Ngay cả các đế chế hùng mạnh nhất cũng không biết nhiều về những vùng đất xa xôi. Chỉ với đam mê tìm hiểu địa lý, văn hóa, Ibn Hawqal (? - sau năm 978) tay nải lên đường, tìm đến và xác thực đời sống ở những nơi bị cho “không thể có người ở” và phác thảo nên bản đồ thế giới.
Văn gia mạo hiểm
Muḥammad Abū’l-Qāsim Ibn Hawqal chào đời tại thị trấn Nisibis, Thượng Mesopotamia (ngày nay là Nsaybin, Thổ Nhĩ Kỳ), tên khai sinh Alī Ibn Ḥawqal al-Naṣībī. Ngoại trừ tên đầy đủ, tư liệu lịch sử không có ghi chép nào về thời thơ ấu của ông.
Sinh thời của Hawqal, cả ông lẫn các tiểu quốc, đế chế đều mù mờ về thế giới xung quanh và chưa có bản đồ toàn cầu. Mọi người chỉ đoán có những nước khác, văn hóa lạ ở nơi xa xôi và không hề biết thực tiễn tại đấy như thế nào. Ngay cả với các cư dân của Đế chế Đông La Mã thì vùng Bán đảo Scandinavia liền kề cũng vẫn ngoài hiểu biết.
Cũng trong thế kỷ X, Ả Rập có 2 học giả là Istakhri (850 - 957) và Ahmed ibn Sahl al-Balkhi (850 - 934) không hài lòng với nguồn tri thức hạn hẹp, lên đường tìm hiểu thế giới với khát vọng biết hết ngóc ngách toàn cầu.
Họ đi du lịch nhiều nơi, viết nhiều văn bản bằng tiếng Ả Rập kể về các vùng đất đã đi qua. Có lẽ, Hawqal đã được truyền cảm hứng từ những bài viết này. Khoảng năm 943, ông bắt đầu cuộc hành trình đi về phía Nam của đường xích đạo dọc theo bờ biển Đông Phi.
Trước Hawqal, một số nhà văn Hy Lạp chưa hề tới châu Phi đã phỏng đoán nơi này là vùng đất cằn cỗi không thể sống được. Trái với họ, Hawqal tận mắt nhìn thấy các bộ lạc phát triển thịnh vượng. Tuy nhiên, với tín ngưỡng Hồi giáo trong thời đại kỳ thị ngoại đạo, ông dè bỉu các cư dân Lục địa Đen là “kafir” (kẻ vô thần), người man rợ, thiếu văn minh…
Rời châu Phi, Hawqal băng Địa Trung Hải, ghé thăm Sicily và Al-Andalus (ngày nay là Tây Ban Nha). Ông vô cùng yêu thích 2 nơi này, vì phần lớn người dân cũng theo đạo Hồi, sau đó tiếp tục đến “thánh địa Hồi giáo” Fraxinetum (ngày nay là La Garde-Freinet, Pháp).
Đặc biệt, Hawqal đã có chuyến đi quan trọng đến “vùng đất rượu rum” - Đế chế Byzantine, vào Kinh đô Constantinople thăm thú, trải nghiệm và ghi nhận cuộc sống đa văn hóa. Tiếp theo, ông tiến vào khu vực Kavkaz, xác thực trong khu vực này có tới khoảng 360 ngôn ngữ khác nhau nhưng mọi người vẫn có thể giao tiếp nhờ tiếng nói chung là ngôn ngữ Ả Rập.
Chân dung nhà văn Ibn Hawqal (? - sau năm 978). Ảnh: Ancient-origins |
“Bộ mặt Trái đất”
Suốt 30 năm, Hawqal không ngừng di chuyển, tìm hiểu và ghi chép chi tiết về địa lý, con người ở những nơi đã ngang qua. Trên thảo nguyên châu Âu, ông gặp gỡ 2 bộ lạc Bulgars và Khazars.
Ở vùng Balkan, ông tiếp xúc với người Saqaliba. Tại Vương quốc Kiev Rus - liên minh các bộ tộc ở Đông Âu, ông trải nghiệm cuộc sống trong Kinh đô Kiev. Xuôi dòng sông Indus, ông phát hiện người Sindh…
Càng đi xa, Hawqal càng gặp nhiều vùng đất và con người hơn. Tại bất cứ nơi nào đã đi qua, ông đều nỗ lực lập bản đồ và ghi chép về đời sống văn hóa, xã hội. Năm 969, sau khi đã đi qua cả châu Phi, châu Âu lẫn châu Á, ông lắp ghép lại các phác thảo và hình thành tập bản đồ thế giới đầu tiên, đặt tên là Ṣūrat al-‘Arḍ (Bộ mặt Trái đất).
So với bản đồ toàn cầu ngày nay, Bộ mặt Trái đất của Hawqal tất nhiên là rất thô sơ song, ở thế kỷ X, nó là tấm bản đồ thế giới hoàn chỉnh, đáng tin cậy nhất. Rất nhiều đoàn lữ hành, người đi biển đã dựa vào bản đồ này để đi đúng tuyến đường, đến được chính xác vị trí mà họ cần và nhờ vào các ghi chú ngôn ngữ, đời sống văn hóa của Hawqal mà có chuẩn bị trước.
Thật không ngoa khi nói rằng, Bộ mặt Trái đất chính là “bản đồ toàn cầu mang tính cách mạng”. Khối lượng kiến thức to lớn của Hawqal đã cung cấp nguồn tài nguyên vô giá cho tất cả du khách, thương gia, nhà cai trị… trên toàn bộ địa cầu trong thời gian này.
Ngoài lập bản đồ chính xác, tỉ mỉ, Hawqal còn tận dụng tối đa lợi thế viết lách của một nhà văn. Vì thế, tập bản đồ Bộ mặt Trái đất của ông còn đóng vai trò là cuốn sách du ký, kể lại hành trình du lịch toàn cầu. Với văn phong hóm hỉnh và cách kể chuyện phóng đại, Hawqal cuốn hút người đọc vào các câu chuyện, chuyến đi.
Ở chương về Al-Andalus, ông mô tả khu vực canh tác trù phú Fraxinetum, trình bày các đổi mới do nông dân và ngư dân Hồi giáo thực hiện. Ở chương về Đế chế Byzantine, ông kể lại cuộc sống đa văn hóa, đa ngôn ngữ đáng ngạc nhiên. Ở chương về Kiev, ông khiến độc giả ngỡ ngàng với tuyến đường Volga Bulgars và Khazars…
Càng đọc Bộ mặt Trái đất, độc giả càng bị cuốn hút và rạo rực tinh thần phiêu lưu. Sau khi Hawqal qua đời, không ít văn gia, nhà thám hiểm đã nối tiếp ông du hành, khám phá, bổ sung thêm tư liệu.
Nhiều thế kỷ tiếp theo, cuốn sách du ký kiêm tập bản đồ của Hawqal vẫn là kim chỉ nam cho nhiều người. Thập niên 1870, nó được nhà phương Đông học nổi tiếng người Hà Lan, Michael Jan de Goeje (1836 - 1909) biên tập lại và xuất bản.
Ngày nay, Bộ mặt Trái đất vẫn đóng vai trò là nguồn tư liệu địa lý, văn chương quý giá. Nó cho chúng ta thấy sự nhiệt tình với tri thức, truyền cảm hứng học hỏi và mở ra trước mắt góc nhìn của người thời đầu Trung đại về thế giới.