Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước: Phút huy hoàng của đời người

GD&TĐ - Mỗi dịp tháng 5, tôi lại muốn viết điều gì đó về nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước, tác giả ca khúc nổi tiếng “Chúng con bên giấc ngủ của Người”.

Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước say sưa bên phím đàn.
Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước say sưa bên phím đàn.

Những lúc gặp gỡ nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước, tôi thường đặt câu hỏi tại sao một thanh niên mới 23 tuổi, chưa trải qua một lớp đào tạo sáng tác bài bản nào, lại có thể viết nên ca khúc “Chúng con bên giấc ngủ của Người” với ca từ đầy triết lý, sâu sắc đến vậy? Ông chỉ cười rồi nói: Đó là phút huy hoàng của đời người…

Phút huy hoàng

Qua nhiều năm kết bạn với ông, tôi thấy cuộc đời đã ưu ái ông nhưng cũng lấy đi của ông nhiều thứ. Nhưng ông vẫn luôn tự hào, hạnh phúc khi được nhiều người gọi bằng cái tên dễ mến: “Người nhạc sĩ canh cho Bác ngủ”.

Những lúc gặp gỡ nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước, tôi thường đặt câu hỏi tại sao một thanh niên mới 23 tuổi, chưa trải qua một lớp đào tạo sáng tác bài bản nào, lại có thể viết nên ca khúc “Chúng con bên giấc ngủ của Người” với ca từ đầy triết lý, sâu sắc đến vậy? Ông chỉ cười rồi nói: Đó là phút huy hoàng của đời người…

Quả đúng như vậy, bởi đó được đánh giá là một trong những ca khúc hay nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh và với riêng ông thì sau này dù có sáng tác hàng trăm ca khúc khác thì đó vẫn là “đứa con tinh thần” nổi tiếng nhất, ưng ý nhất. Nhưng rõ ràng để có được phút huy hoàng, khoảnh khắc lóe sáng ấy thì người nhạc sĩ xứ nhãn phải đau đáu, đăm chiêu và rèn luyện không ngừng.

Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước kể, năm 3 tuổi ông đã tham gia gõ mõ, phách trong đội chèo của làng; 8 tuổi đã đọc hết cả kho sách kim cổ Đông Tây của các cụ trong dòng họ để lại; 10 tuổi đã bắt đầu sáng tác những đoạn nhạc ngắn. Sau này hành trang trên chiến trường vào Nam chiến đấu là những cuốn sách nhạc mà ông quý như vàng.

Trong một lần nghỉ phép ra thăm cha là Thiếu tá Nguyễn Đăng Chè (sau là Đại tá), nguyên là cán bộ Cục Bảo vệ an ninh kinh tế (A17), Tổng cục An ninh, Bộ Công an được biệt phái sang Ban Bảo vệ công trình xây dựng Lăng Bác, người lính trẻ như tiếp được thêm cảm xúc mãnh liệt để sáng tác ca khúc bất hủ của đời mình.

“Tôi là người “già” trước tuổi. Hồi nhỏ tôi đã vô cùng yêu quý và ngưỡng mộ các vị lão thành cách mạng, trong đó có Hồ Chủ tịch. Tháng 3/1975, với tư cách Trung đội trưởng đã vào giải phóng chiến trường B Quảng Nam - Đà Nẵng ác liệt nên thời điểm đầu năm 1976 tôi được về phép và ra Hà Nội rồi thăm Lăng Bác Hồ. Đây là điều vô cùng hạnh phúc.

Được cha giới thiệu tỉ mỉ về các bản thiết kế từ nhiều quốc gia trên thế giới về việc xây Lăng cùng với việc được chứng kiến công việc thiêng liêng của cha và những người đồng đội, trong lòng tôi dâng trào nỗi niềm cảm xúc mãnh liệt và cứ thế giai điệu được “bật ra” như một sự vô thức”, nhạc sĩ nhớ lại.

Qua hai cơ quan báo chí là Báo Công an Nhân dân và Đài Tiếng nói Việt Nam, bài hát “Chúng con bên giấc ngủ của Người” đã ngay lập tức lan tỏa đến với công chúng xa gần. Ai nấy cũng đều bất ngờ về một ca khúc cảm động được viết bởi một chàng lính trẻ, với kinh nghiệm trường đời, trường nghề còn non nớt.

Ca khúc đã khắc họa được tình cảm của người chiến sĩ “canh cho Bác ngủ” nói riêng và của đồng bào cả nước nói chung mà khi hát lên có một điều gì đó tự hào, hạnh phúc biết bao. Cũng chính sự lan tỏa của ca khúc này mà Nguyễn Đăng Nước đã bén duyên với ngành Công an, công tác tại Phòng Văn nghệ, Cục Công tác chính trị, Tổng cục 3, Bộ Công an. 

Niềm vinh hạnh của hai cha con

Đại tá Nguyễn Đăng Chè, cha của nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước.

Đại tá Nguyễn Đăng Chè, cha của nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước.

Nếu ai đó có dịp đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ thấy bức ảnh của Đại tá Nguyễn Đăng Chè và bản tổng phổ bằng bút mực (có chữ ký tác giả) ca khúc “Chúng con bên giấc ngủ của Người” của nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước. Sự ngẫu nhiên ấy cũng chính là niềm vinh hạnh lớn lao mà hai cha con người Phố Hiến có được.

“Việc hai cha con tôi đều có những kỷ niệm lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh là ơn trời dành cho gia đình tôi. Nếu như tôi đã viết ca khúc “Chúng con bên giấc ngủ của Người” bằng cả trái tim và trí tuệ của mình thì cha của tôi đã dành cả một đời cống hiến cho ngành Công an, trong đó có việc trực tiếp bảo vệ xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng Hồ Chí Minh”, nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước xúc động cho biết.

Trong niềm xúc động nghẹn ngào khi nhớ về người cha của mình, nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước bảo, cha của ông đã cống hiến trọn đời cho đất nước nhưng chọn lối sống thanh liêm, về hưu chỉ có ngôi nhà tập thể và chiếc xe đạp Thống Nhất. Bởi thế ông đã viết ca khúc “Cha của con” để cảm tạ người cha của mình cũng như các cán bộ lão thành trong ngành Công an.

Ông thương thế hệ trước hy sinh quá lớn cho nền hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước. Ông cũng mong muốn giới trẻ đừng bao giờ quên lịch sử. Không có sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh thì chúng ta không thể có ngày hôm nay.

“Họ hy sinh nhiều lắm. Máu của bao triệu người đã đổ xuống cho độc lập tự do ngày hôm nay. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã có biết bao nhiêu sĩ quan hoạt động ngầm làm nên chiến thắng.

Họ phải giấu tên, giấu tuổi, thậm chí có đồng chí bị oan sai, về làng còn bị bài kích. Ngày nay chiến sĩ Công an vẫn “không có trận cuối cùng” như lời bài hát “Nguyện mãi xứng danh anh hùng” tôi từng viết. Bởi thời nào cũng có tội phạm, cũng cần phải đấu tranh”, ông nhấn mạnh.

Sáng tác đa dạng

Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước: Phút huy hoàng của đời người ảnh 2

Sẽ là thiếu sót nếu nói đến hai cha con Nguyễn Đăng Chè - Nguyễn Đăng Nước lại không nhắc đến người vợ, người mẹ của họ. Mẹ của nhạc sĩ là người nông dân thực thụ, cả một đời tần tảo, chịu thương, chịu khó chăm chồng, nuôi con mà không hề biết nghĩ cho bản thân. Suốt đời bà chỉ biết lao động đến kiệt sức và phải nằm dưỡng bệnh dưới mái tranh nghèo.

Đã có lần, ông chứng kiến mẹ trèo lên mái nhà lợp lại lớp rạ để khỏi dột và đã bị ngã chảy rất nhiều máu. Thương mẹ đến xé lòng, nhưng ông vẫn cho rằng mẹ của mình còn hạnh phúc bởi có những bà mẹ có 9 người con hy sinh trong chiến trường, còn ông vào chiến trường vẫn may mắn trở về lành lặn.

Với niềm cảm xúc, sự tri ân dành cho các bà mẹ Việt Nam, ông đã viết 12 ca khúc về mẹ, có thể kể đến như: “Tổ quốc và câu dân ca của mẹ (thơ Phùng Thiên Tân), “Mẹ tập con đi, Đảng dạy con đi” (thơ Hữu Thỉnh), “Mẹ”, “Như tình mẹ” (thơ Đăng An), “Thư xuân thăm mẹ” (thơ Quốc Thắng)… và đặc biệt là “Mẹ nằm nghiêng”.

“Mẹ nằm nghiêng” là ca khúc ông viết năm 2005 được phổ từ thơ của Thiếu tướng Phạm Văn Thạch, nguyên Cục trưởng X15, Bộ Công an với giai điệu sâu lắng, thiết tha: “Ngày sinh con mẹ đã nằm nghiêng/ Cho dòng sữa xuôi suốt đêm con bú/ Tay mẹ gối mềm con say giấc ngủ/ Mẹ nằm nghiêng, mẹ nằm nghiêng thêm chiều cao chắn gió…”.

Ông bảo mình viết ca khúc này trong 30 phút và đã không nén được cảm xúc, ông đã khóc òa như đứa trẻ khi câu kết được vang lên: “Mẹ của con ơi, mẹ Việt Nam ơi/ Nghiêng cả đất trời vì con”. Ông cũng cho biết, ông đã từng gặp những cô gái hát ca khúc này đã thủ thỉ với tác giả rằng: “Bác viết thế nào mà cháu hát lúc nào cũng khóc?”. Ông nói, mình viết bằng chính sự rung động của trái tim với những người mẹ hy sinh cả đời cho chồng, cho con, cho cháu…

Là người sáng tác khá đa dạng, Nguyễn Đăng Nước không chỉ biết đến với những ca khúc “bác học”, ông còn ghi dấu ấn với những ca khúc dân gian cách tân, như “Danh sơn Yên Tử”, “Mùa xuân nghe tiếng chuông chùa” (thơ Hữu Ước) do ca sĩ Hồ Quỳnh Hương thể hiện, rồi “Tìm nhau trong hội xuân”...

Đó là những ca khúc cách tân nền văn hóa dân tộc Việt Nam rồi nâng lên tạo thành bản sắc riêng của Nguyễn Đăng Nước. Ông thừa nhận, mình hơi ngược đời. Lúc 8, 9 tuổi thì tư duy người lớn còn giờ đây khi đã 67 tuổi, tâm hồn ông lại trở về như tuổi 16. Ông vẫn yêu, đam mê cháy bỏng cái đẹp, nhạy cảm với cái đẹp; yêu, rung động với ngôn ngữ đẹp, hình ảnh đẹp và người con gái đẹp.

Có lẽ vì thế mà ông đã sáng tác được những ca khúc hòa nhập được với thế hệ trẻ, mang hơi thở của thời đại. Có thể kể đến một số tác phẩm như: “Dáng em và biển”, “Mầm cây và mặt trời”, “Mưa và cỏ non”, “Nụ hôn đầu”, “Tiếng vọng tình yêu”, “Khát vọng tình yêu”, “Sống mãi mối tình đầu”, “Khi anh trở về với em”, “Nhớ”…

Nguyễn Đăng Nước là người có số đào hoa, tuy vậy số phận lại long đong, lận đận. Cuộc đời ông sóng gió về chính trị, kinh tế, tình duyên nhưng ông vẫn luôn tin vào định mệnh. Cuộc đời có quá nhiều éo le nhưng ông chỉ biết sống thật với trái tim mình, sống tốt, sống thiện và sống có ích.

Bởi thế ông được nhiều người yêu quý, nể trọng và mến mộ. Ông coi việc sáng tác âm nhạc như nguồn sống của đời mình và ông cũng không hình dung nổi nếu đời ông thiếu âm nhạc sẽ đi về đâu…

Tháng 5 về, chúng tôi lại quây tụ cùng nhau để nghe nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước đàn và hát những giai điệu quen thuộc bằng ngón đàn điêu luyện, máu lửa, bằng chất giọng ấm áp, trữ tình: “Vinh quang con đứng bên Người/ Canh cho Bác ngủ ngon giấc/ Trên môi như Bác vẫn cười/ Bác vui vì khắp non sông/ Cháu con trở về sum vầy…”. Chắc hẳn hàng triệu người con nước Việt khi nghe ca khúc này, cũng giống như chúng tôi, rưng rưng nỗi niềm xúc động về vị Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Riêng với nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước thì cảm xúc của 46 năm về trước vẫn còn vẹn nguyên như ngày hôm qua. Ông coi đó là món quà lớn mà cuộc đời đã dành cho mình để sau bao vấp ngã, thăng trầm, ông vịn vào để tiếp tục sống, cống hiến và cháy hết mình với niềm đam mê âm nhạc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.