Tranh thủ thực tập, xin việc
Nguyễn Anh Tuấn, sinh viên năm 4 ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM, nhận việc tại một công ty chuyên về phần mềm ở TP Thủ Đức, TPHCM cuối tháng 5. Mức lương khởi điểm của Tuấn là 9,2 triệu đồng, chưa gồm phụ cấp ăn trưa, xăng xe đi lại.
Hiện, Tuấn đang hoàn thành nốt môn chuyên ngành cuối cùng và chứng chỉ ngoại ngữ để xét tốt nghiệp (dự kiến cuối năm 2023). “Do thời gian học hè khá thư thả nên em tranh thủ đi làm lấy kinh nghiệm và có thêm thu nhập. Chờ lấy bằng là công ty sẽ tuyển dụng chính thức, mức lương có thể lên tới 15 - 20 triệu đồng”, Tuấn chia sẻ.
“Sinh viên năm 3 - 4 thường ở lại dịp hè để thực tập hoặc xin việc. Điều này giúp chúng em tiết kiệm được thời gian thử việc ở doanh nghiệp, thay vì chờ tốt nghiệp, lấy bằng rồi mới đi làm”, Tuấn cho biết.
Theo Tuấn, dù chưa tốt nghiệp nhưng những kiến thức học ở trường đủ đáp ứng công việc hiện tại. Tuấn đang cùng nhóm thực hiện 2 dự án phần mềm theo phân công của công ty. Đồng nghiệp của Tuấn cũng là những sinh viên năm cuối ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính.
Khác Tuấn, một số sinh viên tranh thủ thời gian nghỉ hè tìm nơi thực tập, tích lũy kinh nghiệm. Nguyễn Thiên Hải, sinh viên năm 2 Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG TPHCM chọn thực tập ở vị trí marketing tại một chi nhánh ngân hàng ở TPHCM. Hải hiện theo học ngành Công nghệ sinh học nhưng định hướng khởi nghiệp với dự án kinh doanh sản phẩm trong lĩnh vực sinh học sau khi ra trường.
“Do đó, ngoài chuyên môn Công nghệ sinh học, kiến thức, kỹ năng về marketing, kinh doanh rất quan trọng. Em chọn vị trí thực tập hơi trái ngành nhưng sẽ hữu ích cho hướng đi sau này, đồng thời làm dày dặn thêm CV đi xin việc”, Hải giải thích cho quyết định của mình.
Trong khi đó, Lê Phú Trường, sinh viên năm 2 nhóm ngành Toán - Tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM lại chọn công việc phù hợp với chuyên ngành để thực tập, tích lũy kinh nghiệm. Sau khi tham khảo nhiều vị trí việc làm trên các trang thông tin, ngày hội việc làm, Trường quyết định ứng tuyển vào công ty chuyên về dữ liệu.
“Ngành của em học nặng về lý thuyết nên việc thực tập sớm sẽ giúp có nhiều cơ hội cọ xát, tiếp xúc với công việc thực tế. Ưu tiên lựa chọn nơi làm việc của em là được học hỏi, phát triển kỹ năng chứ chưa nghĩ nhiều về tiền lương”, Trường trao đổi.
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM tìm hiểu cơ hội việc làm tại một đợt tuyển dụng. Ảnh: NTCC |
Xu hướng mới
Nắm bắt nhu cầu của sinh viên, nhiều trường đại học mở các ngày hội việc làm hoặc hội thảo về xu hướng việc làm, giúp sinh viên có thêm nhiều lựa chọn. Ngày 4/6, hàng trăm sinh viên có cơ hội tìm hiểu việc làm tại ngày hội “Sinh viên và doanh nghiệp năm 2023” được Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM tổ chức tại TP Thủ Đức. Tại đây, sinh viên được tìm hiểu, cọ xát thực tế tại nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, dịch vụ.
Theo PGS.TS Trần Lê Quan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, với quy mô hơn 14 nghìn người học ở 10 khoa và nhiều chuyên ngành đào tạo, ngoài thực hiện đào tạo chuyên môn, nhà trường quan tâm đến kết nối giữa sinh viên và doanh nghiệp. Do đó, các chương trình ngày hội việc làm thiết thực và ý nghĩa với sinh viên.
Tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM cũng diễn ra ngày hội việc làm tạo tác động xã hội với chủ đề “Con người trong phát triển bền vững” để trao đổi về xu hướng thị trường lao động tương lai. Theo các chuyên gia, xu hướng của thị trường lao động hiện nay đòi hỏi sinh viên cần nhiều kiến thức, kỹ năng theo đuổi sự phát triển bền vững. Do đó, giới trẻ phải có mục tiêu dài hạn, hành động rõ ràng và duy trì năng lượng tích cực trong công việc.
TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhận định, tính bền vững là nền tảng cho sự phát triển và tiến bộ xã hội. “Khi xu hướng phát triển bền vững được các doanh nghiệp và tổ chức quan tâm, nhu cầu tìm kiếm nguồn nhân lực trẻ để thực hiện các chương trình phát triển bền vững và tác động xã hội ngày càng tăng”, TS Hạ cho biết.
Cùng quan điểm, TS Phạm Quý Hạnh, Tư vấn Quản trị xã hội, Công ty ERM, cho rằng, sự phát triển bền vững không chỉ thỏa mãn thế hệ hiện tại, mà còn là giải pháp để không ảnh hưởng đến thế hệ tương lai. Theo đó, với xu thế mới, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để trải nghiệm, thử sức theo khả năng, chuyên môn và định hướng nghề nghiệp cá nhân.
Sinh viên tìm hiểu việc làm tại ngày hội việc làm do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM tổ chức ngày 4/6. Ảnh: Mạnh Tùng |
Tránh bẫy lừa đảo
ThS Hoàng Thị Thoa, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, lưu ý, sinh viên phải tìm hiểu kỹ thông tin trước khi xin việc, thực tập trong hè để tránh những rủi ro. Theo đó, các em nên tìm việc qua các trung tâm, chẳng hạn như trung tâm giới thiệu việc làm tại trường hoặc các trang thông tin uy tín. Đối với các thông tin tìm việc qua mạng, sinh viên xác thực thông tin tuyển dụng, mô tả công việc, địa chỉ công ty và nơi làm việc.
Khi sinh viên đổ xô đi tìm việc cũng là lúc nhiều kẻ xấu lợi dụng, giăng “bẫy đa cấp”. Theo ThS Thoa, sinh viên cần cân nhắc nếu nghe các thông tin như: Công việc nhẹ nhàng, thời gian linh động, mức lương có thể vài chục, vài trăm triệu đồng/tháng; đây là mô hình kinh doanh mới, tự làm chủ, không làm thuê cho ai. “Bất kỳ công việc nào bạn chưa đi làm, nhận lương mà người giới thiệu yêu cầu phải đóng một khoản tiền có thể là thế chân, mua tài liệu, sản phẩm, phí môi giới… đều không đáng tin”, ThS Thoa khuyến cáo.
“Ngày hội việc làm là cơ hội giúp sinh viên tiếp cận, tìm hiểu các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực ngành nghề để tìm kiếm việc. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tuyển dụng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu, giới thiệu, quảng bá hình ảnh và sản phẩm công ty…”, PGS.TS Trần Lê Quan trao đổi.