Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Trăn trở ca khúc cho thiếu nhi

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Trăn trở ca khúc cho thiếu nhi

(GD&TĐ) - Trong một hội thảo về ca khúc cho thiếu nhi, những người làm âm nhạc cũng đã nêu lên những vấn đề cần thiết, cấp bách phải đạt được là làm thế nào để cho ra đời nhiều bài hát mới, hay cho thiếu nhi. Thực tế hiện nay bài hát dành cho thiếu nhi không nhiều và chất lượng thì có phần giảm sút. Nhạc sĩ Phạm Tuyên  đã chia sẻ với PV báo GD&TĐ về vấn đề sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi.

Thiếu vắng những sáng tác mới

Hiện nay, hầu hết những ca khúc dành cho lứa tuổi thiếu nhi phần lớn là những bài hát đã có mấy chục tuổi đời. Trong tuyển tập "50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20" do Báo Thiếu niên tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa học giáo dục VTV, Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức bình chọn vào năm 2000 vẫn là các ca khúc mà trẻ em cách đây khoảng 30 năm thường hát. Gần như không có bài hát thời mới nào lọt vào tuyển tập các ca khúc thiếu nhi được xuất bản gần đây nhất.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên (ảnh Tr.Huyền)
Nhạc sĩ Phạm Tuyên (ảnh Tr.Huyền)

Gần đây nhất thì cũng là những đĩa nhạc được sản xuất từ hơn chục năm trước, tái bản liên tục như "Con cò bé bé", "Mèo con dễ thương" của Xuân Mai, "Mãi mãi trẻ thơ" của Lam Anh, bộ ba album của Xuân Nghi và một số album của nhóm Ve sầu, TyMyTy. Cô bé Xuân Mai giờ đã 18 tuổi nhưng gần như một thế hệ trẻ thơ lúc đó và tới tận bây giờ, hằng ngày vẫn được các bậc phụ huynh mở CD, VCD của Xuân Mai lúc còn bé để nghe.

Thực tế, vẫn có những ca khúc mới cho thiếu nhi nhưng ít có bài hay và lan toả như trước. Cái thiếu lớn nhất là cảm xúc trong ca khúc dành cho các em. Nhiều nhạc sĩ sáng tác theo “đơn đặt hàng”, áp đặt cảm xúc của người lớn vào ca khúc, giai điệu đều đều, ca từ hời hợt, sáo rỗng. Đó là lý do làm cho ca khúc thiếu nhi “chết yểu”.

Giữa thời buổi các chương trình gameshow phát triển như vũ bão với những hợp đồng mua bán lên ngôi, nhạc sĩ đa phần không mặn mà với việc sáng tác ca khúc thiếu nhi. Nhạc sĩ Phạm Tuyên nói đùa rằng viết cho các em thì khó nổi tiếng, trẻ con không phải là những nhà phê bình - lý luận mà đưa lên báo. Thích thì chúng hát thôi. Vả lại, viết cho chúng thì không có thu nhập cao. 

Phải hiểu sâu sắc tâm lý trẻ em

Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, để viết được ca khúc thiếu nhi, ngoài sự yêu mến trẻ thơ, người sáng tác phải hiểu sâu sắc tâm lý của chúng. Cách tư duy của trẻ em ngày nay khác trước rất nhiều. Một số người viết cho thiếu nhi nhưng còn chung chung quá nên tác phẩm của họ ở lại trong đời sống các em không bền lâu. Mỗi nấc tuổi lại có một đời sống tâm, sinh lý khác nhau. Trước khi viết, hãy là người bạn biết lắng nghe các em nhỏ, rồi tự khắc giai điệu cất lên.

- Trong số hơn 700 bài hát của Phạm Tuyên, có hơn 200 bài  viết cho thiếu nhi và hầu hết đã được xuất bản, tái bản nhiều lần. Những ca khúc được nhiều trẻ em yêu thích, như: Tiến lên đoàn viên, Chiếc đèn ông sao, Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Cánh én tuổi thơ, Trường của cháu là trường mầm non, Chú voi con ở bản Đôn... Trong đó, nhiều bài hát của ông đã "vượt biên giới", được nhiều nước dịch lại.
- Nhà thơ Trần Đăng Khoa viết: "Phạm Tuyên là một đại thụ có nhiều cành, nhiều nhánh mà nhánh nào cũng vạm vỡ và sum suê. Một trong những nhánh tươi nõn ấy, ông dành hiến dâng cho con trẻ".

Sáng tác cho trẻ em, hãy bắt đầu từ những bài đồng dao giản dị nhưng giàu triết lý nhân sinh. Không gì đẹp và thơ bằng tiếng Việt của mình. Mọi sự lai căng về ngôn ngữ, nửa Việt nửa Anh nhan nhản trên các phương tiện truyền thông hiện nay làm một nền văn hóa đậm đà bản sắc như Việt Nam đứng trước nguy cơ chết đuối. 

Ông kể lại một kỷ niệm vui trong đời sáng tác của mình. Hồi ấy ông có cô con gái học ở trường mầm non Thợ Nhuộm (Hà Nội). Một hôm, cô giáo biết bố là nhạc sĩ nên xúi về bảo bố viết về trường mình. Nó "dọa" yêu rằng nếu bố không viết thì con không đi học đâu. Và thế là ca khúc "Trường chúng cháu là trường mầm non" ra đời. Và chẳng bao lâu sau, ca khúc này lan rộng trong Nam ngoài Bắc và nhiều nơi các em còn cải biên lại theo ước muốn dễ thương của mình như "Trường của cháu đây là trường Hoa Sen", hay "Trường của cháu đây là trường Hoa Cúc"… “Đối với bản thân tôi, những sáng tác thiếu nhi khiến mình trẻ lại và giữ được sự hồn nhiên trong lòng”, nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ.

Ông trăn trở: Bức tranh về âm nhạc của chúng ta giờ phong phú nhưng phức tạp quá. Nếu chúng ta không quan tâm đến đối tượng trẻ em thì sẽ có sự xâm lăng về văn hoá. Tôi rất buồn khi biết có một đoàn Hàn Quốc sang Việt Nam, sau khi xem một tiết mục biểu diễn âm nhạc của ta, họ đã nhận xét là giống ở nước họ quá! Chất lượng về âm nhạc ở ta đang bị nhạt nhoà … 

Đây là những chia sẻ hết sức thật lòng, đầy tâm huyết của người nhạc sĩ cả đời đau đáu cho thế hệ tương lai của đất nước.

Đăng Huyền (ghi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.