Nhạc sĩ Trương Quang Lục giàu năng lượng ở tuổi 90

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ở tuổi 90, ngày ngày nhạc sĩ Trương Quang Lục vẫn vào Facebook, Zalo cập nhật thông tin của bạn bè cũng như đọc báo điện tử để nắm bắt tin tức.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục. Ảnh: NVCC.
Nhạc sĩ Trương Quang Lục. Ảnh: NVCC.

Như nhạc sĩ chia sẻ, đó chính là cách để ông cảm thấy mình không lạc lõng giữa xã hội và có thêm nguồn cảm hứng cho sáng tác âm nhạc.

Có một nhà báo Trương Quang Lục

Trong những ngày tháng 6 - tháng kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), nhạc sĩ Trương Quang Lục nói vui: “Tớ cũng là đồng nghiệp của cậu đó!”. Thì ra, ông có thời gian dài công tác tại Báo Sài Gòn Giải phóng - Cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM.

Ông từng lăn lộn qua 2 vị trí là phóng viên Ban Văn hóa - Văn nghệ và Trưởng ban Khoa giáo của tờ báo này. Theo ông, báo chí và âm nhạc có mối quan hệ mật thiết với nhau. Báo chí có chức năng chuyển tải thông tin đến độc giả bằng câu chữ, hình ảnh thì âm nhạc chuyển tải thông tin đến người nghe bằng lời ca, giai điệu.

Báo chí hay âm nhạc đều có sứ mệnh phục vụ sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và nhân dân, hướng con người đến giá trị chân - thiện - mỹ. Đặc biệt 2 lĩnh vực này đòi hỏi người sáng tác/ sáng tạo phải bám chặt vào đời sống nhân dân, nói lên tiếng nói của nhân dân.

Lúc nghỉ hưu, nhạc sĩ Trương Quang Lục xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình giới thiệu cuộc đời các nhạc sĩ nổi tiếng trên sóng Đài Truyền hình TPHCM (HTV) với vai trò MC.

Với lợi thế được sống cùng thời với các nhạc sĩ, lại có kiến thức sâu sắc về âm nhạc cũng như trí nhớ tốt, ông đã giới thiệu khoảng 50 chân dung nhạc sĩ trên sóng truyền hình và hàng trăm chân dung nhạc sĩ trên các báo từ Trung ương đến địa phương.

Các bài viết và phóng sự do ông làm đều mang dấu ấn riêng, có sự dí dỏm mà sâu sắc, giúp người đọc/xem có thêm sự hiểu biết về cuộc đời các nhạc sĩ cũng như hoàn cảnh ra đời những ca khúc nổi tiếng.

Sinh ra ở miền Trung, học đại học và có thời gian công tác tại miền Bắc; có thời gian dài công tác và hiện sinh sống tại miền Nam nên có thể nói trong ông là sự hội tụ của 3 miền. Chính sự hiểu biết về văn hóa, lịch sử của 3 miền đã giúp ông có thêm chất liệu khi cầm bút viết báo cũng như cầm mic dưới vai trò của một nhà báo truyền hình.

Nhớ có lần nhạc sĩ Hoàng Long vừa chỉ vào tờ báo mà nhạc sĩ Trương Quang Lục viết về ông và người em song sinh Hoàng Lân vừa nhận xét: “Chuyện về “hiện tượng” Hoàng Long - Hoàng Lân đã được nhiều tờ báo, nhiều nhà báo khai thác nhưng nhạc sĩ Trương Quang Lục vẫn có cách tạo ra sự khác biệt. Lẽ dĩ nhiên, một nhạc sĩ chuyển sang viết báo nên ông có nhiều lợi thế hơn các nhà báo khác”.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục (thứ 3 từ phải sang) và các nhạc sĩ trong một chương trình truyền hình. Ảnh: NVCC

Nhạc sĩ Trương Quang Lục (thứ 3 từ phải sang) và các nhạc sĩ trong một chương trình truyền hình. Ảnh: NVCC

“Món quà” từ ngành... hóa chất

Trước khi đến với âm nhạc, báo chí, nhạc sĩ Trương Quang Lục là một kỹ sư hóa chất, từng tốt nghiệp Khoa Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội. Thời gian công tác tại Nhà máy Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã tạo nguồn cảm hứng để ông phổ nhạc bài thơ “Vàm Cỏ Đông” (thơ Hoài Vũ) và trở thành ca khúc nổi tiếng.

Ca khúc đã khắc họa được tinh thần, ý chí của người dân nơi đây, luôn kiên cường, bất khuất, giàu lòng yêu nước và sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

Hình ảnh dòng sông Vàm Cỏ Đông hiện lên qua lời thơ Hoài Vũ và giai điệu của nhạc sĩ Trương Quang Lục thật sáng trong, gần gũi và đặc biệt như một chứng nhân của lịch sử: “Có anh du kích dũng cảm, kiên cường/ Lẫn ánh trăng vàng băng lửa đạn qua sông…”.

Phải nói rằng, đây là ca khúc tiêu biểu về dòng sông Vàm Cỏ Đông và cho đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Đặc biệt với những người xa quê, bài hát như một lời thúc giục để họ trở về với quê hương bản xứ cũng như tiếp thêm niềm tin, động lực để họ cống hiến nhiều hơn cho quê hương.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục bảo, cuộc đời ông yêu và gắn bó với âm nhạc như máu thịt nhưng ông hiểu rằng đây là nghề khó có thể kiếm được tiền nuôi sống bản thân, gia đình, vì thế ông đã “rẽ ngang” sang làm hóa chất, rồi làm báo.

“Tôi phải cảm ơn tháng ngày làm kỹ sư hóa chất đã giúp tôi có thêm trải nghiệm với cuộc sống, được gần gũi với đời sống người lao động để là chất liệu tôi đem vào những sáng tác của mình.

Ca khúc “Vàm Cỏ Đông” chính là “món quà” tuyệt vời đánh dấu chặng đường làm hóa chất của tôi. Làm kỹ sư hóa chất cho tôi tư duy mạch lạc, logic để khi sáng tác có cái nhìn tổng quát hơn về vấn đề mà mình đang đề cập đến, giúp nốt nhạc và lời ca thanh thoát, bay bổng hơn”, ông nhấn mạnh.

Vẫn miệt mài sáng tác

Nhạc sĩ Trương Quang Lục say sưa trên phím đàn. Ảnh: Trọng Thịnh.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục say sưa trên phím đàn. Ảnh: Trọng Thịnh.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật - đó là niềm vinh dự với người tận tụy dấn thân cho nghệ thuật. Tuy nhiên, điều hạnh phúc hơn nữa là ca khúc của ông đi vào lòng người nghe. Dù đã đoạt nhiều giải thưởng và dấu ấn với nền âm nhạc nước nhà nhưng ông chưa khép lại hành trình sáng tạo của mình.

Ông vẫn được xướng tên ở giải cao nhất (là một trong 10 giải A) với ca khúc “Đẹp nhất bông sen” trong lễ trao giải Âm nhạc thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và ca khúc này cũng mang đến cho ông giải Xuất sắc của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2021. Có thể thấy, dù nghỉ hưu nhưng nhạc sĩ Trương Quang Lục không nghỉ sáng tác và thành công vẫn đợi phía trước.

Ở tuổi 90 mà ông trời vẫn cho nhạc sĩ Trương Quang Lục một trí nhớ tuyệt vời. Ông vẫn nhớ như in về những câu chuyện cách đây hơn nửa thế kỷ về mối tình với cô bạn gái học cùng lớp ở Đại học Bách khoa Hà Nội và hiện là người bạn đời của ông.

Ông luôn cảm thấy may mắn và biết ơn khi “lọt mắt xanh” người con gái Hà thành yêu kiều năm xưa để từ đó cùng xây đắp nên mối tình son sắt suốt hơn 6 thập kỷ qua, khiến nhiều người ngưỡng mộ.

“Trái ngọt” của mối tình đó là 3 người con đều rất thành đạt với những công việc của mình, tuy nhiên không ai theo âm nhạc. Nói về việc này, ông không hề buồn bã mà luôn tự hào: “Các con tôi có người làm chủ doanh nghiệp, có người từng làm hiệu trưởng trường cấp 3 và đặc biệt người con út thành đạt nhất là PGS.TS Trương Quang Vinh hiện là Phó Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM.

Phải nói đó là những nghề thật cao quý, còn lấy âm nhạc là sự nghiệp thì rất khó. Theo âm nhạc phải xác định thật giỏi, thật nỗ lực, tâm huyết, chứ nhàng nhàng thì không được.

Tôi luôn động viên các con, các cháu, dù không theo âm nhạc nhưng cũng phải chơi đàn, hay ca hát được bởi đó chính là “món ăn tinh thần” để chúng ta xua tan đi mọi mệt mỏi của cuộc sống thường nhật. Chính “món” văn hóa, văn nghệ sẽ làm chúng ta có thêm động lực, tạo thêm hứng khởi với công việc chuyên môn của mỗi người”.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục và vợ. Ảnh: NVCC.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục và vợ. Ảnh: NVCC.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục cũng luôn nhớ về những kỷ niệm với các nhạc sĩ đang sinh sống ở Hà Nội, như: Doãn Nho, Hoàng Long… “Lứa nhạc sĩ tầm tuổi như tôi không còn nhiều. Nhạc sĩ Doãn Nho cùng tuổi với tôi và mừng là ông ấy còn rất minh mẫn, khỏe mạnh.

Mỗi lần điện thoại, chúng tôi luôn động viên nhau còn sức khỏe thì còn cống hiến. Nếu như thời gian gần đây nhạc sĩ Doãn Nho chuyên tâm sáng tác khí nhạc thì tôi vẫn trung thành với những ca khúc, vì tôi nghĩ người dân nước mình vẫn quen thuộc, gần gũi hơn với ca khúc hơn là hợp xướng, nhạc kịch…”, ông chia sẻ.

Mỗi lần nhấc điện thoại lên để gọi cho ông, tôi đều thấy ở đầu dây bên kia nhạc sĩ chào đón cùng giọng nói vang vang, tiếng cười sảng khoái. Lần gần đây nhất ông báo tin chuẩn bị tham dự Liên hoan Búp Sen hồng khu vực phía Nam lần thứ 26 tại Sóc Trăng.

Có thể thấy, nhạc sĩ Trương Quang Lục luôn sung sức, tràn đầy năng lượng với cuộc đời và âm nhạc. Thẳm sâu trong tâm hồn ông là sự lo lắng, trăn trở về nền âm nhạc và nhất là âm nhạc thiếu nhi.

Nhiều lần trò chuyện, ông cứ mãi băn khoăn rằng hiện nay không nhiều nhạc sĩ sáng tác về thiếu nhi, ca khúc hay về thiếu nhi đang dần thưa vắng, phải chăng lĩnh vực này chưa được các cơ quan chức năng quan tâm, đầu tư đúng mức…

Nghĩ về nhạc sĩ Trương Quang Lục là nghĩ về một tấm gương lớn trong học tập, lao động sáng tạo để vươn đến tầm cao nghệ thuật. Ông đã và đang tiếp lửa, truyền lửa cho mỗi người cầm bút hoạt động trong lĩnh vực báo chí và âm nhạc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ