- PV: Được biết, trước khi xuất bản, sách đã được cắt bỏ đi khá nhiều tình tiết ly kỳ có trong thực tế, như vậy có giảm đi độ “hot” của câu chuyện không?
- Nhà văn Hương Keenleyside: Tôi phải cảm ơn nhà thơ Bằng Việt đã biên tập cho tôi, nếu không thì tôi vừa in sách vừa run mất. Cuốn tiểu thuyết này có tới 50% là sự thật, 50% còn lại là hư cấu. Những phần sách bị cắt bỏ chỉ là những sự thật cụ thể mà tôi đã sử dụng khi viết tạp chí nhưng khi chuyển thể thành tiểu thuyết thì không còn phù hợp với yêu cầu thể loại, nó làm giảm đi chất hư cấu tưởng tượng của nhà văn.
- PV: Nhưng cái tên rất chân thực thì giữ nguyên để bán sách?
- Nhà văn Hương Keenleyside: Không, cái tên cũng thay rồi đấy. Ban đầu tên sách còn gây sốc hơn đấy chứ: “Mùi vị món thịt người”. Nghe sợ không? Nhà thơ Bằng Việt cũng góp ý là không nên để cái tên ấy, dẫu đó là một sự thật đã từng xảy ra trong quá khứ.
- PV: Sách của chị bán rất chạy, nhưng thường thì những tác giả có sách “best-seller” lại không được đánh giá cao trong văn giới. Khi viết sách chị nhằm đến cái gì: số sách sẽ bán ra hay đẳng cấp được khẳng định?
- Nhà văn Hương Keenleyside: Tôi không biết. Tôi cũng không bao giờ nghĩ đến điều đó. Tôi viết sách ra và chỉ quan tâm xem bạn đọc có đón nhận nó hay không. Nhưng tôi cũng không cố tình viết những chuyện gây sốc để câu khách. Có nhiều nhà văn trẻ háo hức nổi tiếng trước tuổi 30 thường viết về sex. Nhưng cái cảnh sex của đôi trai gái trước bàn thờ gia tiên trong truyện Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu thì tôi không thể chấp nhận được.
- PV: Chị có vẻ rất tâm đắc với “đứa con tinh thần” này?
- Nhà văn Hương Keenleyside: Vâng, có thể nói đây là cuốn sách tôi thích nhất. Nó được viết công phu và đầy đặn hơn cả. Hơn nữa nó cũng nhận được nhiều lời khen. Nhà thơ Bằng Việt nói đã đọc sách của tôi một mạch từ sáng đến đêm mà quên luôn cơn đau của bệnh gout.
- PV: 5 năm mà viết được tới cả chục cuốn sách, xuất bản liên tục ở cả Anh lẫn Việt Nam. Chị lấy đâu ra bút lực dồi dào đến vậy?
- Nhà văn Hương Keenleyside: Lại là một may mắn của tôi. ở nước ngoài, các nhà văn không mấy khi chê bai nhau, mà hầu như toàn khen ngợi. Các nhà phê bình cũng rất thiện chí, nhẹ nhàng. Có lẽ vì không bị chê nên tôi mới có tự tin để viết. Chứ nếu ở môi trường phê bình như Việt Nam, nói vui chắc tôi gãy bút lâu rồi.
Hoàng Hồng (Thực hiện)
Nguồn: An ninh thủ đô