Những trang đầu tiên trong cuốn sổ cuộc đời
Trước đây cũng một nhà báo hỏi tôi có kỷ niệm nào khó quên trong thời đi học ở ngôi trường trung học Võ Trường Toản thân yêu ấy, và tôi trả lời rằng học Võ Trường Toản suốt 7 năm, kỷ niệm nhớ mãi trong tôi là lần đạp xe theo một cô học sinh Trưng Vương thật dễ thương. Tới ngã tư đèn đỏ, tôi chưa kịp nói gì thì bị cô quay lại hỏi: “Em còn nhỏ lắm, đi theo chị làm gì?” khiến tôi chưng hửng.
Nhưng đó cũng chỉ là một trong hàng “tỷ” kỷ niệm thời mới lớn của tôi. Nghĩ lại - không phải nói theo bài bản, mà giống như hầu hết mọi người, quãng thời gian ấy quả đẹp nhất đời! Bảy năm, nhưng là bảy năm của lứa tuổi từ 11 đến 18, bắt đầu biết nhận thức cuộc sống, hình thành những quan niệm giá trị riêng, tự tìm lấy cách thể hiện mình trong tập thể, trang bị biết bao kiến thức, đón nhận những ngọt ngào của tình bạn, và lạ lẫm trước những xao động đầu tiên của tình yêu… Vâng, tất cả đều hết sức thú vị, đáng nhớ, bởi tất cả đều là những gì rất tinh khôi, được ghi lại trên những trang đầu tiên của cuốn sổ ký ức cuộc đời cũng đang còn mới nguyên.
Những lần trốn học và bị thầy cô “dũa”
Không biết ai đó như thế nào, phần tôi, không hiểu tại sao, tôi lại cứ hay nhớ về những lần trốn học leo tường đi chơi bị phát hiện, những lúc gồng mình đứng chôn chân trên bảng vì không thuộc bài hoặc giải không ra bài toán, những giờ phút đầu tiên biết kiên trì đứng bên quán cà phê để chờ nhìn cho được một gương mặt lúc tan trường về, những lần kéo băng nhóm đi… đánh lộn với đám học trò Chằng Tinh (ấy là hỗn danh chúng tôi đặt cho “bọn” Trường… Cao Thắng), những buổi lang thang “đem tâm sự đi nói cùng cây cỏ” trong Sở Thú… Nhớ những chuyện đó hơn là những lúc được nhận bằng danh dự, được trao phần thưởng. Phải chăng những gì quá êm ả, phẳng lì thường dễ bị trôi tuột đi trên dòng sông trí nhớ?
Cũng thế, không hiểu tại sao tôi lại hay nhớ về những thầy cô thường la rầy mình hơn là những thầy cô ít la rầy. Cô Loan dạy Vạn vật, thầy Trí dạy Toán, thầy Ân dạy tiếng Pháp, thầy Nhường dạy Công dân giáo dục (nay là môn Giáo dục công dân), thầy Tuân tổng giám thị…, mỗi người một phong cách khi la rầy học sinh nhưng đều xuất phát từ tình thương dành cho chúng tôi. Bởi vậy, thầy cô “dũa” mà mình nhớ, mình quý.
Như thầy Nhường, năm lớp 7 đã dạy cho chúng tôi từ luật đi đường căn bản, những phép tắc xã giao thông thường, nghĩa vụ đóng thuế và đi bầu (bầu cử)… cho đến lễ nghĩa đối với thầy cô, hiếu thảo với cha mẹ và tình yêu đất nước. (Mãi đến giờ tôi còn nhớ thuộc lòng 4 câu thơ dạy về “an toàn giao thông” của thầy: Đi đường phải có kỷ cương/ Cứ bên tay phải là đường nên đi/ Bên kia cần có việc gì/ Ngó sau xem trước xong thì hãy qua).
Trưng Vương - khung cửa mùa thu
Như trên tôi đã kể, học sinh nam chúng tôi có cái thú… trốn học. Do Trường Võ Trường Toản tọa lạc gần Sở Thú (nay là Thảo Cầm Viên - đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TPHCM) nên chúng tôi thường lén lút chui rào qua đó chơi. Có một thời, những năm lớp dưới (cấp 2) thì thích trò leo cây, nghịch phá các con thú, xem trăn ăn gà, sư tử ăn chó con, voi ăn mía… Nhưng khi lên các lớp trên (cấp 3) thì tự lấy làm lạ xen lẫn hồi hộp khi gặp các áo dài của Trường Trưng Vương lúc nào cũng có mặt trên các bãi cỏ xanh ngát hoặc đi tha thẩn trên các con đường nhỏ thơ mộng trong đó.
Vào những ngày đẹp trời thì tiếng gọi của những con đường mòn, bãi cỏ, tàn cây bên đó, và đặc biệt là của những “chim oanh” biết nói biết cười kia càng trở nên mãnh liệt hơn. Thế là, a lê hấp, rủ nhau chui rào nhà trường trốn học sang chơi. Và có nhiều lần gây gổ với “bọn” Chết Vì Ăn (tức học sinh Trường Chu Văn An) hay “bọn” Ngu Tối (tức học sinh Trường Nguyễn Trãi), rằng “bọn chúng” ở xa mà sao cứ thích… đi lạc đến đây (!). Ngược lại, bọn họ cũng thường hợp nhau lại “chơi” ra trò đám… Vỏ Trứng Thối (Võ Trường Toản) chúng tôi và còn gân cổ nói: “Chết Vì Ăn… Trứng Vịt” hay “Ngu Tối vì… Trứng Vịt” cũng… hãnh diện chứ chẳng sao cả! (Trứng Vịt là tên Trường Trưng Vương).
Nói cho công bằng, hình như tôi thấy “đám” Trứng Vịt cũng tỏ ra thích học sinh các trường kia hơn trường tôi, làm như khách phương xa thì luôn mới mẻ hơn hàng xóm! Trong thời gian đó, Sài Gòn khá thịnh hành một bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Nam Lộc viết về chuyện tình ở Trường Trưng Vương, đó là bài Trưng Vương - Khung cửa mùa thu, nó rất phù hợp và thu hút với tâm hồn lãng mạn của đa phần học sinh nam nữ chúng tôi.
Đừng để thời gian qua mất tăm
Tôi nhớ thầy Nhường, cô Loan, và cả thầy Tuân tổng giám thị nữa, các thầy cô dạy chúng tôi nhiều nhất về sự quý trọng thời gian. Những năm trung học chính là thời gian quan trọng nhất trong quyết định tương lai của mỗi người. Hãy sử dụng nó sao cho thật hữu ích để sau này khỏi phải tiếc nuối rằng “phải chi hồi đó…”. Cho tới giờ, tôi vẫn thấm thía lời dạy ấy. Mỗi lúc sắp quá đà trong một cuộc vui, sắp phải đi ngủ mà chưa làm được gì…, tôi lại nhớ tới nó và tự thấy mình phải nên như thế nào. Từ rất lâu, đã thành nguyên tắc trong tôi, là bao giờ, trong một ngày tôi cũng phải làm được một điều gì đó, dù nhỏ. Một bài toán, bài văn, bài dịch… của thời đi học, và bây giờ là, vài trang viết cho truyện dài hoặc một đề cương truyện ngắn, hay ít nhất cũng đôi dòng ghi chép về những ý tưởng mới nẩy sinh… Tôi rất biết ơn những lời dạy của thầy cô hồi đó về ý nghĩa của thời gian, rằng hãy sử dụng nó sao cho thật hữu ích chứ đừng để nó bay biến mất tăm khỏi đời mình.