Nhạc Việt 2020: Rap lên ngôi, cover lụi tàn và cuộc đua MV tiền tỷ

Nhạc Việt 2020: Rap lên ngôi, dịch đổ bộ và chiều hướng cực đoan của netizen Việt.

Rap lên ngôi, Ballad vẫn hot 

Năm 2019, khán giả sớm nhận ra sự trỗi dậy của Rap và âm nhạc Indie qua “hiện tượng Đen Vâu” nhưng phải đến năm 2020 mới đánh dấu đỉnh cao của thể loại âm nhạc này. Hai chương trình truyền hình thực tế về Rap là Rap Việt và King of Rap lên sóng cùng tháng 8 tác động mạnh mẽ đến thị trường, tạo ra nhiều thay đổi căn bản.

Nhạc Việt 2020: Rap lên ngôi, cover lụi tàn và cuộc đua MV tiền tỷ ảnh 1

Rap lên ngôi và giữ vị trí độc tôn nhạc Việt 2020 là điều khó chối cãi. Đúng như kỳ vọng của dàn giám khảo, HLV 2 cuộc thi Rap, sau chương trình, thể loại Rap lần đầu tiếp cận đại chúng trong lịch sử hơn 20 năm vào Việt Nam. Khán giả có cái nhìn khác về Rap, các định kiến như: Rap chỉ có dung tục, thóa mạ lẫn nhau; Rap chỉ là phần phụ họa trong một bài hát;... dần bị xóa bỏ. 

Từ sau tháng 8/2020, khán giả đi đâu cũng nghe Rap. Từ underground, giới rapper "trồi" lên mặt các phương tiện truyền thông đại chúng. Họ nhiều show hơn, cát-sê tăng cao, được các nhãn hàng săn đón. Loạt sản phẩm của nghệ sĩ mainstream luôn có rap như phần không thể thiếu. 

Đổi lại, trào lưu Rap tạo ra nhiều vấn đề, trước hết là sự chia rẽ nội sinh trong cộng đồng Rap fan. Rap Việt và King of Rap ra đời với mục đích phổ biến bộ môn đến đại chúng thì chính cộng đồng Rap fan lại tạo sự phân biệt, kỳ thị, gọi người yêu Rap từ 2 cuộc thi này là "Rap fan tháng 8".

Nhạc Việt 2020: Rap lên ngôi, cover lụi tàn và cuộc đua MV tiền tỷ ảnh 2

Trước hiệu ứng mãnh liệt của Rap, Ballad và Pop/Ballad vẫn giữ nguyên vị trí không suy suyển. Hầu hết, các bài hit trong năm đều thuộc thể loại này như Em không sai chúng ta sai, Hoa nở không màu, Ai mang cô đơn đi, Gặp nhưng không ở lại… Nhiều năm qua, gu nhạc của khán giả Việt vẫn trung thành với Ballad, dần tạo thành thói quen nghe cố hữu khiến các dòng nhạc còn lại khó phát triển.

Hoài Lâm gắn liền thương hiệu với nhiều bản ballad.
Hoài Lâm gắn liền thương hiệu với nhiều bản ballad. 

Dù vậy, nghệ sĩ thuộc các dòng cổ điển, cổ điển giao thoa, Jazz, dân ca… luôn không ngừng nỗ lực cách tân dòng nhạc của mình để thu hút khán giả. Chẳng hạn, Hồ Trung Dũng pha Pop, Swing vào Jazz cho dễ nghe hơn; Hà Myo đưa Rap, EDM vào xẩm tạo nên chất nhạc mới; Hà Lê “đương đại hóa” nhạc Trịnh, Boléro…

Covid-19 và các xu hướng nghệ thuật

Không nằm ngoài các lĩnh vực, thị trường âm nhạc thay đổi mạnh mẽ vì dịch bệnh Covid-19. Thứ nhất, xu hướng nghe xem trực tuyến nở rộ. Sự ảnh hưởng của dịch bệnh khiến khán giả tập trung nhu cầu giải trí vào các nền tảng miễn phí lẫn trả phí, dần tạo thành thói quen. Theo Vietnam Network, tính đến tháng 1/2020, có 68 triệu người dùng Internet tại Việt Nam và trong đó hơn 70% sử dụng các dịch vụ giải trí như nghe nhạc, xem video…

Hồ Ngọc Hà và Noo Phước Thịnh trong Private Show.
Hồ Ngọc Hà và Noo Phước Thịnh trong Private Show. 

Năm nay, nghệ sĩ tiếp tục khai thác hình thức series nhạc trực tuyến như See, Sing, Share (Hà Anh Tuấn), The Ai Phuong show (Ái Phương), Một cuốn tự tình (Giang Hồng Ngọc), Daily blog (Hồ Trung Dũng),  Music diary (nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường),...

Nhiều chương trình ca nhạc trực tuyến thu hút sự quan tâm của khán giả mạng. 4 đêm nhạc livestream Love Songs 4 của Hồ Ngọc Hà thu hút đến 20 – 30 nghìn người xem trực tiếp mỗi show. Các đêm nhạc Noo’s chill night cũng tạo hiệu ứng nhất định. Nhà hát online Music Home, chuỗi chương trình Phòng trà online được tổ chức chuyên nghiệp, trở thành lựa chọn "thực đơn tinh thần" mới của khán giả. 

Dịch bệnh cũng tạo cảm hứng cho nghệ sĩ sáng tác các bài nhạc cổ động trong đó nhiều sản phẩm được đánh giá cao về giai điệu, chất nhạc và thông điệp như Việt Nam tử tế (nhóm nghệ sĩ), Tomorrow (Vũ Cát Tường), Forever Beautiful (Hà Lê)... Những ca khúc như Bài ca cách ly (Tùng Maru, Hoàng Yến Chibi, Huỳnh Hiền Năng); Cô Na đi xa (Osad)... lọt top các BXH không khác gì những sản phẩm âm nhạc khác. 

Nhạc Việt 2020: Rap lên ngôi, cover lụi tàn và cuộc đua MV tiền tỷ ảnh 5

Cá biệt, ca khúc Ghen Cô Vy, được chính tác giả bản gốc Ghen là Khắc Hưng viết lại lời, đã vươn đến tầm thế giới, được ca sĩ nhiều nước cover lại hoặc các kênh truyền hình lớn của Mỹ, châu Âu đưa tin.

Jack và AMEE - đại diện sao thế hệ Z

Showbiz Việt từng chứng kiến các cuộc chuyển giao thế hệ. Jack và AMEE là cặp nghệ sĩ tiêu biểu nhất thế hệ Z giai đoạn này.

Jack có một năm phủ sóng tên tuổi thị trường âm nhạc, là sao nam trẻ đắt giá nhất hiện tại. Cả hai sản phẩm Là một thằng con trai và Hoa hải đường tuy vấp phải tranh luận trái chiều nhưng đều nằm trong top sản phẩm đạt thành tích kỹ thuật số cao nhất năm. Sức ảnh hưởng của Jack với khán giả thế hệ Z hiện được cho là vượt qua cả Sơn Tùng M-TP.

Nhạc Việt 2020: Rap lên ngôi, cover lụi tàn và cuộc đua MV tiền tỷ ảnh 6

AMEE, cô gái sinh năm 2000, là biểu tượng Teenpop mới. Phẩm chất thiếu nữ của AMEE nhất quán trong ngoại hình, tính cách, âm nhạc… của cô đồng thời vừa vặn hoàn hảo cho dòng nhạc Teenpop thế hệ Z. Chỉ sau một năm ra mắt, AMEE nhận cúp Nghệ sĩ mới của năm từ BTC giải thưởng Cống hiến 2020; kết hợp Bộ Y Tế phát hành MV Sao anh chưa về nhà kêu gọi cộng đồng hạn chế ra đường mùa dịch và ra album đầu tay Dreamee được đánh giá cao. Cô còn vừa giành giải Nghệ sĩ mới xuất sắc tại Việt Nam ở Mnet Asian Music Awards 2020 của Hàn Quốc. 

Nhạc Việt 2020: Rap lên ngôi, cover lụi tàn và cuộc đua MV tiền tỷ ảnh 7

Cuộc đua MV drama tiền tỷ và giá trị bất biến của album

Năm 2020, xu hướng MV nổi trội nhất là drama chủ đề ngoại tình, người thứ 3, có thể kể đến: Anh ta bỏ em rồi (Hương Giang); Sao anh không ăn (Thủy Tiên); Chưa hề dừng lại (Elly Trần); Không thể cùng nhau suốt kiếp (Hòa Minzy); Gặp nhưng không ở lại (Hiền Hồ)…

Nếu như nhiều năm trước, “MV tiền tỷ” vẫn là khái niệm hãn hữu thì năm nay hiếm MV nào có mức đầu tư dưới 1 tỷ đồng. Cá biệt, Hiền Hồ đầu tư cho MV mới nhất đến 4 tỷ đồng.

Nhạc Việt 2020: Rap lên ngôi, cover lụi tàn và cuộc đua MV tiền tỷ ảnh 8

Giữa năm nay, từ thành công 2 studio MV của Hoài Lâm, MV “cây nhà lá vườn” của Bích Phương…, có ý kiến cho rằng MV đầu tư thấp mới là xu hướng. Thực tế cho thấy điều ngược lại, MV tiền tỷ không bảo chứng thành công nhưng MV giá rẻ hầu hết là “bom xịt”. Vì vậy, cuộc đua MV tiền tỷ của sao Việt chưa thể dừng lại.

Giữa một năm đầy rẫy MV đủ sắc thái, chân dung nghệ thuật của các nghệ sĩ hiện lên rõ nét: Tùng Dương với Human; Khánh Linh với Khanh Linh"s Journey; Hồ Ngọc Hà với Love Songs 4; Nguyên Hà với Hôm qua, hôm nay và sau này; AMEE với Dreamee; Phùng Khánh Linh với yesteryear;…

Năm 2020 đánh dấu sự xuất hiện của nhạc cổ phong (không khí cổ xưa) Việt Nam dù dòng này đã khá phổ biến ở châu Á. Nguyễn Hồng Nhung được cho là ca sĩ đi tiên phong dòng nhạc này với album Ngô đồng.

"Thế giới phẳng" - thuận lợi hay áp lực cho nhân tố mới?

Sự phát triển công nghệ nói chung và bùng nổ truyền thông xã hội nói riêng khiến thị trường âm nhạc ngày càng phẳng. Thay vì các công thức cũ như bầu sô lăng-xê, báo chí lăng-xê, thi truyền hình thực tế…, cơ hội hiện chia đều cho bất cứ ai có đủ tài năng, sản phẩm đủ sức hút cùng yếu tố may mắn. Đơn cử, “Hiện tượng nhạc Trịnh” Hoàng Trang từ cô gái vô danh bỗng nổi tiếng sau một đêm từ clip cover Ta thấy gì đêm nay của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; trở thành ca sĩ đứng trên các sân khấu lớn hát cùng nhiều nghệ sĩ gạo cội.

"Hiện tượng nhạc Trịnh” Hoàng Trang.
"Hiện tượng nhạc Trịnh” Hoàng Trang. 

Bên cạnh thuận lợi, thách thức với nghệ sĩ cũng đè nặng không kém. Năm 2020 ước tính hơn 100 MV ra mắt nhưng sản phẩm hot chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một thị trường quá đông và cơ hội chia đều tạo ra 2 thái cực: kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra. 

Không chỉ nhân tố mới, nghệ sĩ có tên tuổi cũng cảm thấy bị đe dọa. Dễ thấy, Lê Bảo Bình hay HuyR không phải ngôi sao, chưa từng đứng sân khấu lớn nhưng đều có MV cán mốc 100 triệu lượt xem trong vài tháng. Nhiều ca sĩ nghiệp dư dễ dàng kiếm vài triệu đến vài chục triệu lượt xem bằng sản phẩm đầu tư thấp. Trong khi đó, nhiều ca sĩ có sẵn tên tuổi phát hành MV, quảng bá rầm rộ để rồi chìm đi nhanh chóng.

Nhạc Việt 2020: Rap lên ngôi, cover lụi tàn và cuộc đua MV tiền tỷ ảnh 10

Nhạc sĩ Phương Uyên, ca sĩ Phương Thanh thừa nhận không thể nắm bắt khán giả ngày nay thích gì. Noo Phước Thịnh cũng đầy chua chát: “Khi số phận hên xui chi phối quá nhiều vào thành công của sản phẩm, ca sĩ cũng trở nên rụt rè hơn cho những dự án mới”.

Trào lưu cover lụi tàn và đặc tính "dao hai lưỡi"

Nếu như những năm trước trào lưu cover các bản hit thập niên 2000, nhạc Hoa lời Việt là xu thế nổi trội thì riêng năm 2020, sản phẩm cover mất hẳn sức hút.

Hương Ly, Hoa Vinh, Jang Mi là hiện tượng cover nhiều năm qua nhưng các sản phẩm gần đây của họ chật vật để vượt mốc triệu lượt xem. See, Sing, Share mùa 1 của Hà Anh Tuấn từng rất hot, là series khơi mào trào lưu cover thì đến mùa 4 giảm nhiệt mạnh ngay cả khi anh có nhiều điều chỉnh mới mẻ.

Nhạc Việt 2020: Rap lên ngôi, cover lụi tàn và cuộc đua MV tiền tỷ ảnh 11

Cover là con dao hai lưỡi. Trong thời đại công nghệ và truyền thông xã hội phát triển, cover là hướng đi thông minh để kiếm tiền cũng như thỏa mãn đam mê ca hát. Tuy nhiên, đặc tính của cover là giết dần sự sáng tạo - điều làm nên một nghệ sĩ. Vì thế hát cover là con đường mông lung, vô định mà người đi trên đó, thậm chí có là "Thánh cover", không tìm thấy đích đến của nghệ thuật chân chính. 

Nhiều người nhận ra điều này đã chuyển sang tìm lối đi riêng. Tăng Phúc, Jang Mi nỗ lực ra sản phẩm mới, cố gắng giảm thiểu cover. "Thánh nữ Bolero" cho hay hiện tại mỗi năm cô chỉ cover 1 - 2 bài. Hương Ly, sau thời gian cover miệt mài, đã phát hành sản phẩm cá nhân như Thế thái, Hạnh phúc bỏ rơi em, Đông vân... Orange sau lùm xùm với Châu Đăng Khoa đã sa đà vào hát cover, phung phí giọng trời phú, hậu quả là sản phẩm mới đạt lượt xem rất thấp.

Theo vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: