Trăn trở về đội ngũ
Mới thành lập, đi vào hoạt động chưa đầy năm nhưng có cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị đầy đủ và học phí rất vừa phải nên Trường mầm non Nốt Nhạc Xanh đã thu hút được 427 trẻ. Tuy nhiên, khó khăn của trường, theo cô hiệu trưởng Đặng Thị Mỹ Dung là đội ngũ nhân sự chưa ổn định. Mức lương và những áp lực nghề nghiệp khiến nhiều giáo viên trẻ ít tâm huyết.
Bên cạnh đó, việc đưa đón trẻ đi sớm, về muộn đòi hỏi giáo viên phải hỗ trợ nhiều về thời gian; từ đó thời gian làm việc của giáo viên mầm non kéo dài hơn. Giáo viên mới ra trường nên còn thiếu kinh nghiệm thực tế, do vậy cần bồi dưỡng nhiều về kỹ năng chăm sóc và tổ chức hoạt động cho trẻ. Mức thu thấp so với mức đầu tư của trường nên việc cân đối thu chi còn rất nhiều khó khăn.
Một khó khăn khác, do phụ huynh chủ yếu là công nhân khu công nghiệp, điều kiện gia đình không ổn định, hay thay đổi công việc, chỗ ở…, thu nhập thấp nên công tác phối hợp cũng như công tác xã hội hóa rất khó khăn. Thậm chí khi nào phụ huynh có tiền thì cho con học, khi hết tiền thì nghỉ. Nhận thức về chương trình giáo dục mầm non của phụ huynh còn hạn chế nên đa số có nhu cầu cho con học trước chương trình lớp 1…
“Hiện nay, trường công lập có chế độ lương hè; thi giáo viên giỏi, các cô cũng có phần thưởng xứng đáng từ phía nhà nước; ngày lễ tết 20/11 có thưởng từ UBND quận; nhưng giáo viên trường tư không có điều đó, do đó, động lực phấn đấu bị chùng lại” – cô Đặng Thị Mỹ Dung trăn trở.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT tặng quà cho trẻ Trường mầm non Nốt Nhạc Xanh |
Rất nhiều khó khăn cũng được chủ trường Lê Phạm Hồng Điệp chia sẻ, trong đó có việc “giữ chân” giáo viên.
“Chúng tôi đã nghĩ ra rất nhiều cách, tổ chức nhiều hoạt động; đội ngũ cán bộ nhân viên có chế độ bảo hiểm, mức lương so với mặt bằng chung các tư thục không đến nỗi thấp. Tuy nhiên, do phụ huynh hầu như là công nhân, kinh tế khó khăn nên sự quan tâm của phụ huynh với cô hầu như không có.
Một cô giáo kể với tôi: Mẹ Hà My cho em 4 hũ sữa chua, nhưng Hà My còn chưa có ăn, làm sao em lấy được. Sau đó, cô gửi lại cho phụ huynh” – bà Lê Phạm Hồng Điệp kể.
Trước vấn đề này, Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu cho biết: Địa bàn quận có trên 1.000 giáo viên mầm non tư thục, chưa kể các nhóm lớp. Hằng tháng, Phòng GD&ĐT đều có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, chuyền đề; nhưng về chính sách, chúng tôi thực sự khó khăn để “chạm” tới từng khó khăn của các cô. Phòng GD&ĐT sẽ có kế hoạch tham mưu làm tốt hơn trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành làm khảo sát tại Trường mầm non Nốt Nhạc Xanh |
Bỏ tiền đầu tư nhưng chưa biết khi nào thu hồi vốn
Chia sẻ của chủ trường Lê Phạm Hồng Điệp: Mới đầu khi làm đề án thành lập trường, đầu tiên chúng tôi dự tính thu trên 1,7 triệu/trẻ/tháng. Nhưng sau khảo sát ý kiến cha mẹ học sinh, chúng tôi hạ xuống trên 1,2 triệu; do đó chưa tính được đến khi nào thu hồi vấn. Lợi nhuận lớn nhất của chúng tôi hiện nay là sự tin yêu của học sinh và niềm tin của cha mẹ các em.
Trước những khó khăn từ thực tế hoạt động, bà Lê Phạm Hồng Điệp kiến nghị các trường mầm non trong khu công nghiệp được ưu đãi về lãi vay; được hỗ trợ về mức đóng bảo hiểm cho giáo viên vì hiện nay cơ sở mầm non ngoài công lập phải thực hiện đóng bảo hiểm cho người lao động theo doanh nghiệp; được hỗ trợ về đồ dùng, đồ chơi cho trẻ.
“Dù rất gói ghém, tiết kiệm, bằng óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của giáo viên mầm non, chúng tôi đã tạo ra nhiều đồ dùng đồ chơi tự làm, giảm thiểu chi phí, nhưng các con còn thiếu thốn nhiều” – bà Điệp cho biết.
Đoàn công tác liên ngành làm việc với UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) |
Tại buổi làm việc, đoàn công tác liên ngành cùng đại diện Phòng GD&ĐT Liên Chiểu, UBND quận Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), đại diện các trường trao đổi xung quanh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục mầm non trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Nhận định của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Đà Nẵng là thành phố năng động, nhiều khu công nghiệp, tỷ lệ ngoài công nghiệp lên tới 63%. Dù vậy nhưng công tác quản lý về giáo dục mầm non được thực hiện tốt, có sự quan tâm sát sao của các cấp, các ngành.
Đi thực tế ở 2 cơ sở giáo dục mầm non, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa yêu cầu các trường cần quan tâm hơn đến bồi dưỡng đội ngũ kể cả tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, trách nhiệm của giáo viên với trẻ. Đồng thời, quan tâm hơn đến đời sống giáo viên cả về vật chất và tinh thần vì đội ngủ ổn định thì chất lượng giáo dục mới ổn định.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các cấp quản lý tăng cường công tác quản lý, giám sát, đặc biệt là vai trò của cộng đồng; có dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp, dành quỹ đất sạch để công khai cho các chủ đầu tư có nhu cầu, nguyện vọng; nơi nào khó khăn không có chủ đầu tư thì nghiên cứu để có đầu tư của nhà nước. Cùng với đó, có lộ trình để giảm dần số các nhóm lớp.
"Chúng tôi mong mỏi các cấp, các ngành cùng chung tay chăm lo cho giáo dục đào tạo, trong đó có giáo dục mầm non" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ.