Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Tôi học được nhiều từ cha mình

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, ông học hỏi được rất nhiều thứ từ cha mình - cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Tôi học được nhiều từ cha mình
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tích cực chỉ đạo cho vở diễn
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (trái) tích cực chỉ đạo cho vở nhạc kịch opera Lá đỏ. (Ảnh: Nguyễn Chí Thanh)

Sau hơn 3 năm dàn dựng và thực hiện, vở nhạc kịch opera mang tên “Lá đỏ” đã ra mắt công chúng và để lại trong lòng người xem nhiều dấu ấn vở sự bi tráng và mãnh liệt. Báo Giao thông đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – đạo diễn và dàn dựng âm nhạc của vở diễn, để tìm hiểu rõ hơn về vở diễn này.

Có lý do đặc biệt nào khiến ông quyết định dành thời gian hơn 3 năm tâm huyết để dựng vở nhạc kịch này?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Thực ra, đây là vở do nhà nước đặt hàng năm 2013. Hội đồng nghệ thuật của nhà nước thông qua Bộ văn hóa đã đặt tôi viết một vở opera. Bởi opera là thể loại âm nhạc sân khấu có quy mô lớn, là thể loại lớn nhất trong các hình thức thể loại âm nhạc. Tôi đã cùng nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát lên kế hoạch dựng kịch bản một thời gian dài. 40-50 năm trước mới có tác giả viết thể loại opera. Cũng bởi nó khó về quy mô, đòi hỏi nhiều lực lượng diễn viên. Không chỉ vậy, cần phải có sự đầu tư rất lớn về tài chính, công sức và sự phối hợp nhiều bộ phận.

Ý tưởng chính vẫn là ca ngợi những người anh hùng, TNXP, ca ngợi những chiến sĩ trên chặng đường Trường Sơn. Sau 40 năm nhìn lại, chúng ta vẫn thấy những chiến công, những liệt sĩ đó vẫn sống bất tử trong lòng người dân.

Khó khăn như thế, tại sao lại cứ phải là opera mà không phải một loại hình nghệ thuật nào khác?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Văn học nghệ thuật có nhiệm vụ làm sống lại những ký ức, để truyền đạt cho thế hệ ngày nay và mai sau bằng hình thức nghệ thuật cao cấp. Chúng ta có nhiều hình thức như vẽ tranh, làm thơ,… Nhưng nếu dựng bằng hình thức kinh điển, mang tính chuẩn mực thế giới với đề tài về Việt Nam, về cách mạng thì càng khiến sự tôn trọng được nâng cao, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước.

Những thế hệ thanh niên trẻ tuổi. Những chàng trai, cô gái mở đường hy sinh khi rất trẻ. Vì vậy, việc bày tỏ lòng biết ơn bằng lao động nghệ thuật là nhiệm vụ rất lớn của văn học - nghệ thuật và các nghệ sĩ bây giờ.

IMG_5031
Một cảnh trong vở nhạc kịch opera Lá đỏ. (Ảnh: Nguyễn Chí Thanh)

Theo ông, dùng nhạc kịch để tuyên truyền có hiệu quả khác gì so với dùng các loại hình nghệ thuật khác?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Nhạc kịch là hình thức tổng hợp của âm nhạc, múa, văn học hội họa. Tác phẩm viết theo thể loại lớn thường có giá trị và tín hiệu tổng hợp phong phú hơn. Nếu tác phẩm viết hay và truyền cảm, nó sẽ có tác dụng không chỉ kể lại câu chuyện bằng hình thức âm nhạc mà còn có giá trị về thẩm mỹ, đánh thức sự thưởng thức của khán giả, giúp khán giả có thêm sản phẩm tinh thần, văn hóa.

Mỗi hình thức đều có mặt mạnh và lối tiếp cận với công chúng. Tuy nhiên, để xây dựng được tác phẩm nghệ thuật âm nhạc đỉnh cao, chắc chắn nó sẽ có chất lượng và có cơ hội làm cầu nối trao đổi nền âm nhạc với nước khác. Những tác phẩm có nội dung hay sẽ có cơ hội được các nhà hát nước ngoài dựng lại. Cũng giống như chúng ta dựng lại những vở của các nhà hát khác Marem Butterfly, Con đầm bích,…

Ở Việt Nam, công chúng còn ít quan tâm tới thể loại nhạc cổ điển như nhạc kịch opera. Ông có nghĩ việc bỏ công sức và sự đầu tư cho tác phẩm này là mình đang rất “liều”?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Nhạc kịch ở Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện năm 1965 với vở Cô Sao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Từ đó đến nay, chỉ có 1-2 tác phẩm khác như “Tiếng hát xanh” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Tấn và một vài kịch hát nhỏ. Tuy vậy, để thực sự là opera thì gần như không có.

Đến tận hôm nay, sau mấy chục năm mới có một vở nhạc kịch opera thế này thì không thể nói là khán giả không quan tâm, mà là họ không có cơ hội xem. Họ bị mất đi quyền lợi thưởng thức một loại hình nghệ thuật. Do đó, tôi nghĩ chúng ta cần nhiều nhạc sĩ sáng tác, với nhiều đề tài hơn nữa. Như vậy, khán giả mới có thể tiếp cận kịch mục dần dần. Công chúng sẽ thấy nghệ thuật của chúng ta phong phú hơn, chứ không chỉ có cải lương, chèo, tuồng. Đây là thể loại kết tinh văn minh của thế giới. Chúng ta cũng nên có những tác phẩm để đời của Việt Nam.

IMG_5606
Vở nhạc kịch gây xúc động với người xem bởi lối diễn cảm xúc của các diễn viên. (Ảnh: Nguyễn Chí Thanh)

Việc ông theo dựng những vở nhạc kịch opera, phải chăng do ảnh hưởng từ cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Với các thế hệ nhạc sĩ, họ chỉ để lại những tác phẩm của mình, chứ ảnh hưởng trực tiếp thì không nhiều. Những nhạc sĩ đi trước đã có những tác phẩm như thế, họ là những tấm gương lao động nghệ thuật. Tôi nghĩ chúng ta nên phấn đấu để có những tác phẩm dài hơi. Tất nhiên, thế hệ đi trước là những người trải qua những thực tế, thực tiễn của cuộc đời và chiến tranh. Họ để lại rất nhiều kinh nghiệm cho thế hệ sau, để chúng ta biết tiếp thu và học hỏi, viết lên bằng những ngôn ngữ của mình.

Ông học hỏi được những gì từ cha mình?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Tôi học được rất nhiều từ cha mình. Trong nghề, điều đầu tiên tôi học được là tính cần cù, lao động sáng tạo, biết lắng nghe. Trong âm nhạc, quan trọng nhất là đòi hỏi sự lao động miệt mài. Nhưng tôi nghĩ, mỗi người có khả năng khác nhau và có chỗ đứng độc lập. Tôi không cho rằng học tập thì phải bắt chước, làm theo hay làm giống người đi trước.

Bản thân cha tôi là một người cha rất nghiêm khắc nhưng rất chăm lo cho con cháu. Do đó, quyết định để các con đi học nhạc là ông đã quyết định cho sự nghiệp của các con sau này rồi. Tuy nhiên, ông quan tâm gia đình là vậy, nhưng để cầm tay chỉ việc cho các con thì không. Ông để chúng tôi tự lớn, tự phải tìm tòi và tìm hiểu những điều mình còn thiếu sót.

Cảm ơn ông!

Theo baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ