Nhà văn Bùi Bình Thi qua đời: Trọn vẹn một “Kiếp người“

Sáng sớm ngày 22-6, một người bạn báo tin về sự ra đi đột ngột của nhà văn Bùi Bình Thi. Tôi gọi điện thoại cho vợ ông, nữ họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ, bà xác nhận thông tin này với một giọng trầm buồn: "Chúa đã gọi thì ông ấy trở về với Chúa thôi cháu ạ!".

Nhà văn Bùi Bình Thi qua đời: Trọn vẹn một “Kiếp người“

Nhà văn Bùi Bình Thi mới gọi điện thoại cho tôi cách đây mấy hôm khi ông đang đi ăn sáng ở một quán phở bên Ecopark, nơi gia đình ông sinh sống. Vì ông bằng tuổi bố tôi nên tôi vẫn luôn lễ phép gọi ông là bố, xưng con. Qua điện thoại, ông kể về cuốn tiểu thuyết mới mà theo ông thì "Đó là một cuốn sách quan trọng và tâm đắc nhất trong cuộc đời của bố đấy con ạ!".

Rồi ông nói chuyện về văn chương, cuộc đời, về những người bạn một thuở và cười "ha ha" sung sướng. Tiếng cười của ông không thể trộn lẫn, bạn bè văn chương đều quen thuộc mỗi khi ông đến trụ sở Hội Nhà văn hay đến với bạn bè…

Nhà văn Bùi Bình Thi sinh năm 1939 tại Ứng Hòa, Hà Tây (cũ) trong một gia đình theo đạo Tin lành. Cha ông là một mục sư tại một xã hẻo lánh ở vùng Sơn Tây.

Khi toàn quốc kháng chiến, cha ông tham gia kháng chiến như những người dân yêu nước khác. Hòa bình lập lại (1954), gia đình ông trở về quê. Cha ông tiếp tục công việc của một vị mục sư. Cả nhà ông cấy hái trồng tỉa trên một mảnh ruộng "toen hoẻn rặt những mả là mả" - chữ của Bùi Bình Thi.

Ông biết nghề nông từ đó và làm việc như một người nông dân thực thụ trên cánh đồng làng. Chính bởi vậy, sau này, khi viết về nông thôn, nhà văn Bùi Bình Thi có những trang văn chân thực và cuốn hút lòng người. Đó là những trang văn ông viết như để tìm lại tuổi thơ mình một thời gian khó. Truyện ngắn đầu tiên trong đời cầm bút viết văn của Bùi Bình Thi là câu chuyện về một con bò.

Truyện được in không lâu sau khi ông gửi NXB Kim Đồng (năm 1961). Khi ông cầm cuốn sách về khoe, mẹ ông sung sướng bảo: "Con bò con vẫn chăn giờ nó được vào sách rồi đấy à?". Câu chuyện có thật về một chú bò như một người bạn tuổi thơ của ông đã đi vào trang văn một cách tự nhiên và ông cũng chẳng bao giờ nghĩ, từ câu chuyện ấy, sau này duyên nợ văn chương đã đến với mình. Cũng từ đó, niềm khao khát trở thành người cầm bút viết văn đã là mục đích tối thượng mà Bùi Bình Thi theo đuổi.

Nha van Bui Binh Thi qua doi: Tron ven mot

Gia đình nhà văn Bùi Bình Thi.

Thời chống Mỹ, nhà văn Bùi Bình Thi đi bộ đội biệt phái tại mặt trận Xiêng Khoảng (Lào) và trải qua nhiều trận chiến bên nước bạn. Vì thế sau này ông có nhiều cuốn sách về xứ sở Triệu Voi như "Ký sự Xiêng Khoảng" (1970), "Đường về cánh đồng Chum" (1971)... Và thời gian sau đó thì nhiều tác phẩm của ông đã xuất hiện trên văn đàn như "Tây Nguyên mùa cày", "Mặt trời trên đỉnh thác", "Mùa mưa đến sớm", "Hành lang phía Đông", “Kiếp người"... Năm 1972, ông được báo Văn nghệ tặng giải ba với truyện "Mùa mưa đến sớm". Năm 1999, ông được giải nhì của Bộ Quốc phòng về tập truyện “Kiếp người” nhân kỷ niệm 55 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ông quan niệm: "Viết để khích lệ người đọc được chút nào hay chút ấy. Văn học làm cho con người thêm vui, thêm ham sống, và làm sao trong một ngày mỗi người nhìn thấy được cái đẹp, cái thiện. Văn học dẫu có nói bất cứ điều gì về con người với con người theo tôi cũng chẳng mấy quan trọng, mà chỉ có tình yêu thương là cái đáng nói nhất và nói mãi cũng chẳng bao giờ thấy đủ".

Nhà văn Ma Văn Kháng, một người bạn thân thiết của nhà văn Bùi Bình Thi nhận xét: "Anh có tầm kiến thức văn hóa sâu rộng, am hiểu học thuật nhiều ngành nghề đến mức vừa đủ cho nghề viết. Sống với nhau hàng ngày tôi nhận ra anh hơn tôi ở cái tài phát hiện ra nét đặc sắc của nhiều sự việc và con người do đã quá thân thuộc mà trở nên quen nhau, mất cảm giác...".

Nhà văn Bùi Bình Thi là người ồn ào, nóng nảy, nhưng cũng lặng lẽ. Ông luôn bạo gan, "đao to búa lớn", nhưng cũng là một người đầy sự mềm mại, uyển chuyển và có sự dễ tính nhất định trong đời sống.

Nhớ lần tôi đến thăm nhà, ông ngồi trên chiếc ghế quen thuộc trên nhà cao tầng chung cư, nơi có cánh cửa kính to nhìn rõ cả một khoảng trời và nhiều cây xanh, như thể đang hoài niệm một thời tuổi trẻ. Ông ngồi giữa những giá sách, có những cuốn sách đọc giở và giữa những bức vẽ đẹp mê hồn của người vợ một đời tần tảo, yêu thương ông. Bà đã bên cạnh ông suốt cả cuộc đời, sinh cho ông hai người con tài năng là đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và họa sĩ Bùi Thu Thủy.

Hai người con mà khi nào nói đến, ông cũng xem như những người bạn, với một niềm tự hào không nhỏ vì họ đã lấy được gen trội của cả bố và mẹ để có thể mang đến cho đời những tác phẩm nghệ thuật điện ảnh, hội họa đặc sắc.

Nhà văn Bùi Bình Thi ra đi đột ngột lúc 4 giờ sáng 22-6-2016 tại Bệnh viện Bạch Mai vì tai biến mạch máu não trong niềm tiếc thương của gia đình, bạn bè.

Trên trang facebook cá nhân, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết cha anh ra đi đột ngột và thanh thản: “Bố tôi, nhà văn Bùi Bình Thi đã về với nước của Đức Chúa Trời, đi theo cách mà ông vẫn thường đi trong suốt cả cuộc đời là thích thì đi thôi, chẳng có gì quan trọng cả”.

Theo thông tin từ gia đình, lễ viếng nhà văn Bùi Bình Thi diễn ra từ 8h –10h ngày 25 - 6 – 2016 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai. Nhà văn được an táng tại nghĩa trang quê nhà, làng Bật, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.

Theo CAND

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ