Những bản tình ca của đại ngàn
Tôi gặp nhạc sĩ Krajan Dick vào những ngày cuối thu năm 2018, khi cùng tham dự trại sáng tác do Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Anh là người con của dân tộc K’Ho nhóm Lạch, sinh ra và lớn lên ở cao nguyên Lâm Viên dưới chân đại ngàn Lang Biang, thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng).
Những ngày ở TP Đà Lạt ngàn hoa thơ mộng, nghe anh hát, tôi mới cảm nhận được những nỗi niềm đầy trăn trở day dứt của anh về hồn đất và tình người Tây Nguyên trong ca từ, giai điệu với nhiều cung bậc cảm xúc do anh sáng tác.
Âm hưởng chủ đạo xuyên suốt trong các ca khúc đều dựa trên những chất liệu dân ca truyền thống của các dân tộc Bắc Tây Nguyên, đặc biệt là dân ca K’ Ho nhóm Cil và Lạch.
Nổi bật nhất trong số hơn 300 ca khúc và hơn 700 bài thánh ca mà anh đã sáng tác suốt mấy chục năm qua là những ca khúc gắn với không gian khoáng đạt của đại ngàn, mang đậm bản sắc văn hóa bản địa của các dân tộc vùng Bắc Tây Nguyên. Điển hình như: “Men tình xuân”, “Nồng nàn cao nguyên”; “Cánh sóng và chuyện tình”, “Lời suối gọi”; “Sim Kring”; “Tìm”; “Chào mimosa”; “Hồn thiêng Chư Yang Sing” và “Gọi gió”…
Krajan Dick là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam; nguyên Phó Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng, từng đoạt nhiều giải thưởng cao của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Trong đó “Gọi gió” là ca khúc đã làm tên tuổi anh tỏa sáng, với lời ca đau đáu suy tư về số phận của những cánh rừng đại ngàn Tây Nguyên đã, đang bị tàn phá, khiến suối nguồn bị cạn kiệt, môi trường sống của vạn vật và con người bị đe dọa: “Hỡi gió, chiều nay cuộn về đâu/Để vách đá chỏng chơ trần lưng rêu trụi xác xơ/ Lời ru dòng sông theo gió khan lời/Để Krông Pa, để Yaly lặng lẽ khát nguồn trông mưa/Đàn nai đi hoang tìm bóng cây jri ngày xưa bên đồi/ Đàn chim bay ngang đỏ mắt đăm đăm soi tìm bóng núi”.
Những ca từ vừa khắc khoải, vừa mang tính cảnh báo trước thảm họa tàn phá rừng và môi trường sống trong ca khúc “Gọi gió” của anh như một thông điệp thật mạnh mẽ, thật da diết: “Mây chặn gió nên mưa chẳng tới/ Núi chặn bóng cây chim không về/ Bao đời suối hát câu ân tình/Nay bóng rừng về đâu?”. Đó là một câu hỏi vọng vang khắp Tây Nguyên, chưa có lời hồi đáp.
Càng về cuối, ca từ và giai điệu của “Gọi gió” càng cuộn trào, với hình ảnh thật ấn tượng, sinh động của những con người Tây Nguyên đang mong ngóng cơn mưa, đang khát khao tìm lại hồn vía của rừng, của buôn làng và tìm lại những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống giữa phồn sinh đại ngàn.
Ra đời năm 2015, ca khúc “Gọi gió” nhanh chóng được phổ biến và có sức lan tỏa mạnh mẽ, vượt ra khỏi không gian đại ngàn Tây Nguyên, để hòa vào không gian rộng lớn của đời sống âm nhạc cả nước và đoạt giải A của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Nhiều lần trò chuyện với giới báo chí, nhạc sĩ Krajan Dick cho biết: “Trong thời gian làm ca sĩ biểu diễn, tôi có dịp về với các buôn làng xa xôi, quan sát nhịp thở cuộc sống và tình cảm của những con người sống với núi rừng.
Qua tìm hiểu các di sản văn hóa nghệ thuật bản địa, tôi chợt nhận ra rằng thế giới vạn vật trong tâm thức của cộng đồng tộc người Tây Nguyên đều có hồn và hình thành rõ nét tư duy quyện sinh giữa con người, thiên nhiên, vạn vật… Từ đó tôi đặt ra tiêu chí về nội dung tác phẩm âm nhạc của mình phải đề cập đến hồn núi, tình đời và hồn đất, tình người nơi đây.
Với riêng ca khúc “Gọi gió” tôi chỉ muốn góp một tiếng nói để chúng ta cùng tham gia hành động gìn giữ, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống khi còn chưa muộn”.
Lưu giữ âm nhạc truyền thống cho thế hệ sau
Không chỉ chuyên tâm vào sáng tác ca khúc, từ lâu nhạc sĩ Krajan Dick đã dành nhiều thời gian, tâm huyết của mình để lặn lội đi tới nhiều buôn làng sưu tầm tục ngữ, ca dao, dân ca, truyền thuyết… của dân tộc K’Ho nói riêng và của các dân tộc Bắc Tây Nguyên nói chung.
Theo anh, nhờ sưu tầm, khảo cứu một cách có hệ thống và hiểu biết sâu sắc về vốn văn hóa dân gian truyền thống bản địa mà anh có chất liệu, cảm hứng để sáng tác nên những ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca các dân tộc nơi đây.
Anh cũng là một trong những nhạc sĩ, nghệ nhân tâm huyết với việc gìn giữ, bảo tồn, phát triển văn hóa cồng chiêng và là người đã khởi xướng thành lập các đội cồng chiêng ngay tại buôn làng nơi anh sinh ra, dưới chân núi Mẹ (Lang Biang).
Chính âm nhạc cồng chiêng của các đội do anh sáng lập đã góp phần truyền bá những nét đặc trưng về không gian văn hóa cồng chiêng của người K’Ho, Cil, Lạch nói riêng, những nét đẹp của văn hóa truyền thống bản địa của các tộc người Bắc Tây Nguyên nói chung với du khách trong và ngoài nước suốt nhiều thập niên qua.
Đó là những đóng góp rất đáng kể của một nhạc sĩ tài hoa, tâm huyết gắn bó với âm nhạc và văn hóa bản địa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Bắc Tây Nguyên.