Nhà văn Trung Trung Đỉnh quan niệm: Trong văn chương nghệ thuật mà thiếu chất khôi hài, chất hóm, chất tếu cũng như loài hoa không hương, vẻ đẹp mất đi cái hồn vía lung linh…
Nặng lòng với Tây Nguyên
Không hiểu sao, mỗi khi nhắc đến nhà văn Trung Trung Đỉnh, tôi lại nhớ tới “Tiễn biệt những ngày buồn”. Cuốn tiểu thuyết ấy được ông viết vào những năm 80 của thế kỷ trước, lúc đời sống đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường với ngổn ngang biến động, đổi thay.
Trong sự giằng co giữa cái cũ và cái mới, các nhân vật loay hoay tìm cho mình một cách ứng xử tự cho là phù hợp trong guồng quay âm thầm mà khốc liệt của hiện thực đời sống. Nhưng dù họ có bao biện thế nào cho những tín điều của riêng mình thì cũng không khỏa lấp nổi những chua chát, đắng đót của kiếp người nông nổi giữa trăm chiều dở dang. Và ngày buồn vẫn nối những ngày buồn…
Nhưng Trung Trung Đỉnh đâu chỉ có “Tiễn biệt những ngày buồn”. Ông còn có những trang viết ấn tượng và tạo dấu ấn riêng về mảnh đất Tây Nguyên, đến độ nhiều người lại ngỡ ông sinh ra ở đó.
Theo nhà văn Trung Trung Đỉnh, truyện ngắn đầu tiên ông viết trong một hang đá ở Tây Nguyên. Câu chuyện về đồng đội cùng sống và chiến đấu giằng co giữa lằn ranh sinh tử.
Sau đó, hai cuốn tiểu thuyết “Lạc rừng” và “Ngược chiều cái chết” dẫu viết ở Hà Nội nhưng vẫn đậm đà đời sống Tây Nguyên, đúng hơn là ký ức không thể nào quên về miền rừng núi khoáng đạt đầy nắng và gió…
“Ngược chiều cái chết” lấy bối cảnh buôn làng Tây Nguyên (làng Kơ So Kơ Mík - tên của vị già làng đáng kính, sau này trở thành bí thư huyện ủy) trong giai đoạn đổi mới... Truyện được kể từ điểm nhìn của Thương - nhà báo từ Hà Nội vào công tác có thâm niên từ thời kháng chiến chống Mỹ và đã gắn bó máu thịt với buôn làng…
Tiểu thuyết “Lính trận” - tác phẩm đưa ông đến với nhiều giải thưởng văn chương uy tín cũng lấy bối cảnh Tây Nguyên, đặc biệt là chiến trường trọng điểm Pleime - Ia Đ’răng ác liệt. Tại đó, người kể chuyện xưng tôi - một anh lính hậu cần rất trẻ, đã ghi lại những gì mình và những người trong tiểu đội trải qua.
Từ lúc đăng lính, huấn luyện ở hậu phương rồi hành quân hàng tháng trời để vào đến Tây Nguyên, cho đến khi đối diện với không khí tức thở của chiến trường, khi những đồng đội lần lượt ngã xuống.
Chọn kể những câu chuyện nhỏ của những người lính bình thường nhất trong chiến tranh, lại có độ lùi sau gần 40 năm, Trung Trung Đỉnh không tô hồng, không lãng mạn hóa, cũng không cường điệu, đã tái hiện lại chân thực những ký ức đẹp đẽ và bi tráng về một thời tuổi trẻ nơi chiến trường.
Văn thiếu hài như hoa không hương
Một số cuốn sách của nhà văn Trung Trung Đỉnh. |
Nhà văn Trung Trung Đỉnh không phải là người hoạt khẩu. Trong cuộc ra mắt sách mừng nhà văn 70 tuổi, nhà phê bình Bùi Việt Thắng đưa ra nhận xét vui: “Anh Đỉnh viết thì rất hay mà nói thì như cơm nguội”.
Trung Trung Đỉnh là người cẩn thận với chữ. Trong dịp trưng bày những cuốn sách được xuất bản mừng nhà văn 70 tuổi, có hai cuốn in lần đầu: “Những khoảnh khắc đời người” - tập hợp bài ký, tản văn và “Nhà văn thì phải biết đùa” - tập chân dung văn học.
Dù chỉ là tập hợp những bài viết lẻ đã in đây đó trên báo chí, nhưng nhà văn Trung Trung Đỉnh cũng dành ra mấy tháng để sửa chữa, tạo độ “nhuận sắc” cho tác phẩm.
Đọc hai tác phẩm mới này người đọc dễ dàng nhận thấy những “thông điệp văn chương” của tác giả. Ví như trong “Những khoảnh khắc đời người”, ông nhiều lần lên tiếng về tài năng và bệnh nhạt. Theo ông, “đã văn chương nghệ thuật mà lại còn nhạt nữa thì nói thật, khiếp hơn cả trông thấy thằng khủng bố”. Nhà văn Trung Trung Đỉnh đề cao chất khôi hài, hóm hỉnh.
“Trong hoàn cảnh nào thì cái chất khôi hài, chất hóm, cái chất tếu táo cũng vẫn cần trong cuộc sống. Thiếu nó, cuộc sống mất duyên nhựa, không còn sinh khí. Trong văn chương nghệ thuật mà thiếu chất khôi hài, chất hóm, chất tếu cũng như loài hoa không hương, vẻ đẹp mất đi cái hồn vía lung linh”. Vì thế, nhà văn hóm hỉnh chỉ ra: Thuốc chữa bệnh nhạt, về lý thuyết thì chỉ cần bốc ba vị: “Hóm”, “tếu”, “hài” sao vàng, hạ thổ, sắc đặc, cho uống mỗi thứ một bát là đủ.
“Chờn”, chả thế mà thấy Trung Trung Đỉnh hơn một lần đắn đo trong những ký chân dung. Người ta thấy được ý tứ “rào đón” của ông trong nhiều “đoạn kết” được viết thêm khi in sách.
Tuy vậy, giữa những câu chuyện có vẻ tếu, vui là không thiếu những nhận xét “tinh quái”, thậm chí có đoạn còn khiến đơn vị xuất bản phải cắt bỏ.
Hoặc như khi ông viết về nhà văn Bảo Ninh với những “bỏ nhỏ” mà phác vẽ đâu ra đấy chân dung một con người: “Bảo Ninh ngồi giữa các sự kiện và cũng gật gù tán thưởng không ra tán thưởng, cứ ậm ờ lẩm bẩm như ngồi nhậu giữa những khen chê ồn ã, thái độ nửa tỉnh nửa say…”.
Và: “Cho đến bây giờ, các sáng tác của nhà văn Bảo Ninh vẫn chưa được nhìn nhận một cách thỏa đáng, mặc dù nó được giới chuyên môn bên ngoài đánh giá cao. Ở ta, đặc biệt là giới phê bình văn học tôi chưa thấy có bài nào “ra ngô ra khoai” cho nó đàng hoàng. Các nhà nghiên cứu phê bình văn học đa số lẩn tránh vào các đề tài chung chung, khen thoải mái, chê có mức độ và hi vọng tràn trề ở các tác phẩm sau”.
Ở cuốn này, Trung Trung Đỉnh không tham vọng đó là sáng tác văn học mà chỉ “kể chuyện vui vui, mong sao đem được chút chân tình, trung thực, yêu yêu ghét ghét của một người viết ba chìm bảy nổi chín lênh đênh…”.
Nhưng thông điệp xuyên suốt mà Trung Trung Đỉnh muốn gửi tới qua những chân dung văn học này, là “chút mong mỏi các bạn đồng nghiệp bơn bớt cái tính nghiêm trọng mà gia tăng chất khôi hài hóm hỉnh. Cuộc đời có lúc làm, có lúc giải trí vui chơi, tôi thấy ai hay nghiêm trọng cái gì thì đều khổ về nó”.
Văn chương với người này là sứ mệnh, là cứu rỗi; với người kia có thể đơn thuần là một “trò chơi”. Với Trung Trung Đỉnh, ông quả quyết rằng: “Nhà văn là gì thì cũng trước hết phải là một con người”.
Vì thế, những trang viết của ông, dù được viết bởi một giọng tưng tửng, như đùa cợt, như bất cần, nhưng nếu ngẫm kỹ, sẽ thấy lắng sâu sau những “vỏ chữ” ấy là thái độ, là trách nhiệm của người viết tràn đầy tâm huyết và đậm cốt cách.