Đến với bài thơ hay: Thơ vui tặng mẹ vợ

GD&TĐ - Trong thi ca Việt Nam có nhiều bài thơ hay viết về mẹ chồng, đặc biệt là của các nữ thi sĩ như Xuân Quỳnh, nhưng viết về mẹ vợ thì hiếm - nhà thơ Trần Đăng Khoa đã chọn cái tứ "Thơ vui tặng mẹ vợ". 

Đến với bài thơ hay: Thơ vui tặng mẹ vợ

Mẹ từng lặn lội suốt đời
Trên những cánh đồng hoang dại
Tìm ánh trăng non ngàn xưa
Tỏa mát màu da con gái

Mẹ vượt qua bao đỉnh núi
Trập trùng rừng mộng suối mơ
Chọn những sắc hoa đẹp nhất
Làm nên làn môi thơm tho

Rồi mẹ ngược miền thiếu nữ
Lọc từng nét đẹp, vẻ xinh
Kiếm nỗi dịu dàng muôn thuở
Chuốt nên vóc dáng con mình

Mẹ trao thiên thần của mẹ
Cho một chàng trai nghèo nàn
Thế là con thành ông chủ
Bỗng nhiên giàu nhất thế gian... 

 Trần Đăng Khoa

Nhà thơ thật có lý khi dùng hình thức "đòn bẩy": Viết về vẻ đẹp của vợ chính là viết về vẻ đẹp của mẹ - Người đã từng vượt qua bao vất vả đời thường để chắt lọc ra vẻ đẹp tinh tuý cho đứa con gái từ hình hài máu thịt của mình: “Mẹ lặn lội suốt đời” rồi "Mẹ vượt qua bao đỉnh núi" và "Rồi mẹ ngược miền thiếu nữ" để: "Chuốt nên vóc dáng con mình".

Vóc dáng của người con gái hiện lên thật lung linh và hoàn hảo từ sự tạo hoá huyền bí của thiên nhiên, của ánh trăng, của sắc hoa. Vẻ đẹp vĩnh cửu và rất gần gũi thân thương từ "Tìm ánh trăng non ngày xưa"; "Chọn những sắc hoa đẹp nhất" để “Lọc từng nét đẹp, vẻ xinh". Nhà thơ rất có ý thức khi nâng cấp độ sự chăm chút, thanh lọc này từ "Tìm" đến "Chọn" và kết tinh thành "Lọc".

Tất cả hình hài, dáng vóc bên ngoài đó như ánh trăng đến vẻ đẹp tâm hồn như hương hoa của "Công, Dung, Ngôn, Hạnh" thành một tuyệt tác "Thiên thần" để trao tặng chứ không phải là ban tặng cho một chàng trai nghèo nàn như một huyền thoại cổ tích có hậu trong kho tàng truyện cổ. Tôi tin chàng trai này có thể nghèo nàn về vật chất nhưng tâm hồn và trí tuệ không thể nghèo được vì chàng đã nhận ra được vẻ đẹp bí ẩn của cô gái "Thiên thần của mẹ".

Trái tim đã mách bảo như thế. Tình yêu là sự hoà hợp của hai trái tim chứ không phải là sự sát nhập của hai gia tài của cải. Hai câu thơ cuối thật bất ngờ, dí dỏm làm nổi rõ cái ý tưởng "Thơ vui tặng mẹ vợ" của nhà thơ: "Thế là con thành ông chủ - Bỗng nhiên giàu nhất thế gian...".

Tứ thơ bỗng sinh động hẳn lên, tươi mới vừa hàm chứa sự biết ơn, trân trọng vừa khái quát một tâm thế làm người của dân tộc Việt: Coi trọng cái phẩm hạnh, đạo đức của con người. Với thể thơ tự sự sáu chữ, lối viết tung tẩy như chơi mà ngẫm lại thật sâu sắc, Trần Đăng Khoa vốn là người hóm hỉnh, thông minh trong cuộc sống thường ngày nhưng lại hàm chứa một hàm lượng trí tuệ đằng sau trang viết phập phồng tươi ròng chất liệu cuộc sống đời thường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ