tấm gương điển hình học tập suốt đời
Nhận xét về sinh viên đặc biệt này, cô Yến cho rằng: Ông Phương là sinh viên lớn tuổi nhất lớp và là sinh viên rất thích thú nghiên cứu, tìm tòi và đam mê học hỏi. Mặc dù bị rào cản bởi tuổi tác và bị gián đoạn học tập trong thời gian khá dài nhưng bản thân chú Phương đã nổ lực cố gắng rất nhiều trong học tập.
“Để hỗ trợ và tạo thuận lợi cho chú trong học tập, nhà trường cũng sắp xếp chú chung nhóm với các bạn trẻ hơn và nhiệt tình. Đồng thời qua những lần họp lớp cũng động viên chú, hỗ trợ khắc phục khó khăn do điều kiện tuổi tác, nhưng quan trọng vẫn sự nổ lực vượt khó của bản thân chú, đó mới là điều đáng quý”, cô Yến chia sẻ thêm.
Ảnh chụp ông Cũng Hoàng Phương cùng gia đình. |
Theo TS Trần Công Luận, Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô. Nhà trường cũng có nhiều trường hợp sinh viên lớn tuổi theo học tại trường, đặc biệt là tần suất sinh viên lớn tuổi theo học ngành dược cao so với ngành khác.
Những vấn đề tồn tại của sinh viên lớn tuổi này thường là quên nhiều kiến thức phổ thông, thời gian "bọng" nhiều hơn nên việc học cũng vất vả hơn so với sinh viên mới tốt nghiệp.
Trong đó nặng nhất vẫn là tiếng anh, tin học… có những trường hợp sinh viên lớn tuổi tại trường phải nổ lực 7 lần thi ngoại ngữ mới hoàn thành được chuẩn đầu ra của trường.
Cạnh đó cũng có tính tích cực đó là sự nổ lực tự thân, có tinh thần nổ lực rất cao, có định hướng nghiên cứu và tìm tòi học hỏi. Riêng trường hợp sinh viên Phương thể hiện rất tích cực, còn muốn tìm tòi khám phá, khi tiếp cận được môi trường học tập, phòng thì nghiệm… lại nhận định ra nhiều vấn đề có thể vận dụng thực tế nghiên cứu.
"Không chỉ trường sinh viên Cũng Hoàng Phương, những tấm gương học tập suốt đời luôn có những tấm gương điển hình, phổ thông vẫn có. Những tấm gương học tập suốt đời đó vô cùng quý báu, Bản thân tôi cũng ủng hộ và trân trọng những tấm gương đó đã vượt qua tuổi tác, định kiến những vấn đề mặc cảm của xã hội mà đột phá và can đảm, nổ lực học tập", TS Trần Công Luận nhấn mạnh.