Thắng - con trai ông gật như bổ củi: "Vâng, chúng con yêu nhau lâu lắm rồi, con cũng chỉ mong đến ngày chính thức đưa cô ấy về nhà mình thôi ạ".
Ngày hai bên bàn bạc chuyện cưới hỏi, gia đình ông Táo suýt ngã ngửa khi nghe nhà gái “hét giá”, nào là phải bỏ vào phong bì 200 triệu, ngoài ra thêm 5 lễ: Trầu cau, bánh trái, đầu lợn… mỗi lễ trị giá 2 triệu đồng.
Thấy vẻ sững sờ của bên nhà trai, nhà gái tỏ vẻ hả hê: "Ông bà hiểu cho, quê chúng tôi rất quan trọng tục lệ thách cưới. Chúng tôi cũng chỉ làm theo phong tục của các cụ mà thôi".
Trong khi bà Táo gắng cầm cự mới không bị "chết lâm sàng" thì ông Táo vẫn bình tĩnh để đối đáp với bên nhà gái: "Dạ vâng, để thưa thưa ít bữa rồi chúng tôi chuẩn bị đủ”.
Về đến nhà, Thúy - bạn gái Thắng cuống quýt thắc mắc ở đâu ra cái “giá bán con” trên trời, bố mẹ cô thản nhiên đáp: “Nuôi con gái mấy chục năm, của đâu mà cho không”.
Thúy còn được giải thích thêm, đây là “giá chung” của dân làng, tăng lên theo từng năm: “Chị gái mày 5 năm trước đã được 100 triệu rồi. Con gái trong làng đứa nào đi lấy chồng chả được đủ lễ, chẳng lẽ nhà mình thiếu. Bên họ không lo được thì khỏi cưới xin”.
Biết không cãi nổi bố mẹ, Thúy âm thầm bàn với Thắng đi vay tiền lo lễ lạt rồi sau này về cùng nhau trả nợ.
Nghe được kế hoạch này, ông Táo nổi giận đùng đùng: "Sao phải để cái Thúy ra mặt đi vay tiền thách cưới của chính bố mẹ đẻ nó cơ chứ! Dù không lo kịp 200 triệu đó thì chúng tao vẫn lo cưới xin cho con trai được đàng hoàng như bao nhà khác...".
Ông Táo chưa nói xong thì Tàu - em trai ông - không rõ từ đâu nhảy vào "góp giọng": "Anh nói chí phải, nói thế nào thì cũng phải cảm thông cho bên nhà gái, người ta gả con gái cho nhà mình mà không được lễ lạt tử tế thì dân làng cười cho, lại nói rể họ kém cỏi. Như thế không khác gì họ gián tiếp chửi vào mặt nhà mình, xấu hổ lắm anh ạ".
Ông Táo quắc mắt nhìn em trai: "Chú ở đâu chui ra đây hả? Bao nhiêu năm nay không thèm hỏi han anh giai một tiếng, tự nhiên xuất hiện rồi can thiệp vào chuyện nhà tôi, sao chú vô duyên thế?".
Tàu cười xòa: "Ôi dào, em chui từ đâu ra không quan trọng. Mà anh nói lạ nhỉ, thằng Thắng là cháu ruột của em, em phải có quyền can thiệp chứ. Mà không tranh cãi chuyện này nữa. Các cụ chẳng báo "cưới vợ liền tay" đấy thôi. Anh triển luôn vụ thách cưới đi, em sẽ liên hệ với đội bê tráp ngay bây giờ".
Ông Táo bần thần: "Nhưng nhà tôi đâu dư giả gì, chú tưởng xùy hơn trăm triệu ngay bây giờ mà dễ à?".
Tàu ra vẻ "đi guốc trong bụng anh trai": "Gớm, em còn lạ gì, tiền bố mẹ để lại cho anh vẫn còn nguyên, em biết lâu nay anh giấu kỹ lắm, chưa bao giờ đụng đến. Nhân dịp này, anh "bung lụa" đi cho bên nhà gái biết tay, họ sẽ không bao giờ dám coi thường nhà mình nữa".
Lời Tàu nói không hẳn vô lý, ông Táo quay sang vợ, hỏi: "Bà cho ý kiến đi chứ! Nãy giờ tôi thấy bà cứ ngồi im như thóc". Bà Táo thở dài: "Ông quyết thế nào tôi cũng theo".
Thấy tình hình có vẻ xuôi xuôi, Tàu cười khoái chí, vỗ vai Thắng: "Thôi thế là yên tâm nhá, từ nay cháu giai chú đã có vợ rồi, hai đứa phải bảo ban nhau sống cho tốt, hiếu thuận để không phụ lòng bố mẹ cháu nhá". Thắng cười như mếu: "Dạ vâng! Cháu cảm ơn chú".
Lễ ăn hỏi diễn ra trong sự hoan hỉ không lời nào tả xiết của họ hàng hai bên. Đúng giờ hoàng đạo, ông Táo chỉ đạo đội bê tráp: "Các cậu nhớ đúng thứ tự của mình để di chuyển nhé. Chú Tàu, đội trưởng đội bê tráp, người giữ phong bì quan trọng sẽ đi đầu, sau đó đến cậu bê trầu, tiếp theo là cậu bê bánh trái...".
Thấy anh trai nhắc nhở không cần thiết, Tàu xua tay: "Anh không phải nói nữa, đội này chuyên nghiệp lắm".
Đoàn nhà trai đi được khoảng nửa đường thì nhận được cuộc gọi của bên nhà gái: "Sao bên nhà ông lâu thế, đường làng mà cũng bị tắc à?".
Ông Táo điềm tĩnh trả lời: "Bên ấy cứ yên tâm nhá, chúng tôi sắp đến nơi rồi" - vừa nói ông Táo vừa ngoảnh lại kiểm tra đoàn bê tráp thì tuyệt nhiên không thấy bóng dáng ai phía sau. Ông kêu thất thanh: "Ơ hay! Đoàn bê tráp đâu rồi? Mọi người bị "đứt đuôi" lúc nào mà không biết à? Thắng! Mày có biết chú Tàu mày đang ở đâu không?".