Nhà văn Tống Ngọc Hân mở đường vào thế giới nội tâm người vùng cao

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - 20 năm gắn bó trên đất khách dường như cũng là đủ để cho những yêu thương, thắm thiết giữa nhà văn Tống Ngọc Hân với mảnh đất này.

Nhà văn Tống Ngọc Hân (bìa trái) tại một lễ trao giải thưởng. Ảnh: NVCC.
Nhà văn Tống Ngọc Hân (bìa trái) tại một lễ trao giải thưởng. Ảnh: NVCC.

Mặc dù bước chân vào văn đàn chưa lâu nhưng nhà văn Tống Ngọc Hân đã ghi được dấu ấn trên văn đàn khi thành công trong việc khai thác về số phận con người, những phong tục tập quán và cảnh sắc thiên nhiên núi rừng biên cương qua góc nhìn riêng biệt, độc đáo.

Có điều khác với nhiều cây bút đương thời viết về chủ đề này, Tống Ngọc Hân không phải người con của núi nhưng đã bị con người, mảnh đất nơi đây mê hoặc, thôi thúc cầm bút như một ý thức tự thân.

Rẽ ngang bất ngờ

Nhà văn Tống Ngọc Hân sinh năm 1976 tại huyện Thanh Ba (Phú Thọ), là hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật Lào Cai, Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam. Bên cạnh những tập sách kể trên, nhà văn Tống Ngọc Hân còn một số tác phẩm đáng chú ý và đã đem lại cho chị nhiều giải thưởng ở Trung ương như: Tập thơ “Lệ trăng” và các tập truyện ngắn như: “Song Mã”, “Con trai người Xa Phó”, “Góc khuất cuối làng”, “Cổng làng”, “Sợi dây diều”, “Đêm không bóng tối”, “Hồn xưa lưu lạc”, “Mây không bay về trời”…

Tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn tại Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phú (nay là Đại học Hùng Vương), ai cũng tưởng Tống Ngọc Hân sẽ cứ thế yên vị thành cô giáo dạy Văn ở miền trung du quê nhà (huyện Thanh Ba, Phú Thọ).

Thế nhưng, giấc mơ dang dở và số phận đã đưa đẩy chị trở thành người sáng tác văn chương, thay vì được đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức văn học cho học trò.

“Áo cơm không đùa với khách thơ” nên để có thể cầm bút viết văn, chị phải trải qua những tháng ngày lao động cực nhọc, vất vả tại công trường xây dựng ở huyện Bảo Yên (Lào Cai) và cuộc sống mưu sinh đầy lo toan, chật vật khi kinh doanh đồ lưu niệm tại thị trấn Sa Pa.

Cũng chính cuộc sống nhiều nốt trầm như vậy đã cho chị cơ hội được đi sâu, đi sát vào đời sống lao động, để khi viết văn, làm thơ ngòi bút của chị hướng về người lao động, người nghèo với sự yêu thương.

Mới nghe, kinh doanh và viết văn là hai nghề không liên quan đến nhau nhưng qua cách lý giải của nhà văn Tống Ngọc Hân lại thấy chúng thật gần gũi, thân thiết: “Công việc kinh doanh giúp tôi có một tư duy mạch lạc, logic đủ để có sự tỉnh táo trong văn chương còn viết văn sẽ giúp tôi kinh doanh nhân văn hơn”.

“Tả xung hữu đột”

Tống Ngọc Hân đến với nghiệp viết bắt đầu từ thơ ca. Trong khi với nhiều người tập sách đầu tay chỉ đơn thuần là sự thử sức, đánh dấu bước chập chững vào nghề và khó tránh khỏi cách viết non nớt, thiếu chuyên nghiệp thì Tống Ngọc Hân lại khác.

Chị đã thành công ngay từ tập thơ đầu tay “Những nét vân tay” khi liên tiếp giành được giải A của tạp chí Văn nghệ Lào Cai (năm 2007) và giải thưởng Tác giả trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (năm 2008).

Điều làm nên sự thành công của tập thơ này là cách nhìn nhận mới mẻ và sáng tạo, bởi trước đó chưa ai ví những thửa ruộng bậc thang như “những nét vân tay”, kể cả những “vân tay” chìm trong đất đá, lẫn cả mồ hôi và máu của bao người.

Và chính những “vân tay” ấy “Bấu chặt vào đất trời/ Những cánh tay cứ vươn cao mãi/ Ôm ước vọng sinh sôi” như sức sống mãnh liệt và khát vọng một cuộc sống ngày một no ấm của những người dân Lào Cai.

Vậy nhưng với 2 tập thơ “Những nét vân tay”, “Lệ trăng” được xuất bản cũng không làm tác giả thỏa mãn niềm đam mê khi chị nhận ra tự sự mới là thế mạnh của mình. Thế rồi chị cầm bút viết truyện ngắn, tiểu thuyết và dần trở thành một “hiện tượng” trong văn đàn.

Đây cũng là thể loại mà chị có thế mạnh nhất và hiện nay gặt hái được nhiều giải thưởng nhất. “Khu vườn yên tĩnh” là tập truyện ngắn “mở hàng” của Tống Ngọc Hân trong thể loại này nhưng cũng đem lại cho chị giải C - Giải thưởng Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam (năm 2010) và giải thưởng Phan Xi Păng (2007 - 2012).

Đây là tập sách gồm 19 truyện ngắn đặc sắc kể chuyện tình yêu của những con người gắn bó với vùng đất Sa Pa - một điểm đến du lịch nổi tiếng của miền Tây Bắc. Du khách đến rồi đi, để lại núi rừng Sa Pa những mối tình dang dở, những tâm hồn tổn thương vì yêu.

Dù vậy, những phong tục hôn nhân lâu đời của người Mông, người Dao, người Tày... vẫn không chịu bị lối sống hiện đại khuất phục, đó là những mối tình bất diệt đã, đang và sẽ lưu truyền trên mảnh đất này.

Bên cạnh đó, “Tam không” cũng là tập truyện ngắn gây sự chú ý khi tái hiện lại những khó khăn, đói khổ, chật vật, bệnh tật; những tồn tại của các hủ tục lạc hậu và cả những thiệt thòi của người phụ nữ trong cuộc sống hôn nhân nơi vùng đất khắc nghiệt, khô cằn bằng chất văn đẹp, quyến rũ, mê hoặc hệt như vẻ đẹp tự nhiên, thuần khiết, khỏe khoắn, rạng rỡ của các thiếu nữ dân tộc thiểu số.

Khi đã nhuần nhuyễn và thành công trong việc đặc tả tâm trạng, số phận người lớn thì chị lại “rẽ ngang” sang viết cho thiếu nhi với sự ra mắt của tập truyện ngắn “Mùa Hè trên núi” vào đúng dịp Rằm Trung thu năm 2017.

Với tập sách này, tác giả đã vén bức màn sương nơi “thị trấn sương mù”, lên núi dốc, vượt rừng sâu để kể về tuổi thơ đặc biệt của những người em nhỏ vùng cao dù sớm nhọc nhằn kiếm sống nhưng vẫn rất tinh nghịch, trong sáng, nhân ái và rất mộng mơ, yêu đời.

Đó là một A Ly thông minh; là thằng Thỏ mũm mĩm có đôi mắt to, đen láy, lúc nào cũng như chực khóc; là con Rế ngô ngố, giỏi nấu cơm, giỏi cõng em nhưng chữ thì xấu như gà bới…

Với góc nhìn chân thực, nhân văn cùng lối kể chuyện đặc sắc, “Mùa Hè trên núi” đã đưa độc giả nhí đến những cuộc phiêu lưu kì thú của các nhân vật trong truyện như: Lái máy bay tấn công đảo địch trên suối Mường Hoa, lập đội đi săn hổ trong rừng Séo Mý Tỷ, tiêu diệt thổ phỉ ở Sa Pa, khám phá lâu đài đá, mò mẫm tìm cây thuốc trong rừng ma…

Nhưng không dừng ở đó, dường như trong người văn sĩ đất Tổ này luôn muốn truyền tải hết những gì mình nghe được, nhìn được và cảm nhận được về miền đất Lào Cai qua các thể loại văn chương.

Chị đã thử sức và bước đầu đã có những dấu ấn với hai tập tiểu thuyết “Huyết học” và “Âm binh và lá ngón”. Trong đó “Âm binh và lá ngón” đã đem đến cho chị giải thưởng cuộc thi viết Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống (2011 - 2015).

Đây là cuốn tiểu thuyết đi sâu khai thác những tâm tư, tình cảm của các chiến sĩ biên phòng cơ sở - những người đang ngày đêm canh gác trên rẻo cao biên cương để đem lại sự bình yên cho từng xóm làng. Còn “Huyết học” cũng đem đến cho chị giải A Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Phan Xi Păng (2012 - 2017).

Mở con đường riêng

Nhà văn Tống Ngọc Hân (người ngồi đầu tiên từ bên trái sang) cùng các nhà văn và cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng Lào Cai. Ảnh: NVCC

Nhà văn Tống Ngọc Hân (người ngồi đầu tiên từ bên trái sang) cùng các nhà văn và cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng Lào Cai. Ảnh: NVCC

Trong những giải thưởng mà nhà văn Tống Ngọc Hân đã giành được, tôi đặc biệt chú ý đến Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Phan Xi Păng, dù biết rằng sau đó chị còn giành được nhiều giải thưởng cao quý hơn nữa.

Đây là giải thưởng văn học nghệ thuật uy tín nhất, cao quý nhất do UBND tỉnh Lào Cai xét tặng 5 năm một lần với những tiêu chí hết sức khắt khe và nghiêm ngặt cho các tác giả, nhóm tác giả là công dân Việt Nam, người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài có tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc sáng tác về tỉnh Lào Cai.

Và đó cũng là giải thưởng mà bất kỳ cây bút nào đang hoạt động văn học nghệ thuật tại Lào Cai đều khát khao có được, nếu không muốn bị “giam cầm” trong cái “ao làng”.

Thực tế cho thấy, những cây bút giành được giải thưởng này đều đã vươn xa trên con đường sáng tác của mình, trong đó có thể kể đến “bộ ba huyền thoại”: Pờ Sảo Mìn, Lò Ngân Sủn và Mã A Lềnh.

Dẫu vậy, là một nhà văn “trẻ”, Tống Ngọc Hân đã gặp không ít khó khăn để vượt qua “cái bóng” của các cây bút tên tuổi khác. Và theo chị, không còn cách nào khác ngoài tự mở con đường riêng bởi những phong tục, tập quán có thể chỉ chừng ấy, thậm chí bị mai một đi, thiên nhiên vạn vật, làng bản, dòng sông, con suối, ngọn núi cũng chỉ có chừng ấy nhưng con người thì có thể đổi khác.

Chính cái suy nghĩ tâm thế của con người vùng cao hiện nay đã khác so với các nhân vật xưa trong văn của các nhà văn Tô Hoài, Ma Văn Kháng mà chị đã mạnh dạn tự mở con đường cho chính mình, đó là đi vào trọng tâm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của con người vùng cao trong thời đại hôm nay.

20 năm gắn bó trên đất khách dường như cũng là đủ để cho những yêu thương, thắm thiết giữa nhà văn với mảnh đất này. Như một ý thơ của Chế Lan Viên “Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn” mà giờ đây khi đã trở về sinh sống tại quê nhà nhưng những suy nghĩ, cảm xúc về miền đất ấy vẫn cứ mặn nồng trong từng trang viết của Tống Ngọc Hân.

Và dẫu cho ở đâu và sáng tác từ khi nào thì giọng văn của chị vẫn hướng đến những giá trị cao đẹp, nhân văn thực hiện sứ mệnh giáo dục, thẩm mỹ. Như vậy cũng là cách để chị bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của miền núi Lào Cai nói riêng và miền núi Việt Nam nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.