Nhà thơ Đoàn Thạch Hãn qua đời: Vĩnh biệt người "giang hồ" của nghề viết

Lúc 2h hôm qua 3/9, nhà thơ - nhà báo Đoàn Thạch Hãn đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM). 

Nhà thơ Đoàn Thạch Hãn qua đời: Vĩnh biệt người "giang hồ" của nghề viết
Ngoài vài người cháu và bạn bè văn nghệ, ông không có người ruột thịt nào kề bên những giờ phút cuối cùng.

Trước năm 1975, ông viết cho các báo: Đời, Sóng thần, Tiểu thuyết thứ Năm, Văn học, Trình bày, Tiểu thuyết thứ Bảy, Tuổi ngọc, Tiền phong, Văn nghệ Tiền phong… 

Sau năm 1975, ông tiếp tục nghề viết với các báo: Kiến thức Ngày nay, Văn nghệ TPHCM, Áo trắng, Thanh niên, Người lao động… 

Nhà thơ - nhà báo Đoàn Thạch Hãn đã xuất bản các cuốn sách: Mùa hoa phượng (thơ 1971), Ngày dài trên quê hương (ký 1972), Lòng ta lá rụng ven đường (thơ 1974), Ảo vọng (truyện ký 1989)… 

Ông là một trong những người chứng kiến trận đánh Xuân Lộc khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn vào tháng 4/1975.

Nhà thơ Đoàn Thạch Hãn qua đời: Vĩnh biệt người "giang hồ" của nghề viết ảnh 1
Nhà thơ - nhà báo Đoàn Thạch Hãn

Đoàn Thạch Hãn sinh năm 1949 tại huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Khi mới 13 tuổi (năm 1962), ông lưu lạc vào Sài Gòn đúng nghĩa “giang hồ”, đến với nghề viết khi mới 16 tuổi (1965) và sống bằng nghề viết cho đến những ngày cuối đời.

Tên thật của Đoàn Thạch Hãn là Đoàn Kế Tường, trước 1975 ông dùng tên thật ký dưới các tác phẩm cùng một số bút danh khác. Tuy nhiên, sau 1975 ông chính thức đổi bút danh thành Đoàn Thạch Hãn. 

Lý do đổi bút danh là vì, Đoàn Kế Tường cùng tên nhưng khác họ với nhà văn - nhà báo Từ Kế Tường, khi cả hai người đều công tác tại báo Công an TPHCM.

Nghề viết của Đoàn Thạch Hãn có một thời gian gián đoạn và thăng trầm. Sau năm 1975, ông có thời gian khá dài đi “học tập cải tạo”. Khi học tập cải tạo xong, nhà báo Huỳnh Bá Thành (tức họa sĩ biếm Ớt) lúc đó làm Tổng biên tập báo Công an TPHCM bảo lãnh ông về làm phóng viên báo này. 

Nhà văn Từ Kế Tường cho biết: “Chỉ có anh Huỳnh Bá Thành mới dám nhận và bảo lãnh Đoàn Thạch Hãn vào làm phóng viên trang Văn hóa Văn nghệ báo Công an TPHCM, vì chính anh Huỳnh Bá Thành là người hiểu rất rõ anh Đoàn Thạch Hãn và được sự chấp nhận của cấp trên”.

Cũng như thời niên thiếu đến với nghề chữ khi “giang hồ” từ Quảng Trị vào Sài Gòn, hàng chục năm ròng trước khi qua đời, Đoàn Thạch Hãn sống chỉ bằng nhuận bút và ở nhờ nhà bà con, bạn bè. 

Những ngày cuối đời, ông bị bệnh tiểu đường làm hoại tử hai chân. Vợ con ông đều ở Mỹ, nhưng có lẽ số phận của ông gắn với hai chữ “giang hồ” nên đến khi qua đời chỉ có bạn bè và vài người cháu.

Lẽ ra hôm qua, linh cửu nhà thơ - nhà báo đã được đưa về Quảng Trị an táng. Song, bạn bè văn nghệ, đồng nghiệp báo chí muốn “bái biệt” ông lần cuối, nên từ 17 giờ hôm qua, linh cữu nhà thơ - nhà báo Đoàn Thạch Hãn được quàn tại chùa Xá Lợi (Quận 3, TPHCM) để mọi người đến viếng. 14 giờ hôm nay (4/9), linh cữu ông sẽ được đưa về quê nhà Quảng Trị.

Theo thethaovanhoa.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ