Giọt nước mắt hạnh phúc ngày trở về của các thợ hồ

GD&TĐ - Sau gần 1 tháng “bị kẹt” lại và thực hiện cách ly tập trung tại Đắk Lắk theo quy định, 6 thợ hồ quê ở Nghệ An đã được hỗ trợ trở về nhà trong niềm vui khôn tả.

Sáng 13/9, tại Khu cách ly tập trung trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk, với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng và các mạnh thường quân, 6 thợ hồ (4 nữ, 2 nam) đã lên xe từ Đắk Lắk để về quê Nghệ An sau 26 ngày ở trong khu cách ly.

Trước đó vào ngày 18/8, nhóm thợ hồ này gồm: bà Lê Thị Thăng (1970), bà Nguyễn Thị Trúc (1966), bà Nguyễn Thị Tý (1970), bà Nguyễn Thị Sáu (1980) cùng trú tại xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu (Nghệ An) và các anh Nguyễn Thế Cần (1980), Nguyễn Thế Qúy (1989) trú tại xã Công Thành – Yên Thành (Nghệ An) đi từ tỉnh Bình Phước về quê tránh dịch.

Tuy nhiên khi đến địa phận tỉnh Đắk Lắk đã được đưa vào khu cách ly để phòng, chống Covid-19 tại Trường Chính trị tỉnh, số 1 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột.

Ký vào hồ sơ hoàn thành cách ly y tế theo quy định trước khi lên xe.
Ký vào hồ sơ hoàn thành cách ly y tế theo quy định trước khi lên xe.

Nhóm thợ hồ sau khi hoàn thành xong cách ly 14 ngày nhưng không thể về quê được và phải ở lại thêm 10 ngày vì thời điểm TP. Buôn Ma Thuột thực hiện Chỉ thị 16.

Đến ngày 12/9, cơ quan chức năng đã cho phép những trường hợp này được trở về quê. Tuy nhiên, lúc này mỗi người chỉ còn vài trăm ngàn đồng, lại không có phương tiện để về.

Những phần quà của Chi đoàn Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk góp phần giúp bà con về quê ấm lòng.
Những phần quà của Chi đoàn Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk góp phần giúp bà con về quê ấm lòng.

Biết được thông tin, nhà báo Nguyễn Hải Dương (Info.VietNamnet) đã đứng ra kêu gọi bạn hữu góp kính phí, hỗ trợ 1 chuyến xe (11 triệu); Đoàn thanh niên Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ quà và nhu yếu phẩm cho chuyến hồi hương.

Trước khi lên xe, bà Lê Thị Thăng cho biết, bà và 5 người cùng quê đi làm thợ hồ trong tỉnh Bình Phước rất vất vả, khó khăn. Tiền lương mỗi ngày được 220 ngàn, ăn hết 30 ngàn còn 190 ngàn đồng tiền dư, tuy nhiên do dịch Covid-19 nên cũng thất nghiệp cả tháng trời trước khi về quê.

Giọt nước mắt hạnh phúc ngày trở về của các thợ hồ ảnh 3

Theo bà Thăng thì nhóm của bà đã ở khu cách ly này hơn 26 ngày, ở đây mọi người chăm sóc nhóm của bà rất chu đáo không thua kém ở nhà.

“Dù không được về quê nhưng điều kiện và cán bộ hoạt động trong khu cách ly này khiến chúng tôi ấm lòng, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các cơ quan chức năng Đắk Lắk và mạnh thường quân đã cho tiền xe, thức ăn dọc đường để chúng tôi về quê thuận lợi”- bà Thăng xúc động nói.

Hành trang về quê chỉ là những túi quà đơn sơ nhưng hết sức ấm lòng đối với những lao động nghèo.
Hành trang về quê chỉ là những túi quà đơn sơ nhưng hết sức ấm lòng đối với những lao động nghèo.

Cùng cảm xúc với bà Thăng, bà Nguyễn Thị Tý cho hay, lúc đầu tiền thuê xe hết 11 triệu nhưng trong đoàn người chỉ còn vài ba trăm ngàn nên dự định thuê xe về quê rồi nói con cái vay mượn trả cho nhà xe.

“Nhưng nay được mạnh thường quân giúp đỡ tiền xe, lương thực ăn dọc đường còn cho tiền đi đường nữa nên chúng tôi vô cùng cảm động và biết ơn sâu sắc”- bà Tý nghẹn ngào.

Theo bà Bế Thị Thùy Nhiên - Bác sỹ CK1, Tổ phó tổ trực tại Khu cách ly cho biết, ngày 1/9 là thời gian hoàn thành cách ly tập trung của nhóm người này. Lãnh đạo Khu cách ly đã xin Tỉnh ủy cho nhóm công dân này tiếp tục ở đây vì TP. Buôn Ma Thuột đang thực hiện Chỉ thị 16 và được đồng ý. Lực lượng bộ đội lo cơm, nước hàng ngày.

Bác sỹ Bế Thị Thùy Nhiên, đại diện Khu cách ly tặng quà, căn dặn bà con trước khi lên xe về Nghệ An.
Bác sỹ Bế Thị Thùy Nhiên, đại diện Khu cách ly tặng quà, căn dặn bà con trước khi lên xe về Nghệ An.

Theo bà Nhiên, nhóm này không những rất khó khăn về tiền bạc mà trong nhóm còn có người có tiền sử bệnh về thần kinh, có dấu hiệu trầm cảm và có người có dấu hiệu đau đầu chóng mặt, đau lưng.

“Khi biết mình sắp được về quê, ngày 11/9 nhóm người nay tự liên hệ được xe, và tôi đã làm thủ tục cho nhóm công dân hoàn thành cách ly. Lúc này tôi mới biết họ không có tiền trả tiền xe nên đã gọi điện cho nhiều nơi nhờ hỗ trợ và được các tổ chức, cá nhân nhiệt tình ủng tiền xe và thức ăn cho những người này về quê”- bà Nhiên nói thêm.

Những giọt nước mắt hạnh phúc của 6 thợ hồ khi ngồi trên xe để về quê nhà.
Những giọt nước mắt hạnh phúc của 6 thợ hồ khi ngồi trên xe để về quê nhà.

Còn theo Nhà báo Nguyễn Hải Dương, do đặc thù nghề nghiệp, thường xuyên bám sát các tuyến đầu để đưa tin chính xác, kịp thời về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Vì thế, tận mắt thấy nhiều hoàn cảnh thương tâm, anh và một số nhà báo đã thành lập “Nhóm báo chí thiện nguyện”.

“Khi nghe chị Nhiên thông tin, tôi tìm hiểu hoàn cảnh của các thợ hồ rồi lập tức kêu gọi mấy người bạn hữu chung tay, góp sức giúp bà con về nhà. Thấy các bà, các anh lên xe mà không thể cầm lòng. Vì nghèo, họ phải xa quê cầu thực giờ trở về về bằng hai bàn tay trắng, thương lắm những lao động nghèo”- nhà báo Hải Dương tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.