Nhà tự nhiên học phải lòng hổ Siberia

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Từ nhỏ, Park Soo Yong (1965, Hàn Quốc) đã say mê đời sống tự nhiên.

Kkori, con hổ Siberia chiếm trọn tình yêu và thời gian của Park Soo Yong.
Kkori, con hổ Siberia chiếm trọn tình yêu và thời gian của Park Soo Yong.

Vì hiếu kỳ và thương cảm hổ Siberia sắp tuyệt chủng, Yong không quản ăn ngủ trong rừng. Sau 27 năm tình nguyện “nếm mật nằm gai”, ông cống hiến sự nghiệp nghiên cứu khổng lồ, bao gồm vô số thước phim và 2 cuốn sách tư liệu đầy giá trị.

Vào rừng tìm hổ

Nhà tự nhiên kiêm văn gia Park Soo Yong, Hàn Quốc.

Nhà tự nhiên kiêm văn gia Park Soo Yong, Hàn Quốc.

Trước khi Covid-19 bùng phát, Yong từng dành ít nhất 6 tháng/năm, lang thang khắp miền Viễn Đông nước Nga lạnh giá, nơi nhiệt độ thường xuống dưới âm 40 độ C. Ông truy tìm và lần theo dấu vết của Kkori, con hổ Siberia đực do chính mình đặt tên.

Hổ Siberia còn có nhiều tên gọi khác như hổ Triều Tiên, hổ Ussuri, hổ Mãn Châu… Chúng từng có mặt khắp Bán đảo Triều Tiên, Đông Bắc Trung Quốc, Viễn Đông của Nga và phía Đông Mông Cổ, nhưng giờ đây chỉ còn khoảng 530 con ở Viễn Đông nước Nga, 50 – 60 con ở Mãn Châu và Đông Bắc Trung Quốc, 20 – 30 con ở Triều Tiên.

Từ năm 1992, hổ Siberia đã bị xếp vào danh sách động vật nguy cấp, cần được gấp rút bảo tồn. Cũng trong khoảng thời gian này, Yong chân ướt chân ráo vào Đài Phát thanh Giáo dục Hàn Quốc (Korea Education Broadcasting Station - EBS), làm nhà sản xuất phim tài liệu.

“Tôi đã ngay lập tức tập trung vào hổ Siberia vì chúng có nguy cơ tuyệt chủng và khó nắm bắt”, Yong cho biết. Tuổi thơ, Yong lớn lên ở vùng nông thôn, trong gia đình đông anh em và được giao trọng trách bán trâu, bò. Mỗi lần dắt chúng băng đồng, vượt rừng đến chợ, Yong lại bị thế giới tự nhiên cuốn hút tầm mắt, chỉ muốn bỏ ngang công việc mà chạy đi tìm hiểu cho thỏa lòng hiếu kỳ.

Năm 1987, Yong quyết định chọn EBS và thực hiện dự án vất vả nhất: Quay phim đời sống hổ Siberia.

“Phải lòng” hổ Siberia

Trong tư cách nhà quay phim tư liệu hổ Siberia, Yong phải tìm hiểu mọi mặt về loài hổ này, bao gồm từ phạm vi sinh tồn, cách thức sinh trưởng đến cả lúc chết đi. Năm 1995, Yong tiến hành quay thước phim hổ Siberia đầu tiên. Địa điểm ông tìm đến là miền Viễn Đông nước Nga.

Ban đầu, Yong áp dụng cách thức tìm hổ truyền thống là lần theo đường mòn đi lại của hươu và lợn rừng, 2 con mồi yêu thích của hổ Siberia. Tuy nhiên, ông sớm nhận ra phương pháp này không mấy khả dụng và đổi cách khác.

Đó là làm chòi trên cây, yên lặng ở im rình mò hàng tháng trời. Nhờ kiên trì, Yong quay được hổ Siberia. Sau nhiều năm, ông thành thạo nhận biết từng cá thể, thành viên trong mỗi gia đình hổ Siberia.

“Càng quan sát, tôi lại càng sợ hãi và đau buồn khi thấy chúng mỗi ngày một già yếu đi. Cuộc sống của hổ xem ra cũng không khác bao nhiêu so với cuộc sống của con người”, Yong chia sẻ.

Kkori là nhân vật chính trong các thước phim và cuốn sách tư liệu mới xuất bản gần đây nhất của Yong, Câu chuyện về con hổ già tên Kkori (A Tale of an Old Tiger Named Kkori).

Sau những năm tháng trẻ trung, oai hùng, thống trị vùng lãnh thổ rộng lớn, Kkori bị tuổi già và những con hổ mới lớn đánh bại. Mùa đông, nó đói đến tàn tạ, bước đường cùng lẻn vào làng, săn bắt vật nuôi – con mồi mà thời còn “vua một cõi”, nó không buồn liếc mắt.

Vì già yếu, Kkori chỉ còn cách lẻn vào làng, bắt vật nuôi tránh đói.

Vì già yếu, Kkori chỉ còn cách lẻn vào làng, bắt vật nuôi tránh đói.

Khát khao bảo tồn

Trước Câu chuyện về con hổ già tên Kkori, Yong từng xuất bản cuốn sách tư liệu giá trị về hổ, Linh hồn Siberia Vĩ đại: Đam mê, ám ảnh và sứ mệnh của người theo đuổi con hổ khó nắm bắt nhất thế giới (The Great Soul of Siberia: Passion, Obsession and One Man’s Quest for the World’s Most Elusive Tiger). Cuốn sách tóm lược gần 20 năm kinh nghiệm tìm hiểu hổ của ông, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về đời sống hổ Siberia ở Viễn Đông.

“Hổ Siberia sống trong tự nhiên tránh tiếp xúc với con người, ẩn mình trong các cánh rừng và dãy núi. Càng hiểu về chúng, tôi càng thương xót, quyết định dành trọn cuộc đời để bảo vệ sinh mạng và môi trường sống cho loài hổ này”, Yong giãi bày.

Tính đến nay, Yong đã có 27 năm sống trọn cho hổ Siberia. “Có một chuyện khiến tôi không thể ngừng phẫn nộ là quá nhiều hổ đang mất mạng vì súng tự động và bẫy của con người. Dù họ không cố ý đặt bẫy bắt hổ, mà là loài động vật khác, nhưng một khi lỡ dính bẫy, con hổ sẽ điên cuồng quẫy đạp thoát thân.

Điều đó khiến nó bị thương nặng, không thể săn bắt thú tự nhiên mà phải mò vào làng kiếm gia súc, để rồi bị giết. Nếu có 70 con hổ từng bị dính bẫy thì đến 50 con kết thúc bằng cái chết bi thảm như thế”, Yong phản ánh.

Với tổng số cá thể hổ Siberia tự nhiên hiện còn chỉ khoảng 620 con, Yong hy vọng mọi người hãy chung tay bảo vệ, cứu loài động vật nguy cấp này trước khi quá muộn. “Chúng ta nên khiêm nhường trước mẹ thiên nhiên, thừa nhận rằng con người cũng chỉ là một trong muôn vàn dạng sống, không thể đơn độc tồn tại. Nỗi buồn, cái chết và tình yêu là chuyện chung”, ông kết luận.

Theo Koreatimes

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.