Thời điểm này, các nhà trường bám sát đề thi tham khảo để tổ chức các kì thi thử với mục đích cọ xát, rèn luyện kĩ năng làm bài cho học sinh.
Thầy Vũ Đình Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Nội) cho biết, từ thứ 2 tuần nay, nhà trường bắt đầu tổ chức kì thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh tất cả các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và công bố kết quả ngay sau đó 1 ngày. Kì thi thử này sẽ là căn cứ để đánh giá chất lượng học sinh để có phương án ôn thi, củng cố kiến thức phù hợp.
Để sẵn sàng cho học sinh thi tốt nghiệp THPT, nhà trường đã định hướng chuyên môn cho giáo viên, khoanh vùng các kiến thức cần thiết để học sinh ôn tập hàng ngày theo chủ đề, chủ điểm. Kiến thức chủ đề ôn theo tiết, tuần, thậm chí, có phần xác định theo tháng. Nhà trường cũng xây dựng các tiết tự chọn, yêu cầu thầy cô thực hành luyện tập, ôn lại kiến thức giảng dạy trong suốt thời gian dạy online
Thầy Hà cho rằng năm nay, kì thi giữ ổn định sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh. Năm nay, thời gian nghỉ học phòng dịch Covid-19 không nhiều như năm ngoái. Lịch thi diễn ra vào tháng 7 nằm trong kế hoạch năm học, không quá muộn như năm ngoái cũng là thuận lợi hơn cho thí sinh. Những ngày này, cùng với hoàn thành chương trình năm học, thầy trò đang tập trung ôn luyện để đạt kết quả cao.
Cô giáo Vũ Thị Bích- Phó Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình) cho biết: Kì thi giữ ổn định giúp cho học sinh và giáo viên đều vui mừng, yên tâm. Đề thi minh họa cũng được công bố sớm, không có nhiều thay đổi so với năm học trước. Trên cơ sở nội dung đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, nhà trường chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch, hệ thống câu hỏi ôn tập để trang bị kiến thức, kỹ năng cho các em làm bài đạt kết quả cao.
Tại Bắc Giang, thầy Nguyễn Văn Biên- giáo viên Trường THPT Tân Yên số 1 cho biết: Ngay khi học kì 2 bắt đầu, nhà trường đã tăng tốc dạy học để đảm bảo chương trình. Nhà trường tổ chức thi thử 5 lần, giúp học sinh làm quen, tránh bỡ ngỡ khi bước vào kì thi chính thức. Trên lớp, giáo viên xây dựng các đề cương bài tập, hướng học sinh đến vấn đề ôn tập.
Đầu tháng 4 vừa qua, học sinh toàn trường đã tham gia kì thi thử lần thứ nhất của Sở tổ chức. Cuộc thi nhằm chuẩn bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng trước khi tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra trong tháng 7. Học sinh làm 5 bài thi gồm 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai bài tổ hợp. Đây là đợt tập dượt quan trọng, làm cơ sở cho nhà trường có cơ sở tiếp tục ôn tập cho học sinh.
Tại Trường THPT Lê Lợi (Phú Yên), ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố quy chế thi, các thầy cô và học sinh lớp 12 đều vui mừng, phấn khởi vì đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và không ra đề vào phần nội dung tinh giản. Điều này không gây xáo trộn đối với việc ôn tập, rèn luyện của học sinh
Thầy hiệu trưởngHoàng Xuân Lượng cho rằng, việc giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tạo nhiều điều kiện thuận lợi vì thầy, trò đã quen với cách dạy, cách học. Thời gian qua, nhà trường đã có sự chuẩn bị về kế hoạch ôn tập, phân chia lớp, phân công giáo viên ôn thi và khung thời gian đã định sẵn nên không có xáo trộn nào. Nhà trường sẽ tổ chức ít nhất 2 lần thi thử giúp học sinh được cọ xát trước kì thi chính thức.
Cô Kiều Thị Nguyệt- Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS&THPT Đà Bắc (Hòa Bình) cho rằng, không chỉ ổn định về cách thức tổ chức và số bài thi, đề thi cũng được Bộ GD&ĐT xác định rõ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Nội dung đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp THPT nhưng có các câu hỏi để phân hóa trình độ của thí sinh, hỗ trợ dữ liệu để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Trong thời gian nghỉ học phòng dịch Covid-19, nhà trường đã hoàn thành tốt việc tổ chức dạy học trực tuyến. Bên cạnh việc giao nhiệm vụ học tập và triển khai học trực tuyến, nhà trường còn thường xuyên cập nhật và thông báo đến toàn thể giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh về lịch phát sóng dạy học trên truyền hình và các đường link để học sinh có thể theo dõi và tham gia học tập. Do đó, khi học sinh quay trở lại trường đều có kiến thức đầy đủ.
Theo yêu cầu của Sở GD&ĐT, nhà trường sẽ tổ chức 2 lần thi thử cho học sinh, đảm bảo tính khách quan, nghiêm túc. Nhà trường đã yêu cầu giáo viên xây dựng ma trận đề thi, đề thi phù hợp, bám sát chương trình, đề tham khảo của Bộ. Trên cơ sở kết quả thi thử, các trường phân loại đối tượng, tổ chức ôn tập sát với từng nhóm đối tượng học sinh đảm bảo chất lượng, hiệu quả.