Cô giáo rời bục giảng “chiến đấu” với ung thư

GD&TĐ - Trải qua biết bao khó khăn, vợ chồng cô Ngân mới hạ sinh được bé gái kháu khỉnh nhờ thụ tinh nhân tạo. Niềm vui chưa được bao lâu, cô Ngân phải đối diện với căn bệnh ung thư buồng trứng.

Căn nhà tuềnh toàng mà vợ chồng cô Ngân đang sinh sống.
Căn nhà tuềnh toàng mà vợ chồng cô Ngân đang sinh sống.

Sức khỏe suy giảm, cô xin nhà trường cho tạm dừng việc giảng dạy để điều trị bệnh.

Chật vật tìm mụn con

Cô Văn Thị Bảo Ngân sinh năm 1985, nhà tại thôn 2, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Trước căn nhà tuềnh toàng, xiêu vẹo, cô Ngân với thân hình gầy gò, ốm yếu đang soạn lại chồng giáo án.

Đôi mắt thẫn thờ, cô Ngân cho hay, cô sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Do cuộc sống quá khó khăn nên khi lên 10 tuổi cô cùng gia đình vào Đắk Lắk sinh sống. Ngoài những giờ lên lớp, cô nữ sinh lúc bấy giờ thường xuyên phụ giúp bố mẹ công việc nhà.

Thương bố mẹ vất vả nên Ngân luôn tự động viên mình cố gắng trong học tập để sau này tìm được một công việc ổn định. Suốt quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường, Ngân luôn ước mơ mình được đứng trên bục giảng, trở thành giáo viên dạy cho trẻ em nghèo.

Nỗ lực của Ngân lúc bấy giờ cũng đã được đền đáp. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, cô Ngân rạng rỡ khi được giảng dạy các em học sinh tại Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (xã Ea Hđing, huyện Cư M’gar). Sau 3 năm, cô Ngân chuyển công tác về giảng dạy môn Toán tại Trường THCS Ea Tul (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar).

Công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, học trò của cô Ngân đa số là các em người đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc sống khó khăn, ít được bố mẹ quan tâm nên các em tiếp thu chậm hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Thương học trò nghèo, cô Ngân thường xuyên quan tâm, chia sẻ vui buồn với học sinh của mình. Mỗi khi thấy trò “quên” lên lớp, cô Ngân đến tận nhà vận động, đưa các em ra trường.

“Hoàn cảnh của các em học sinh nơi đây đa phần khó khăn. Chính vì vậy, bố mẹ các em ít quan tâm đến việc học của con mình. Nhiều gia đình còn gây khó dễ, không cho con đến lớp. Tuy nhiên, tôi không cho phép bản thân để bất kì em nào phải nghỉ học.

Chính vì vậy tôi thường xuyên đến động viên, hỗ trợ các em phần nào khó khăn. Bố mẹ các em cũng dần mở lòng, chịu cho con mình đến lớp. Thấy các em đến trường học con chữ đủ đầy là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với tôi”, cô Ngân tâm sự.

Công việc giảng dạy ổn định, năm 2011, cô Ngân lập gia đình và tính chuyện sinh con. Tuy nhiên, do khó có con nên mỗi khi nghe ai chỉ có bài thuốc hay, vợ chồng cô đều tìm đến. Qua nhiều năm, tốn biết bao nhiêu tiền nhưng không có kết quả, vợ chồng cô quyết định thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Cuối cùng may mắn cũng mỉm cười với vợ chồng cô. Năm 2018, sau khi tốn hàng trăm triệu đồng chạy chữa vợ chồng cô Ngân vỡ òa hạnh phúc khi chào đón cô con gái đầu lòng.

Hạnh phúc chưa mỉm cười

Từ ngày mắc căn bệnh ung thư buồng trứng, cô Ngân trở nên tiều tụy, ốm yếu.
Từ ngày mắc căn bệnh ung thư buồng trứng, cô Ngân trở nên tiều tụy, ốm yếu.

Những tưởng mọi sóng gió đã qua, chỉ còn tiếng cười nói, niềm hạnh phúc của gia đình nhỏ. Nhưng vào tháng 5/2020 cô Ngân thấy cơ thể mình có nhiều dấu hiệu bất thường nên đến bệnh viện thăm khám. Vợ chồng cô như chết lặng khi nghe bác sĩ thông báo cô bị ung thư buồng trứng.

Nợ cũ chưa trả xong, gia đình cô lại phải chạy vạy khắp nơi để lo tiền cho cô chữa căn bệnh quái ác. Qua 2 lần phẫu thuật cơ thể cô trở nên gầy gò, tiều tuỵ. Những lần hóa trị trôi qua tóc của cô cũng rụng dần. Cô Ngân từ một giáo viên nhanh nhẹn, hoạt bát, năng nổ với các hoạt động của trường bỗng trở nên hốc hác, mệt mỏi.

Khoảng đất gần 400m2 được bố mẹ chồng cho từ ngày cưới, vợ chồng cô cũng chưa xây được căn nhà để ở. Toàn bộ tiền hai vợ chồng làm ra đều chạy chữa tìm mụn con và khống chế căn bệnh ung thư buồng trứng. Những năm qua, hai vợ chồng cô vẫn thuê nhà trọ hoặc mượn tạm nhà hàng xóm để ở. Mỗi tháng, cô Ngân đều phải xuống Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh để hóa trị 3 - 4 lần. Kinh phí mỗi lần khoảng từ 3 - 4 triệu đồng nhưng với đồng lương làm thuê bấp bênh của chồng cô cũng chẳng thấm vào đâu.

“Có những lúc tôi muốn từ bỏ để gia đình bớt khổ. Nhưng khi thấy ánh mắt trong veo của cô con gái nhỏ và gương mặt ngây thơ của học trò lại thôi thúc tôi cố gắng. Mỗi lần đi TP Hồ Chí Minh chữa bệnh về tôi lại lên lớp giảng dạy để được nhìn thấy học trò của mình. Tôi ước có thật nhiều sức khoẻ để có thể ở bên gia đình, giúp đỡ các em trên hành trình tìm con chữ”, cô Ngân nghẹn ngào.

Đầu tháng 11/2020 vừa qua, do căn bệnh trở nặng, sức khoẻ không đảm bảo nên cô Ngân đành viết đơn xin nhà trường cho nghỉ dạy để điều trị bệnh. Những ngày ở nhà cô Ngân luôn nhớ ánh mắt, nụ cười ngây thơ của học trò. Hôm nào đỡ đau, cô Ngân lại lôi những trang giáo án cũ, những tấm thiệp chúc mừng trong dịp lễ của học trò ra xem để vơi bớt nỗi nhớ trường, lớp.

Thầy Nguyễn Huy Hoan, Hiệu trưởng Trường THCS Ea Tul cho biết, từ khi về công tác tại trường, cô Ngân luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, cô Ngân rất nhiệt tình trong mọi hoạt động của trường, được đồng nghiệp và học sinh trong trường yêu mến.

Tuy nhiên, từ khi phát hiện căn bệnh ung thư buồng trứng, sức khỏe của cô Ngân yếu dần. Chính vì vậy, các giáo viên trong trường thay phiên nhau hỗ trợ, giúp đỡ để cô Ngân có thời gian đi chữa bệnh.

Theo thầy Hoan, vừa qua cô Ngân có viết đơn xin nghỉ dạy nhằm điều trị bệnh. Để đảm bảo sức khoẻ của cô Ngân, nhà trường đồng ý cho cô nghỉ, hưởng lương bảo hiểm từ tháng 12/2020 đến hết năm học. Bên cạnh đó, trường cũng đã báo cáo lên UBND xã về hoàn cảnh của cô Ngân.

“Khi biết được hoàn cảnh của cô Ngân ai nấy đều vô cùng xót xa. Gia đình cô Ngân rất khó khăn lại phải trải qua biết bao biến cố. Do đó, tôi hy vọng rằng các nhà hảo tâm, mạnh thường quân cùng chung tay hỗ trợ, giúp đỡ để cô Ngân có thể vượt qua bệnh tật, sớm trở về giảng dạy cho các em học sinh”, thầy Hoan tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.