Nhắc từng học sinh thời hạn đăng ký xét tuyển

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những ngày cuối cùng của đợt đăng ký xét tuyển sinh ĐH, CĐ, các trường phổ thông, nhất là ở những vùng khó, đều liên lạc với những học sinh chưa thực hiện đăng ký nguyện vọng để nhắc nhở.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 xem danh sách dự thi.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 xem danh sách dự thi.

Mọi thông tin đều được chuyển đến học sinh

Thầy Thạch Cảnh Bê, Hiệu trưởng Trường THPT Đức Phổ 2 (Đức Phổ, Quảng Ngãi) cho biết: “Theo thống kê trên hệ thống, nhà trường có 195 thí sinh đã nhập nguyện vọng trong tổng số 372 thí sinh đăng ký xét tuyển. Đây là tỷ lệ khá cao so với những năm trước. Tuy nhiên, thông qua kênh liên lạc của giáo viên chủ nhiệm, chúng tôi tìm hiểu được thì những em này hoặc chọn theo học các trường nghề, đi làm hoặc học nghề tự do”. Không chỉ nhắc nhở học sinh vào những ngày đăng ký cuối cùng, giáo viên chủ nhiệm còn thường xuyên cập nhật các mốc thời gian liên quan đến công tác tuyển sinh vào nhóm Zalo của lớp.

Theo số liệu cập nhật ngày 21/8, Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) có 157/413 em chưa đăng ký nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh. Có 4 học sinh rớt tốt nghiệp. Một nhóm học sinh có định hướng du học nước ngoài bằng học bổng và số còn lại, các em chọn theo học trường nghề. “Những năm trước, tỷ lệ học sinh không đăng ký xét tuyển sinh ĐH, CĐ có đào tạo ngành sư phạm của nhà trường cũng xấp xỉ như năm nay, không có gì đột biến”, thầy Phạm Bá Hảo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ đăng ký hồ sơ dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh trực tuyến tại phòng tin học của nhà trường.

Học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ đăng ký hồ sơ dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh trực tuyến tại phòng tin học của nhà trường.

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Nam Trà My (Quảng Nam) có khoảng 60% học sinh đăng ký xét tuyển. Sau đó, 20% trong số này quyết định theo học trường nghề. Thầy Bùi Ngọc Luận – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Một số em tự xác định khả năng học tập khó có thể theo đuổi được ở bậc đại học. Một số khác chia sẻ, nhờ nhiều chính sách hỗ trợ của địa phương, gánh nặng kinh phí sẽ giảm nhiều nếu chọn theo học nghề”.

Với sĩ số không quá đông, chỉ xấp xỉ 120 em/khối lớp 12, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Nam Trà My tư vấn hướng nghiệp chuyên sâu cho từng học sinh, dựa trên năng lực học tập, điều kiện kinh tế của gia đình cũng như sở thích. Như em Hồ Viết Hải – có 8 người thân qua đời trong vụ sạt lở kinh hoàng ở Trà Leng vào tháng 10/2020 đã chọn theo học nghề thay vì đi học đại học. Thầy Luận cho biết, hiện nay, một cá nhân hỗ trợ học bổng 3 triệu đồng/tháng cho đến khi Hải học nghề xong. Ngoài ra, em còn có một sổ tiết kiệm khoảng 300 triệu đồng từ nguồn ủng hộ của các nhà hảo tâm. Số tiền này, theo thầy Luận, có thể giúp em khởi nghiệp ban đầu sau khi đã hoàn thành xong khóa học nghề.

Chọn trường, chọn tương lai

PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Qua liên hệ của tổ tư vấn tuyển sinh, khoảng 50% số thí sinh đã trúng tuyển có điều kiện bằng các phương thức xét tuyển theo đề án tuyển sinh riêng, bằng sử dụng kết học bạ chọn đăng ký nguyện vọng 1. Số còn lại, các em thay đổi thứ tự nguyện vọng, có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để đăng ký xét tuyển sau khi đã đối sánh ngành học, điểm thi… Số liệu này cũng chưa thể chính xác hoàn toàn vì nhà trường vẫn chưa tiếp nhận thông tin từ hệ thống chung của Bộ GD&ĐT”.

Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh, việc đăng ký xét tuyển sinh là quyền lợi học tập và tương lai nghề nghiệp nên rất ít học sinh “quên” các mốc thời gian liên quan. “Sau hai năm, học sinh đã làm quen với dạy - học theo hình thức trực tuyến, những khó khăn như thiếu thiết bị công nghệ, chất lượng internet… sẽ được các em chủ động khắc phục. Hơn nữa, các trường THPT đều mở cửa phòng tin học để hỗ trợ học sinh, đặc biệt là những địa bàn vùng khó. Vì vậy, khó có khả năng học sinh không nhớ ngày cuối cùng của thời hạn đăng ký xét tuyển sinh hoặc do khó khăn về điều kiện mà không thể đăng ký được”.

Ở một khía cạnh khác, PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng cho rằng, còn 1/3 số học sinh chưa đăng ký nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh chung có thể do đã chọn một ngã rẽ khác thay vì đi theo con đường học đại học. Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một lượng học sinh bắt đầu theo con đường du học khi tình hình dịch đã kiểm soát được.

“Ngoài sự tác động của dịch bệnh Covid-19 đến đời sống kinh tế và việc học tập thì tư duy định hướng nghề nghiệp đã bắt đầu hình thành, tức là không nhất thiết vào ĐH bằng mọi giá. Trong khi đó, học phí ĐH lại đang tăng nên phải tính tới bài toán lợi ích thu được so với chi phí” – PGS.TS Phan Cao Thọ phân tích.

“Rất khó có khả năng học sinh sẽ không đăng ký xét tuyển sinh vào đợt 1 mà đợi đến đợt xét tuyển bổ sung của các trường đại học để đăng ký. Và hầu như rất ít thí sinh đợi đến ngày cuối cùng mới đăng ký xét tuyển sinh"- PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ