Nhà trường linh hoạt khi thiếu giáo viên và thiết bị dạy học

GD&TĐ - Trước tình trạng thiếu giáo viên trên toàn tỉnh Gia Lai, thầy - cô nhiều trường dạy liên cấp để đảm bảo chất lượng dạy học.

Học sinh lớp 3, Trường Tiểu học – THCS Lê Quý Đôn thảo luận nhóm.
Học sinh lớp 3, Trường Tiểu học – THCS Lê Quý Đôn thảo luận nhóm.

Linh hoạt ứng phó khi thiếu giáo viên

Năm học 2022-2023, Trường THCS và THPT Kpă Klơng (huyện Mang Yang, Gia Lai) có tổng số 736 học sinh, trong đó hơn 53% là người dân tộc thiểu số.

Thầy Nguyễn Ngọc Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, học sinh đa số là người dân tộc thiểu số Bana. Gia đình các em chủ yếu làm nương rẫy nên đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trước kia phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con em, chủ yếu giao phó cho giáo viên. Thế nhưng, nhà trường thường xuyên tuyên truyền, vận động nên gia đình ngày càng chú trọng việc học của các con.

“Nhà trường thường tổ chức họp vào thời gian học sinh không đến trường. Khi đó, nhà trường tận dụng phòng học của các em để trao đổi, thảo luận. Còn phòng Hội đồng nhà trường lắp đặt máy để các em thuận tiện học tập”, thầy Sơn nói.

Theo thầy Sơn, năm học này thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 7 và 10. Tuy nhiên, cơ sở vật chất và giáo viên của nhà trường vẫn đang thiếu thốn. Hiện tại toàn trường chỉ có 10 phòng lý thuyết, 1 phòng tiếng Anh. Thế nhưng phòng dạy bộ môn tiếng Anh được tận dụng lại từ phòng Hội đồng của nhà trường.

Cũng theo thầy Sơn, hiện tại trường đang thiếu 7 phòng lý thuyết, 5 phòng bộ môn và 1 nhà đa năng. Để đảm bảo nhu cầu dạy học, hiện tại nhà trường đang mượn 8 phòng của trường Tiểu học và một Nhà văn hoá của xã. Không chỉ thiếu về cơ sở vật chất, Trường THCS và THPT Kpă Klơng đang thiếu 5 giáo viên nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

“Chúng tôi mong muốn sẽ đủ về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để đảm bảo việc thực hiện chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, hiện tại nhà trường vẫn linh hoạt ứng phó để đảm bảo chất lượng dạy học và không để bất cứ học sinh nào bị bỏ lại phía sau”, thầy Sơn chia sẻ.

Đưa học sinh ở điểm làng về trường chính học

Giáo viên linh hoạt giảng dạy.
Giáo viên linh hoạt giảng dạy.

Tương tự, tại huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Phòng GD&ĐT cho biết, năm học 2022-2023 thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3 và 7. Tuy nhiên, hiện tại huyện đang thiếu một số giáo viên dạy Công nghệ, Tin học… nên bố trí giáo viên dạy liên cấp. Để đảm bảo chất lượng dạy học, một số Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng phải đứng lớp từ 4 đến 8 tiết/tuần, tăng hơn vài tiết so với quy định của Bộ GD&ĐT.

“Chủ trương của Phòng là không để Ban giám hiệu đứng lớp nhiều vì còn phải quản lý giáo viên, trường lớp. Hiện tại Phòng đã tham mưu, đề xuất tuyển thêm 67 chỉ tiêu biên chế của 3 bậc học. Tuy nhiên, với số chỉ tiêu này nếu tuyển đủ vẫn không đáp ứng được yêu cầu dạy 2 buổi/ngày”, ông Phong nói.

Thầy Nguyễn Văn Vui, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Lê Quý Đôn (xã Yang Trung, huyện Kông Chro) cho biết, toàn trường có 495 học sinh, trong đó có hơn 58% học sinh là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là Bana.

Toàn trường có 29 cán bộ, giáo viên và nhân viên, nhưng để đảm bảo việc thực hiện chương trình GDPT 2018 trường còn thiếu 1 giáo viên tiếng Anh và 1 Tin học. Trước mắt để đảm bảo kiến thức cho học sinh, giáo viên nhà trường được phân công dạy liên cấp.

Theo thầy Vui, năm học 2022-2023 trường có ba lớp 3, trong đó có 2 lớp đơn và 1 lớp ghép trong làng. Tin học trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3 nhưng hiện tại nhà trường chưa có thiết bị, máy móc để học tập.

“Hiện tại nhà trường đã đề nghị cấp 35 máy tính để phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Tuy nhiên với 10 học sinh lớp 3 ở điểm trường làng thì không thể bố trí thiết bị vào tận nơi. Do đó, nhà trường đang lên kế hoạch, sắp xếp đưa các em ra điểm chính học tập vào buổi chiều hoặc những ngày cuối tuần. Qua đó đảm bảo tất cả học sinh đều được tiếp cận trang thiết bị học tập”, thầy Vui tâm sự.

Vị Phó hiệu trưởng cho hay, sau 3 năm tiếp cận chương trình GDPT 2018 học sinh rất hào hứng và thích thú khi học tập. Bên cạnh đó, cán bộ, giáo viên được tập huấn kĩ lưỡng về các mô đun nên không gặp nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy. Đồng thời, thầy, cô linh hoạt thay đổi để phù hợp với học sinh địa phương. Qua đó, giúp các em phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ