Nhà thơ Lương Đình Khoa - tìm về tĩnh lặng

GD&TĐ - Trong một lần về chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam) tác nghiệp, tôi tình cờ gặp Lương Đình Khoa. Ấn tượng đầu tiên về Khoa không nhiều nhưng càng trò chuyện, tôi càng khám phá ở anh nhiều điều thú vị. Không chỉ là một tài năng văn chương thiên bẩm, ở Khoa còn ẩn chứa một tâm hồn trong sáng, tràn đầy yêu thương, nhiệt tâm với cộng đồng.

Nhà thơ Lương Đình Khoa
Nhà thơ Lương Đình Khoa

Hành trình văn chương

Sinh năm 1985, Lương Đình Khoa từng được biết đến với vai trò Bút trưởng của Bút nhóm Hương Nhãn (Hưng Yên) trên Báo Thiếu niên Tiền phong, khi còn là cậu học sinh Trường THPT chuyên Hưng Yên. Với bài đăng dày đặc trên các mặt báo, bài phát trên sóng phát thanh dành cho thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam từ những năm 2000 - 2003, cái tên Lương Đình Khoa đã để lại dấu ấn trong lòng nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X và cả hiện nay.

Năm 2004, tập thơ đầu tay mang tên Khuôn mặt tình yêu của Khoa được xuất bản, khi anh đang là sinh viên năm thứ nhất Học viện Báo chí – Tuyên truyền Hà Nội; đồng thời với nhiều truyện ngắn, tản văn, thơ được đăng tải trên các báo, tạp chí, Lương Đình Khoa trở thành một học viên trẻ nhất tham gia Lớp Bồi dưỡng sáng tác của Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khóa 1, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2007.

Hai năm sau, tập truyện ngắn đầu tay mang tên Gió mùa thổi mãi của anh ra mắt độc giả và truyện ngắn mang chủ đề Gió mùa thổi mãi đã được Đài Phát thanh Thành phố Hồ Chí Minh chọn chuyển thể thành kịch truyền thanh cho loạt chương trình về những tâm hồn cao cả.

Các tác phẩm đã xuất bản của Lương Đình Khoa
Các tác phẩm đã xuất bản của Lương Đình Khoa 

Để nối dài con đường sáng tác văn chương của mình, trong hai năm (2014 và 2016), các tập sách: Ai rồi cũng phải học cách cố quên đi một người, Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc Về nhà đi của anh cũng lần lượt trình làng và được đông đảo độc giả trẻ đón nhận.

Tự cho mình là người nặng tình, là “hạt phù sa đi lạc” giữa chốn thị thành nên dù bất kỳ ở thể loại nào, nội dung nào, trong mỗi trang viết của anh, người đọc cũng dễ dàng bắt gặp một nhân vật trữ tình, đó là “tôi”, là “người trẻ”, là “gã trai”… mang tâm hồn lãng mạn, đang hát những bài ca yêu thương giữa muôn nẻo đường đời.

Ở mỗi tác phẩm, nhân vật trữ tình ấy lại dẫn dắt độc giả đi qua những cung bậc cảm xúc khác nhau. Nếu như ở tập sách Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc, Lương Đình Khoa mượn hình ảnh con tàu để chia sẻ những cảm xúc của mình với những người sắp đi qua tuổi 30 nhìn lại biết mình đang có gì, cần giữ những gì thì Về nhà đi lại là một tập thơ và tản văn Lương Đình Khoa phác họa chân dung của mỗi con người trên hành trình “tôi đi tìm tôi” giữa bộn bề Vui – Buồn – Được – Mất của cuộc đời từ năm tháng sôi nổi cùng tình yêu đôi lứa, đến khi những đứa trẻ chào đời, rồi đến lúc làm cha làm mẹ.

Tìm về tĩnh lặng

Không chỉ được biết đến là một tài năng văn chương, một quản trị mạng phụ trách trang blog, các hoạt động cộng đồng, từ các chương trình từ thiện dành cho trẻ em tại Trung tâm khuyết tật Sao Mai, Mái ấm Thánh Tâm, Trại phong Sóc Sơn, Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật Thụy An (Hà Nội), cho đến chiến dịch tình nguyện mang tên “Tấm áo nhỏ nhắc ta biết yêu thương” tại địa bàn vùng cao xã Chiềng Công (Yên Châu, Sơn La), Lương Đình Khoa còn được biết đến với vai trò ông chủ của Nghiêm Hoa Trà, khi anh có duyên đến với văn hóa trà.

Tháng 5/2012, cùng hai người bạn thân, anh tạm gác lại chuyện sáng tác, chính thức chuyển sang kinh doanh - một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ và lạ lẫm. Khoa bảo, anh nhận quán trà cũng vì ngẫu hứng nhất thời, say mê không gian thư pháp và trà đạo bình yên này, muốn chia sẻ rộng rãi hơn đến nhiều người, chứ hoàn toàn không hề tính toán lỗ lãi như một người làm kinh doanh thực thụ.

Anh chỉ biết làm quán với sự nhiệt tình, làm với mọi khả năng mình có, từ pha trà, quay video, chụp hình, dẫn chương trình, cho các đêm nhạc, đôi khi làm ca sĩ bất đắc dĩ trong chính đêm nhạc đó, rồi kiêm kế toán, nhân sự… Dù vất vả, nhưng những năm tháng đó giúp Khoa trưởng thành hơn, tự tin trong giao tiếp và thường xuyên có cơ hội tiếp xúc, lắng nghe tâm tư của những bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên các trường đại học khi tìm đến với quán.

Rồi Nghiêm Hoa Trà của anh cũng dần được biết đến như một điểm hẹn lý tưởng cho những người thích giao lưu văn nghệ, với 5 đêm nhạc và một tối chiếu phim hằng tuần. Những đêm nhạc hòa tấu sáo, violon, nhị, saxophone và những đêm guitar hát nhạc trữ tình dường như đã tạo được một màu sắc riêng cho Nghiêm Hoa Trà và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhiều người. Giới trẻ Hà Nội gọi đó là “Góc nhỏ bình yên trong lòng Hà Nội”.

Họ đến không phải chỉ để uống trà, nghe nhạc, mà còn để lắng mình lại sau những ồn ào phố thị, tĩnh tâm, thư thái với những góc ban công rợp cây xanh, viết vào quyển Nhật ký Nghiêm Hoa Trà những dòng vui – buồn về cuộc sống, và nếu có duyên gặp anh chủ quán thì cùng ngồi lại đàm đạo đôi phút về những trải nghiệm và cách để tự tìm thấy bình yên, sự an vui giữa cuộc đời.

Nhưng cuộc sống luôn có lựa chọn được - mất. Dành quá nhiều thời gian để chăm lo cho quán, anh không có thời gian cho những chuyến đi để trải nghiệm, sáng tác. Tháng 12/2013, anh quyết định nhượng lại Nghiêm Hoa Trà để tiếp tục những hành trình, dự định mới của mình trong sự nuối tiếc của nhiều người.

Lương Đình Khoa trong một chương trình từ thiện tại Mái ấm Thánh Tâm (Hà Nội)

Lương Đình Khoa trong một chương trình từ thiện tại Mái ấm Thánh Tâm (Hà Nội)

Thắp lửa yêu thương

Từ năm 2014 đến nay là hành trình mới đánh dấu sự “dấn thân”, kết nối, chia sẻ với cộng đồng rõ rệt của Lương Đình Khoa, khi anh chọn công việc là cán bộ truyền thông trong lĩnh vực giáo dục, truyền cảm hứng cho hàng nghìn học sinh và các bậc phụ huynh mỗi năm, đồng thời tích cực hỗ trợ các khóa tu mùa hè tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam).

Bất kỳ học sinh, sinh viên hay những người trưởng thành, các cô bác lớn tuổi có duyên gặp gỡ với Lương Đình Khoa đều cảm nhận được năng lượng, thông điệp ý vị về giá trị sống thiện lành, tích cực từ anh.

Khoa cho rằng: “Bình thường trong cuộc sống này, con người ta khó cho nhau tiền bạc. Nhưng cái có thể cho nhau là thời gian, sự động viên, sẻ chia, khích lệ, hướng nhau đến những suy nghĩ tích cực. Và điều ấy đôi khi còn cần hơn tiền bạc gấp nhiều lần. Một sự động viên kịp thời, một sự truyền cảm hứng đúng lúc, một lời khơi mở, gõ cửa phù hợp… có thể mở ra cả một chọn lựa, hướng đi cho hành trình tương lai tốt đẹp của một con người đang cô đơn, chơi vơi, hoang mang hay tuyệt vọng”.

Khi được hỏi về chặng đường tiếp theo của mình, Khoa nói: “Nếu như những sáng tác trước năm 2017 là những xúc cảm, băn khoăn của người trẻ khám phá bản thân và đi tìm sự đồng điệu thì từ năm 2017 trở lại đây, tôi muốn viết và đang viết những gì mang hơi hướng, thi vị liên quan đến Phật giáo.

Viết không chỉ để giãi bày, mà tôi muốn hướng người đọc đến những suy nghĩ tích cực; đó là sự tỉnh thức theo quan niệm nhà Phật, chỉ cho họ cách đối diện và mỉm cười với những khổ đau. Qua đó cũng để nhắc mọi người thông điệp: Mỗi ngày ta nên tìm ra một niềm vui, một niềm hạnh phúc nào đó mình cảm nhận được để thầm cảm ơn cuộc đời, để thấy rằng cuộc đời chưa bao giờ phụ bạc với ta, thay vì xới lên những khiếm khuyết, những nỗi đau thẳm sâu trong lòng rồi tự mình chìm đắm”.

Lại một hành trình mới phía trước đang mở ra với hạt phù sa lạc, với bước chân phiêu du của chàng trai Lương Đình Khoa. Cười và thở từng nhịp yêu thương, truyền cảm hứng và thắp lửa cho những ai có duyên gặp gỡ, chính là quan điểm sống và thông điệp mà Lương Đình Khoa muốn gửi gắm giữa cuộc đời này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.