Nhà trường phối hợp với công an, quân đội tuyên truyền pháp luật

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhằm giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, nhà trường đã phối hợp với công an, quân đội tuyên truyền phòng chống bạo lực, an toàn giao thông.

Đội cờ đỏ của Trường THPT Hà Văn Mao (3 nữ sinh áo trắng) tham gia kiểm tra, giám sát học sinh đến trường vào các đầu buổi sáng. Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Đội cờ đỏ của Trường THPT Hà Văn Mao (3 nữ sinh áo trắng) tham gia kiểm tra, giám sát học sinh đến trường vào các đầu buổi sáng. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Siết chặt kỷ luật an toàn giao thông

Là trường THPT, nên học sinh (HS) đa số đến lớp bằng phương tiện giao thông như xe máy phân khối nhỏ, xe đạp điện, xe máy điện... Trong khi đó, ngôi trường lại nằm cạnh quốc lộ, nên HS đến trường hàng ngày ẩn hiện nhiều rủi ro tai nạn giao thông.

Để phòng, tránh tai nạn giao thông (TNGT) và giúp HS hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ, Ban Giám hiệu Trường THPT Hà Văn Mao (Bá Thước, Thanh Hóa) đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục cho các em bằng nhiều hình thức sinh động, thực tế.

Cô Lê Nguyệt Nga – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với đặc thù là ngôi trường miền núi, HS thuộc nhiều dân tộc khác nhau. Do nhà ở xã khá xa với trường, các em đến lớp chủ yếu bằng phương tiện xe máy phân khối nhỏ, xe máy điện, xe đạp điện... Do vậy, việc phổ biến giáo dục pháp luật cho HS về Luật Giao thông đường bộ là rất quan trọng và cần thiết.

Do đó, nhà trường phối hợp với Công an, Ban Chỉ huy quân sự huyện mời cán bộ, chiến sĩ xuống tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho HS. Tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV) và HS nhà trường về Luật Giao thông.

“Vào tiết chào cờ sáng thứ Hai, nhà trường thường xuyên đưa việc chấp hành Luật Giao thông đối với HS, để giáo dục, nhắc nhở các em. Nhà trường thành lập đội cờ đỏ (giao cho Đoàn thanh niên trường chỉ đạo hoạt động của đội cờ đỏ) trực ở cổng trường trước giờ vào học tất cả các ngày trong tuần, để kiểm tra việc chấp hành của HS. Đồng thời, nhà trường cũng đưa vào quy định xếp loại thi đua của các lớp học”, cô Nga cho hay.

Cũng theo cô Nga, với quy định bắt buộc của nhà trường, là yêu cầu tất cả HS đi xe máy, xe đạp điện,... đến cổng trường phải xuống xe, phải đội mũ bảo hiểm và để nguyên mũ trên đầu, dắt phương tiện vào nhà xe. Ở cổng trường, luôn có một đội cờ đỏ đứng kiểm tra hàng ngày.

“Nếu HS đi các phương tiện bắt buộc đội mũ bảo hiểm theo quy định, mà khi qua cổng không đội trên đầu, hoặc không có mũ, thì coi như đã vi phạm. Đội cờ đỏ ghi tên HS đó ở lớp nào, sẽ tính vào điểm trừ cho lớp đó. Với những lỗi vi phạm như vậy, sẽ là căn cứ xếp loại thi đua của lớp, xếp loại hạnh kiểm của HS”, cô Nga nói.

Hàng trăm học sinh Trường THPT Hà Văn Mao (Bá Thước, Thanh Hóa) tham gia buổi sinh hoạt ngoại khóa về giáo dục đạo đức lối sống. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Hàng trăm học sinh Trường THPT Hà Văn Mao (Bá Thước, Thanh Hóa) tham gia buổi sinh hoạt ngoại khóa về giáo dục đạo đức lối sống. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Em Trương Yến Nhi, (lớp 10A4), Trường THPT Hà Văn Mao, nhà ở thôn Măng, xã Lương Ngoại (Bá Thước), cách trường khoảng 10km, hàng ngày đến trường bằng xe máy phân khối thấp.

Yến Nhi, tâm sự: “Năm nay là năm đầu cấp của em được học ở Trường THPT Hà Văn Mao. Khi bước vào năm học mới, em được các thầy, cô giáo truyền đạt nhiều kiến thức về pháp luật rất bổ ích. Em được tham gia buổi sinh hoạt ngoại khóa, do các chú công an và bộ đội trực tiếp tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, cách phòng chống bạo lực, phòng tránh xâm hại, đuối nước...

Ngoài ra, những giờ sinh hoạt trên lớp, thầy, cô giáo chủ nhiệm đều nhắc nhở chúng em khi tham gia giao thông phải tuân thủ theo Luật Giao thông. Bên cạnh đó, mỗi sáng thứ Hai vào tiết chào cờ, các thầy cô luôn nhắc nhở chúng em tuyệt đối tránh xa các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm...”.

Gắn camera theo dõi để ngăn chặn hành vi xấu

Nhằm ngăn chặn các hành vi xấu dễ dẫn đến bạo lực học đường, Trường THPT Hà Văn Mao đã lắp đặt hệ thống camera theo dõi ở các vị trí góc khuất trong khuôn viên nhà trường. Từ khi có hệ thống camera ở các vị trí khuất trong trường mà giờ ra chơi HS thường hay tụ tập để gây mâu thuẫn, hút thuốc lá..., thì nay HS không rủ nhau ra những nơi đó tụ tập nữa.

Theo nữ hiệu trưởng, đối với việc giáo dục đạo đức lối sống cho HS, phòng chống bạo lực học đường, nhà trường đã, đang làm rất tốt. Vì thế, những năm qua, Trường THPT Hà Văn Mao chưa xảy ra việc HS gây gổ, đánh nhau. Không có HS nào vi phạm pháp luật và liên quan đến các tệ nạn xã hội...

“Thầy, cô giáo trong trường thường xuyên tuyên truyền về công tác phòng chống bạo lực cho HS. Yêu cầu HS không gây mâu thuẫn với bạn bè. Khi có cuộc hẹn để nói chuyện, mà cảm thấy bất thường thì không đến, mà phải báo cáo với thầy cô, với bố, mẹ các em”, cô Nga cho biết thêm.

Cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bá Thước tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh Trường THPT Hà Văn Mao. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bá Thước tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh Trường THPT Hà Văn Mao. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Có thể nói, với cách thức giáo dục đạo đức lối sống cho HS của Trường THPT Hà Văn Mao trong thời gian qua, đã và đang giúp lớp lớp học trò của ngôi trường có ý thức chấp hành pháp luật rất tốt. Công tác tuyên truyền của nhà trường đảm bảo an toàn, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.

Theo cô Lê Nguyệt Nga, với cách giáo dục đạo đức lối sống của nhà trường, không chỉ giúp ích riêng cho HS, mà còn góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của CBGVNV trong đơn vị và các bậc phụ huynh có con, em đang theo học ở trường.

Cũng theo cô Nga, ngoài việc tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khóa, để tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho HS, thì đội ngũ GV nhà trường luôn thực hiện đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy, học tập môn học giáo dục kiến thức pháp luật, giáo dục công dân theo hướng phù hợp. Tăng cường tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong trường.

Tổ chức, vận động tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho học sinh. Đồng thời, trang bị pa-nô, áp phích phục vụ tuyên truyền giáo dục pháp luật sao cho phù hợp với HS trong trường, như: Pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống ma tuý; HIV/AIDS; bảo vệ môi trường, bạo lực học đường, phòng chống cháy nổ...

“Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên phối hợp với các tổ chuyên môn kiểm tra thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại các tổ, các lớp, bộ phận trực thuộc theo kế hoạch. Sau đó, đánh giá kết quả công tác này, nhằm sớm phát hiện ra vướng mắc, nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm và kiến nghị, đề xuất các giải pháp để tập thể nhà trường cùng tháo gỡ, nâng cao chất lượng hoạt động”, cô Nga chia sẻ.

“Mỗi thầy, cô giáo chủ nhiệm đều phải có trách nhiệm nắm bắt tình hình HS hàng ngày, nếu có dấu hiệu bất thường, thì kịp thời báo cáo lãnh đạo nhà trường, phối hợp với phụ huynh HS, để tìm hiểu nguyên nhân và cách giải quyết phù hợp. Đặc biệt, việc phối hợp với phụ huynh học sinh để ngăn chặn, giải quyết những tình huống xấu xảy ra, luôn được nhà trường đặt lên hàng đầu”, cô Lê Nguyệt Nga – Hiệu trưởng Trường THPT Hà Văn Mao (Bá Thước, Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.
Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.