Nhạc sĩ An Hiếu - giảng viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, cũng nằm trong số đó. Ca khúc “Ánh sao nơi đầu tuyến” của anh đến nay đã dần trở nên quen thuộc với nhiều khán, thính giả.
Lan tỏa tình người trong “bão” dịch
Nhạc sĩ An Hiếu kể, ngay từ khi Hà Nội thực hiện đợt giãn cách xã hội lần đầu tiên (tháng 4/2020), anh đã xung phong vào đơn vị (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) tham gia trực.
“15 ngày trong trạng thái cấm trại, nội bất xuất, ngoại bất nhập cùng học viên và cán bộ của nhà trường. Có thể nói quãng thời gian đó đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm mới mẻ” - An Hiếu tâm sự: “Bên cạnh sự âu lo, có chút suy nghĩ về dịch bệnh thì vẫn có những điều tôi thấy khá tích cực trong cơn đại dịch. Tôi thấy tình người ấm áp, mọi người cùng đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.
Có nhiều tấm gương, nhiều câu chuyện về những người chiến sĩ áo trắng, áo xanh khi đối đầu với nguy hiểm, gian khổ để cứu người bệnh. Và cứ như thế từng nét giai điệu và ca từ cứ hiện lên nhanh chóng, đầy hơi thở cuộc sống và cảm xúc âm nhạc”.
Ca khúc “Ánh sao nơi đầu tuyến” với ca từ giản dị mà đầy ý nghĩa: “Anh xung phong ra tuyến đầu chống dịch/ Đánh trận này, trận đánh của toàn dân/Dịch là kẻ thù của nhân loại/Trên tuyến đầu người chiến sĩ áo trắng, áo xanh…”. Bài hát được viết dựa trên ý thơ mà nhạc sĩ An Hiếu tình cờ đọc được của học viên Nguyễn Anh Tuấn (Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) khi đăng trên mạng xã hội.
“Thật sự, lúc đầu tôi nghĩ đây cũng chỉ là một bài hát tuyên truyền, cổ động để chống dịch như bao tác phẩm khác đang nở rộ. Nhưng khi sản phẩm được hoàn thiện với phần hòa âm phối khí hay, với giọng ca truyền cảm, mạnh mẽ của ca sĩ Đông Hùng thì tôi lại nghĩ khác và quyết định đầu tư làm một video minh họa bằng tranh cát.
Đó là một hình thức thể hiện mới mẻ nhưng cũng rất xúc động của họa sĩ Quỳnh Hoa. Chúng tôi dành rất nhiều thời gian để lên ý tưởng, chỉnh sửa cho đến lúc công bố. Điều tôi không ngờ tới là bài hát được nhiều người đón nhận, yêu mến.
Đài Truyền hình Việt Nam và một số địa phương đã dành thời lượng để phát sóng, có những phần phỏng vấn riêng tác giả. Nhiều ca sĩ và khán giả trẻ yêu cầu được thể hiện lại bởi những giai điệu trẻ trung, tha thiết.
Đặc biệt, Cục Thông tin cơ sở (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã làm một MV khác, trong đó có sự tham gia của hơn 200 cán bộ đến từ Cục Thông tin cơ sở và 31 sở TT&TT các tỉnh, thành phố trên cả nước. Nếu ở bản đầu, Đông Hùng hát theo phong cách pop ballad thì ở MV mới này, tôi đã phối khí lại.
Sau dạo giữa bài hát tôi chuyển sang phong cách nhạc điện tử (EDM) để mọi người hát trong khí thế hào hùng, tin tưởng về một ngày mai tươi sáng khi chúng ta sớm chiến thắng bệnh dịch”, nhạc sĩ An Hiếu chia sẻ.
Theo nhạc sĩ An Hiếu, trong vòng hai năm qua, đã có nhiều ca khúc ra đời kịp thời để cổ vũ cho lực lượng y, bác sĩ và những người tình nguyện ngày đêm ở tuyến đầu chống dịch. Các tác giả cũng rất đa dạng, ở khắp mọi miền của Tổ quốc. Chất liệu âm nhạc cũng khá phong phú: Có nhạc nhẹ, nhạc cổ điển và cả nhạc dân gian của nhiều dân tộc, nhiều loại hình.
“Các ca khúc này thật sự là những vắc-xin tinh thần rất hiệu quả gửi đến mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời có tính chất tuyên truyền đạt hiệu quả cao trong công tác phòng chống dịch.
Có thể nhận định rằng, các nhạc sĩ, nghệ sĩ đã thể hiện được ý thức, trách nhiệm của mình trước vận mệnh của đất nước. Họ đã mang bằng lời ca, tiếng hát - những điều tưởng như nhỏ bé nhất - để góp phần đẩy lùi đại dịch”, nhạc sĩ nhấn mạnh.
“Tôi là kẻ khờ khạo chính hiệu”
Nhạc sĩ An Hiếu là con trai của cố nhạc sĩ An Thuyên - người đã viết nhiều ca khúc nổi tiếng như “Ca dao em và tôi”, “Neo đậu bến quê”, “Em chọn lối này”… Ngay từ khi nhạc sĩ An Thuyên còn sống, An Hiếu không muốn núp bóng cha mình.
Anh muốn tự mình đi trên con đường riêng. Lý giải điều này, nhạc sĩ An Hiếu nói: “Tôi không muốn có bất cứ sự áp lực nào, dù tôi luôn tự hào khi có một tượng đài cả ở trong tim và trên con đường âm nhạc”.
Dù vậy, anh thừa nhận, càng ngày càng thấy mình có khá nhiều điểm giống ba mình, có một tình yêu âm nhạc bỏng cháy, luôn cầm bút viết trước mọi đề tài trong cuộc sống. Trong đời thường vẫn giữ được cách sống giản dị, chân thành của người dân quê. Trước khó khăn luôn muốn tự mình tìm cách bước qua.
Nếu để ý thì thấy con đường âm nhạc của An Hiếu không trải đầy hoa hồng. Anh đã khá trắc trở khi phải trải qua 3 lần thi mới đậu đại học. An Hiếu từng có những ngày đi học sửa xe máy.
Nhạc sĩ nhớ lại: “Gia đình tôi lúc đó cũng nghĩ như bao nhà làm nghệ thuật, đều muốn con học nghề khác cho đỡ vất vả, có cuộc sống sung túc hơn. Năm 1994, tôi vào Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội học từ hệ trung cấp, cao đẳng rồi đại học và ở lại làm giảng viên cho đến nay”.
Bài hát đầu tiên của An Hiếu có tựa đề “Tình yêu âm nhạc” được ra đời với mong muốn tặng thầy, cô của mình và được chính An Hiếu thể hiện cùng ban nhạc “Đồng đội” trên sân khấu của trường, trong Liên hoan Ban nhạc sinh viên toàn quốc năm 2000.
“Tôi nhớ mãi hình ảnh tôi hát chính, Hồ Quỳnh Hương, Phương Anh (Sao Mai) cùng tất cả thành viên ban nhạc vừa hát bè, vừa chơi nhạc cụ.
Mọi thứ vẫn còn vẹn nguyên như ngày hôm qua”, anh xúc động hồi tưởng, đồng thời nhấn mạnh: “Người ta vẫn nói: Nghề chọn người. Điều đó với tôi rất đúng. Sẽ rất khó tưởng tượng nếu ngày hôm nay không có nốt nhạc, không có thanh âm thì tôi sẽ làm gì. Bởi ngoài âm nhạc tôi là một kẻ khờ khạo chính hiệu”.
Kể chuyện lính bằng âm nhạc
Nhạc sĩ An Hiếu đã chọn cho mình con đường đi trong âm nhạc. Dấu ấn của anh cũng đã để lại qua nhiều sáng tác được người nghe yêu thích. Gần đây, anh tập trung sáng tác một số ca khúc về người lính với những “Ghi ta lính”, “Phiên gác đêm”, “Tết của lính”, “Thư nhà”, “Lính hát dân ca”...
Mỗi bài hát là một câu chuyện của người lính. Viết một bài về một chủ đề không khó nhưng để viết nhiều bài, đa dạng hình thức thể hiện, có sức truyền cảm thì không dễ chút nào.
Nhạc sĩ An Hiếu thừa nhận, anh có thuận lợi hơn các nhạc sĩ dân sự bởi có điều kiện lắng nghe và hiểu được tình cảm, tâm hồn của người lính khi anh là một sĩ quan quân đội, có hơn 25 năm trong quân ngũ.
“Nhiều lúc tôi định dừng không sáng tác về chủ đề lính nữa nhưng ca từ mới, giai điệu hay lại ùa đến, kéo tôi ngồi trước đàn. Và tôi có một mong mỏi những câu chuyện lính được kể bằng âm nhạc đó đến được với người lính ở khắp mọi miền đất nước, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để họ có thêm động lực hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc giao cho”, An Hiếu tâm sự.
Trong câu chuyện đầu xuân, nhạc sĩ An Hiếu tâm sự, anh là người ưa đi rừng, khám phá thiên nhiên, nên thấu hiểu cảm giác bị lạc đường. Nếu bạn chọn sai đường đi thì đồng nghĩa với việc không thể đến đích đúng hẹn và đôi khi còn mang tới cho mình những điều nguy hiểm, khó lường.
“Bây giờ tôi đã chọn đi trên con đường âm nhạc. Tôi cho rằng luôn luôn đúng nhưng áp lực để thành công, để có cá tính riêng trong mỗi tác phẩm luôn hiện hữu. Nhưng dù có khó khăn đến đâu, tôi vẫn thích điều đó và không bao giờ từ bỏ”, nhạc sĩ quả quyết.