Nhà trường phối hợp chặt chẽ với ngành Công an giáo dục pháp luật

GD&TĐ - Công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống hiện tượng kỳ thị, bạo lực học đường luôn được các nhà trường ở thành phố Thanh Hóa chú trọng.

Trường Tiểu học Minh Khai 1, TP Thanh Hóa tổ chức Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Trường Tiểu học Minh Khai 1, TP Thanh Hóa tổ chức Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Gắn trách nhiệm của ban giám hiệu

Là ngôi trường có hơn 1.000 học sinh (HS), với 37 lớp, nên Ban giám hiệu (BGH) Trường Tiểu học Minh Khai 1, TP Thanh Hóa luôn chú trọng đến công tác đảm bảo an ninh trường học. Bên cạnh đó, công tác phòng chống bạo lực học đường, vi phạm giới tính và phòng chống hiện tượng kì thị trong trường học, được nhà trường đặc biệt quan tâm.

Cô giáo Đào Thị Yên – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, những năm qua, BGH nhà trường luôn quan tâm đến việc chỉ đạo, điều hành hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật, nhằm xây dựng môi trường lành mạnh, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trường học. Kiềm chế việc vi phạm pháp luật, không có tệ nạn ma tuý trong cán bộ, giáo viên và HS. Phòng, chống hiệu quả hành vi bạo lực trong nhà trường, các hành động tự phát của HS làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Chủ động phòng ngừa, không để HS vi phạm tệ nạn xã hội, bạo lực học đường và tội phạm bên ngoài xâm nhập vào trường học. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, HS đảm bảo an ninh trật tự trường học, phòng, chống ma túy, bạo lực học đường.

Hàng nghìn học sinh Trường Tiểu học Minh Khai 1 (TP Thanh Hóa) được tham gia buổi ngoại khóa về phòng tránh xâm hại, kỹ năng thoát hiểm. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Hàng nghìn học sinh Trường Tiểu học Minh Khai 1 (TP Thanh Hóa) được tham gia buổi ngoại khóa về phòng tránh xâm hại, kỹ năng thoát hiểm. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

“Vấn nạn bạo lực học đường diễn ra ngày càng phức tạp. Do đó, ngăn chặn được vấn đề nêu trên, chúng tôi kêu gọi cán bộ, giáo viên toàn trường phát huy sức mạnh của tập thể, tích cực tham gia phong trào đấu tranh giữ gìn đảm bảo an ninh trật tự trường học và phòng, chống bạo lực học đường. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với, chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể và gia đình HS.

Đồng thời, tổ chức cho từng HS, từng tập thể lớp ký cam kết nói không với bạo lực học đường. Cam kết thực hiện luật an toàn giao thông, không vi phạm các tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật, không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, đốt pháo nổ...”, cô Yên chia sẻ.

Cũng theo cô Yên, lãnh đạo nhà trường phối hợp với Đội TNTP Hồ Chí Minh, chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thường xuyên đưa nội dung đảm bảo an ninh trật tự trường học, phòng chống ma túy, bạo lực học đường trong các buổi chào cờ, tiết sinh hoạt lớp năm học 2022-2023.

Bên cạnh đó, BGH cũng yêu cầu các giáo viên tự giác, trau dồi kiến thức pháp luật để vận dụng vào giảng dạy lồng ghép trong các buổi học chính khoá. Cùng BGH tổ chức các hoạt động ngoại khoá, hoạt động tập thể cho HS và tham gia với các em.

Học sinh Trường Tiểu học Minh Khai 1 (TP Thanh Hóa) trả lời tình huống tại buổi ngoại khóa về phòng tránh xâm hại, kỹ năng thoát hiểm. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Học sinh Trường Tiểu học Minh Khai 1 (TP Thanh Hóa) trả lời tình huống tại buổi ngoại khóa về phòng tránh xâm hại, kỹ năng thoát hiểm. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Em Nguyễn Hoàng Trang, học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Minh Khai 1, cho biết: “Các con đến trường học được tham gia những buổi ngoại khóa, nghe các thầy, cô giáo, các cô, chú công an truyền đạt những kiến thức, kỹ năng bổ ích trong phòng, tránh xâm hại tình dục, bạo lực học đường. Ngoài ra, những buổi chào cờ đầu tuần, buổi sinh hoạt cuối tuần trên lớp, các con cũng được nghe cô giáo truyền đạt những kiến thức hiểu biết các vấn đề xã hội, để tránh xa với bạo lực học đường và các tệ nạn xã hội...”.

Phối hợp với công an để chống bạo lực học đường

Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực học đường trong trường học cũng được Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (TP Thanh Hóa) thường xuyên phối hợp với lực lượng công an phường, để tổ chức tuyên truyền cho học sinh.

Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám cũng có số lượng HS khá đông, với hơn 1.300 em. Những năm qua, công tác giữ gìn an ninh trường học, phòng chống bạo lực học đường... được nhà trường đặc biệt quan tâm.

Cô giáo Dương Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, bước vào năm học mới, nhà trường đã phối hợp với Công an phường Lam Sơn, Công an TP Thanh Hóa, Hội cha mẹ HS tổ chức tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, HS về các nội dung liên quan đến bạo lực học đường. Đồng thời, lồng ghép trong các nội dung tuyên truyền phổ biến pháp luật. Bên cạnh đó, phát huy vai trò xung kích của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, các tổ chức, đoàn thể khác lập hồ sơ theo dõi tình hình khi HS vi phạm để có biện pháp giải quyết.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TP Thanh Hóa được tham gia buổi sinh hoạt ngoại khóa về phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TP Thanh Hóa được tham gia buổi sinh hoạt ngoại khóa về phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

“Ngoài việc nâng cao nghiệp vụ chuyên môn giảng dạy, BGH nhà trường luôn tăng cường công tác kiểm tra. Đồng thời, chúng tôi giao nhiệm vụ cho Tổng phụ trách Đội, giáo viên chủ nhiệm, đội cờ đỏ... chú trọng phòng ngừa việc HS đem đồ chơi mang tính kích động vào trong trường nói riêng và bạo lực học đường nói chung. Phối hợp với phụ huynh HS quản lý chặt chẽ việc chuyên cần của các con”, cô Hà chia sẻ.

Cũng theo cô Hà, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động, như: Tổ chức tuyên truyền về các nội dung liên quan xây dựng xã hội, cộng đồng, cơ quan, gia đình nâng cao nhận thức trong quá trình thực hiện, tổ chức các câu lạc bộ sinh hoạt theo từng loại hình. Đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường có hiệu quả cho HS.

Xây dựng kế hoạch bổ sung kinh phí mua sắm các loại sách, văn bản cần thiết cho việc tìm hiểu pháp luật của cán bộ, giáo viên, HS có nhu cầu tìm hiểu. Đề ra các biện pháp ngăn ngừa hiệu quả với các trường hợp HS vi phạm.

Buổi sinh hoạt ngoại khóa về phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em được hàng nghìn học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi tham gia. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Buổi sinh hoạt ngoại khóa về phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em được hàng nghìn học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi tham gia. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Phối hợp với lực lượng công an để nói chuyện về pháp luật và giáo dục pháp luật cho HS. Tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao lành mạnh, các trò chơi dân gian bổ ích cho HS tham gia để tránh xa tệ nạn xã hội. Ngăn chặn tình trạng HS đến trường nhưng bỏ học, bỏ tiết đi chơi, tham gia đánh nhau và vi phạm tệ nạn xã hội...

Phối hợp với công an phường ngăn chặn những sự việc xấu có thể xảy ra. Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm phổ biến, hướng dẫn cho HS sinh hoạt, hoạt động lành mạnh trong năm học. Tăng cường chăm sóc bảo vệ cây xanh, cảnh quan môi trường quanh trường. Quán triệt đến HS ý thức chấp hành pháp luật, ngăn chặn hành vi vi phạm luật giao thông.

"Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực học đường không phải một sớm một chiều, mà phải thường xuyên, liên tục và tuyên truyền cho HS bằng nhiều hình thức thông qua các bài học chính khoá, giờ chào cờ, tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp theo chủ đề. Tuyên truyền giáo dục cho HS về tầm quan trọng của việc hiểu biết pháp luật trong cuộc sống hiện nay. Giảng dạy lồng ghép các môn học theo chương trình đã quy định. Tuyên truyền giáo dục kỹ năng sống, xây dựng nếp sống văn minh, ứng xử văn hoá trong nhà trường....", cô Đào Thị Yên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Khai 1, TP Thanh Hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cựu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

Cựu Tổng thư ký NATO có công việc mới

GD&TĐ -Cựu Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg sẽ là Chủ tịch Hội nghị An ninh Quốc tế Munich (MSC) kể từ năm tới.