Nhạc sĩ Kiều Tấn Minh: "Khi phổ nhạc, tôi nhớ về cô chủ nhiệm cũ của mình"

GD&TĐ - Trao đổi với Báo GD&TĐ, nhạc sĩ Kiều Tấn Minh chia sẻ: “Với bài hát "Tình cô"  chúng tôi muốn truyền đi một  thông điệp đến thế hệ trẻ ngày nay là biết yêu thương thầy cô, bạn bè, mái trường thời đi học...

Nhạc sĩ Kiều Tấn Minh. Ảnh: NVCC.
Nhạc sĩ Kiều Tấn Minh. Ảnh: NVCC.

“Truyền đi thông điệp yêu thương”

Nói về bài hát "Tình cô", nhạc sĩ Kiều Tấn Minh cho biết: “Sau khi đọc thấy có thông tin về  cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” do Báo Giáo dục & Thời đại thực hiện dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục & Đào tạo, tôi bàn với người bạn là nhà thơ Phạm Bạch Trúc. Nhà thơ Bạch Trúc đồng ý làm bài thơ để tôi phổ nhạc. Sau đó, bài thơ và ca khúc Tình cô ra đời…”.

Nhạc sĩ Kiều Tấn Minh (giữa) trong một lần ngồi ghế ban giám khảo một cuộc thi về âm nhạc.

Nhạc sĩ Kiều Tấn Minh (giữa) trong một lần ngồi ghế ban giám khảo một cuộc thi về âm nhạc.

Điều đặc biệt là ca khúc “Tình cô” cũng được thể hiện bởi chính tác giả bài thơ là chị Phạm Bạch Trúc. “Thời điểm đó tôi cũng có nhiều việc bận nên giao cho Bạch Trúc tự thu âm bài hát. Trước đây, nhà thơ Phạm Bạch Trúc cũng từng làm cô giáo nhưng hiện đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh” - nhạc sĩ Kiều Tấn Minh chia sẻ.

Chị Phạm Bạch Trúc là tác giả bài thơ, đồng thời cũng là người thể hiện ca khúc. Ảnh cắt từ clip.

Chị Phạm Bạch Trúc là tác giả bài thơ, đồng thời cũng là người thể hiện ca khúc. Ảnh cắt từ clip.

Nhạc sĩ Kiều Tấn Minh thông tin thêm: “Từng làm giáo viên dạy âm nhạc, cũng từng là người học trò, nên những kỷ niệm về mái trường, về thầy cô, về thời học trò luôn in đậm trong tâm trí tôi.

Khi phổ nhạc bài thơ Bạch Trúc, tôi nhớ về hình ảnh cô chủ nhiệm cũ của mình, tuy hiện cô không còn nữa. Những kỷ niệm về cô giáo cũ đã hòa cùng ý thơ của nhà thơ Bạch Trúc hình thành nên ca khúc Tình cô với tình cảm rất tha thiết…”.

Nói về cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường”,  nhạc sĩ Kiều Tấn Minh cho rằng đây là sân chơi âm nhạc mang ý nghĩa cao đẹp, đồng thời chủ đề mang nhiều gợi mở cho các anh chị em sáng tác, dù là chuyên nghiệp hay bán chuyên.

“Theo tôi đây là một đề tài thật hay, mang tính giáo dục và nhân văn rất cao. Từ những cuộc thi như thế này sẽ tạo ra thêm những bài hát hay về tình thầy, trò, kỷ niệm đẹp và tôn vinh giá trị cao cả của người làm thầy, đồng thời thông qua các ca khúc sẽ giáo dục thêm tình yêu quê hương, cha mẹ, thầy cô và mái trường cho các em học sinh.

Qua cuộc thi, tôi nghĩ rằng sẽ thu hoạch được nhiều tác phẩm,  phong phú về thể loại và hình thức ca khúc, đồng thời mang tính vùng miền, gợi nên hình ảnh đẹp của tình thầy trò. Tôi hi vọng các tác phẩm sẽ  được phổ biến rộng rãi trong môi trường giáo dục cả nước…” -  nhạc sĩ Kiều Tấn Minh bày tỏ.

Từng là giáo viên

Nhạc sĩ Kiều Tấn Minh sinh năm 1956, quê ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ông là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên hội nhạc sĩ TPHCM. Hiện ông giữ vai trò Chi hội phó chi hội 3 Hội Âm nhạc TPHCM.

“Tôi tham gia sáng tác âm nhạc trên 40 năm. Khởi đầu tôi làm giáo viên âm nhạc ở Trường THCS Khánh Bình (Q.8, TPHCM). Sau đó tôi dạy thỉnh giảng về âm nhạc tại Trường CĐ Kỹ thuật nghiệp vụ Nam Sài Gòn” - nhạc sĩ Kiều Tấn Minh thông tin.

Khởi đầu sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ Kiều Tấn Minh tham gia vào CLB sáng tác trẻ của Thành Đoàn TPHCM (1978) cùng thời với các nhạc sĩ như Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Từ Huy…

Ông là nhạc sĩ  có cống hiến tích cực trong phong trào âm nhạc TPHCM. Trong quá trình hoạt động văn nghệ, ông đã tham gia nhiều khóa học bồi dưỡng tại các trại sáng tác với nhiều đề tài khác nhau.

Một số ca khúc đáng chú ý của nhạc sĩ Kiều Tấn Minh: “Công nhân trên chặng đường mới” - Giải A - Liên đoàn Lao động TPHCM năm 2001); “Tuổi trẻ bước vào thế kỷ mới” - Giải C - Thành Đoàn TPHCM năm 2001; “Hương hoa bưu điện” - Giải thưởng chào mừng 30 năm thành lập Cung văn hóa Lao động TPHCM; “Tự hào thanh niên thành phố Bác”  - Giải Khuyến khích chào mừng Đại hội Đoàn lần thứ VIII TPHCM năm 2007...

Năm 2001, nhạc sĩ Kiều Tấn Minh được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng Huy chương “Vì sự nghiệp văn hóa thông tin” cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của sở, ban, ngành TPHCM.

"Là một nhạc sĩ và từng là người thầy đứng trên bục giảng nên tôi rất tâm đắc cuộc thi này. Một đề tài tuy dễ mà khó. Dễ viết nhưng có để lại dấu ấn dài lâu trong tâm trí người thưởng thức hay không, đó là một thử thách thú vị và cần thời gian trải nghiệm của tác phẩm trong đời sống văn nghệ của ngành giáo dục…” -  nhạc sĩ Kiều Tấn Minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.