Với Vũ Thảo Giang, áo dài chính là “linh hồn” của dân tộc Việt, bởi thế việc thiết kế trang phục này mang đến cho chị niềm tự hào, sự biết ơn và lòng trân trọng.
Vượt qua sự ngăn cản
So với người cùng ngành, Thảo Giang có xuất phát điểm thấp hơn khi sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Nguyên Bình (Cao Bằng) và cô gái dân tộc Tày này không được đào tạo bài bản về thời trang. Thế nhưng, bằng quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, chị đã khẳng định được vị trí, tên tuổi của mình trong giới.
Thành tích mà Giang có được hôm nay đã làm bố mẹ, người thân tin rằng, sự lựa chọn đó là đúng đắn. Bởi, khi bắt đầu đến với thiết kế thời trang, bố mẹ chị đã hết sức ngăn cản vì cho rằng, đây là nghề “lông bông, không ổn định, không có tương lai”.
Nhớ về thời điểm đó, Giang cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học, bố mẹ muốn chị trở về quê nhà làm việc trong một cơ quan Nhà nước với đúng chuyên ngành được học.
Bố mẹ chị nghĩ, con gái chỉ cần công việc ổn định, gần bố mẹ là được. Thế nhưng, chị lại cho rằng, nếu như vậy thì cuộc đời của mình sẽ thật tẻ nhạt.
Nhà thiết kế Vũ Thảo Giang duyên dáng trong tà áo dài. Ảnh: NVCC. |
"Ngày bé, tôi thích chơi búp bê. Với một tỉnh miền núi xa xôi như Cao Bằng thì hầu như mọi người chưa hề có khái niệm về nhà thiết kế thời trang. Vì lẽ đó, bố mẹ tôi đã kịch liệt phản đối. Thấy con không nghe lời, ông bà đã giận không liên lạc với tôi trong suốt thời gian dài.
Nhưng rồi chính sự trưởng thành của con gái sau mỗi sự kiện là lời thuyết phục đanh thép nhất của tôi về sự lựa chọn của mình. Giờ đây, cứ mỗi lần con gái ra bộ sưu tập mới, mẹ tôi lại thầm theo dõi trên trang Facebook của tôi, đọc rồi trả lời hết các comment đó với niềm tự hào, hãnh diện”, chị chia sẻ.
Thực ra việc Vũ Thảo Giang theo thiết kế thời trang là cái duyên khó cưỡng. Bởi, khi đang ngồi trên ghế giảng đường đại học, chị đã là cộng tác viên các sự kiện quan trọng và thường có cơ hội được mặc, gặp gỡ, tiếp xúc với những các bà, các chị mặc áo dài thướt tha.
Chị đã vô cùng thích thú với hình ảnh bà Nguyễn Thị Kim Ngân mặc bộ áo dài tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội trước đồng bào, cử tri cả nước. Rồi nhiều nữ chính khách của Việt Nam mặc áo dài trong các sự kiện quan trọng đã tôn lên vẻ đẹp về trí tuệ, tâm hồn, cốt cách của người Việt Nam và ngầm dẫn dắt cô gái sinh năm 1994 mê mẩn với con đường thiết kế thời trang.
Gặp ngoài đời mới thấy nhà thiết kế Vũ Thảo Giang thật trẻ trung, nhí nhảnh và có phần tinh nghịch. Thế nên, nhiều người tỏ ra bất ngờ khi biết chị sở hữu thành tích “khủng” trong lĩnh vực thiết kế thời trang, như: Vinh danh Top 10 công dân trẻ tiêu biểu của tỉnh Cao Bằng năm 2020, một trong những tác giả vinh dự nhận giải thiết kế sản phẩm du lịch tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Nhóm Liên kết phát triển Du lịch giữa TPHCM và 8 tỉnh Đông Bắc…
Để có những thành tích này, chị đã được “tầm sư học đạo” từ nhà thiết kế thời trang Đỗ Trịnh Hoài Nam.
Khi chia sẻ về học trò của mình, nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam bày tỏ niềm tự hào: “Mới ngày nào còn là một trong những học viên chập chững bước vào lớp học thiết kế áo dài, mà nay Vũ Thảo Giang đã trở thành nhà thiết kế tài giỏi, thành công, định hình được chỗ đứng cho thương hiệu của mình. Tôi nhận thấy ở Giang sự đam mê, nỗ lực, luôn tìm tòi, sáng tạo. Đó là cơ sở để tôi tin Giang còn tiến xa hơn trong lĩnh vực này”.
Nhà thiết kế Vũ Thảo Giang (trái) nhận giải thưởng thiết kế sản phẩm du lịch năm 2022. Ảnh: NVCC. |
Những bộ sưu tập đáng nhớ
Điều trăn trở nhất của Vũ Thảo Giang khi đã là nhà thiết kế thời trang là phải trở về làm điều gì đó cho quê hương.
Thực tế trong những năm qua, các bộ sưu tập của chị về đất Cao Bằng đã được tỉnh nhà ghi nhận: Giải Nhất cho bộ sưu tập “Khăn choàng lụa Non nước cao Bằng” tại cuộc thi “Ảnh đẹp về Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và Du lịch Cao Bằng lần thứ II năm 2018”; giải Khuyến khích cho bộ sưu tập “Áo dài thổ cẩm Cao Bằng” tại Cuộc thi sáng tạo ý tưởng sản phẩm du lịch tỉnh Cao Bằng 2019”.
Bộ sưu tập “Khăn choàng lụa Non nước Cao Bằng” được chị lấy cảm hứng từ hình ảnh đẹp về quê hương thông qua danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, phong cảnh hữu tình. Chúng được làm bằng chất liệu chính là tơ lụa, kết hợp với các kỹ thuật hiện đại nhất để có thể đưa các hình ảnh, màu sắc sống động và chân thực nhất, thể hiện được trọn vẹn vẻ đẹp của quê hương Cao Bằng.
Vào đầu năm nay, Vũ Thảo Giang cho ra mắt bộ sưu tập đồ sộ “Việt Nam gấm hoa” trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua bộ sưu tập “Việt Nam gấm hoa”, chị mong muốn tôn vinh vẻ đẹp non sông ngàn năm gấm vóc, sự đa dạng di sản văn hóa và du lịch.
Chị đã khéo léo khắc họa lên tà áo bằng những kỹ thuật in thêu hai mặt độc đáo hình ảnh Công viên Đá Đồng Văn, Công viên địa chất non nước Cao Bằng, Vịnh Hạ Long, Quần thể danh thắng Tràng An; Mộc Bản chùa Vĩnh Nghiêm, Quần thể di tích cố Đô Huế, Hội An - Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, Công viên Địa chất Đắk Nông, Cầu rồng Đà Nẵng, Đảo Ngọc Phú Quốc, Cầu kiều - Chợ Nổi Cần Thơ và TPHCM (UBND dân thành phố, bưu điện, nhà hát)…
Bên cạnh đó là hình ảnh của Hà Nội với hồ Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long, Khuê Văn Các, chùa Trấn Quốc… uy nghi, cổ kính cũng được vẽ tay tinh tế trên tà áo dài do chị thiết kế.
“Điều đặc biệt trong bộ sưu tập “Khăn choàng lụa Non nước Cao Bằng” chính là với mẫu mã đa dạng, chất liệu lụa cao cấp có thể đưa vào sản xuất với số lượng lớn, giá thành hợp lý, phù hợp với tất cả các địa danh trên địa bàn tỉnh chứ không phải chỉ để trưng bày.
Khi đó, vừa có thể sử dụng chúng làm quà tặng vừa sử dụng hàng ngày trong cuộc sống. Ngoài những hình ảnh địa danh theo dọc chiều dài đất nước, trong bộ sưu tập “Việt Nam gấm hoa” còn là sự kết hợp khéo léo giữa sắc hoa tươi tắn cùng họa tiết vẽ phối với tông màu ngọt ngào, trẻ trung. Bộ sưu tập được thiết kế dựa trên các chất liệu vải lụa nhung phá cách bởi sự pha phối cùng nhiều chất liệu vải đa dạng của Việt Nam”, nhà thiết kế Vũ Thảo Giang cho biết.
Trong những ngày mùa Thu này, nhà thiết kế Vũ Thảo Giang đã cùng các nhà thiết kế nổi tiếng khác mang đến Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội nhiều bộ sưu tập ấn tượng. Cụ thể, chị mang đến bộ sưu tập “Minh châu Hà thành” đưa khán giả ngược dòng thời gian trở về những năm 1950 đến cuối thế kỷ XX, để tìm lại vẻ đẹp của thiếu nữ Hà thành xưa.
Bộ sưu tập được lấy cảm hứng từ những mẫu áo dài do họa sĩ Lê Phổ cải tiến, kết hợp với áo tứ thân thành kiểu áo dài mới. Kiểu áo này được thu gọn kích thước để ôm sát thân hình người phụ nữ Việt Nam, đẩy cầu vai lên cao, kéo dài tà áo chạm đất, đem đến phong cách mới mẻ.
Bộ sưu tập gây ấn tượng khi sử dụng nhiều chất liệu cao cấp như lụa nhung, lụa satin, lụa tơ óng... cùng kỹ thuật vẽ tay, thêu đính truyền thống do các nghệ nhân làng nghề Mỹ Đức, Thường Tín thực hiện. Họa tiết trên tà áo là những hình ảnh quen thuộc của Thăng Long Hà thành cùng với các bức tranh Hàng Trống quý hiếm tôn vinh dáng của phụ nữ Tràng An.
Các mẫu áo dài của nhà thiết kế Vũ Thảo Giang tham gia Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023. Ảnh: NVCC. |
Không có người phụ nữ mặc áo dài xấu
Nhà thiết kế Vũ Thảo Giang từng mang áo dài của mình đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước và một số nước trên thế giới. Điều mà chị xúc động, hãnh diện nhất là khi người nước ngoài nhìn thấy người phụ nữ nào mặc áo dài đều đoán ra đó là Việt Nam.
Điều đó chứng tỏ áo dài đã định vị trong tâm trí của nhiều người ngoại quốc. “Sau mỗi chuyến đi giới thiệu các mẫu đến nhiều vùng miền và nước ngoài, tôi càng thêm tự hào về những bộ áo dài truyền thống của Việt Nam.
Điều đó cũng tạo cho tôi không ít áp lực khi phải sáng tạo thế nào để tạo ra mẫu đẹp, bắt mắt, mang được hồn cốt, tinh thần của con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Chúng tôi hiểu, áo dài chính là văn hóa và việc đem ra nước ngoài trình diễn chính là đem văn hóa của Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế”, chị nói.
Nhà thiết kế Vũ Thảo Giang cũng vui mừng cho biết, càng ngày càng nhiều bạn trẻ tham gia vào công việc thiết kế áo dài. Trước những ý kiến cho rằng, áo dài chỉ dành cho công sở, chị khẳng định, không có người phụ nữ nào mặc áo dài xấu cả.
“Vấn đề là chúng ta chưa quen mặc, cảm thấy ngại ngùng, vướng víu nhưng rồi sẽ quen. Tôi nghĩ, áo dài cần có một vị trí xứng đáng trong cuộc sống hiện đại. Thực tế hiện nay, hầu như các nghệ sĩ đàn dân tộc (cả nam và nữ) khi biểu diễn đều mặc áo dài. Trong những sự kiện quan trọng, các chính khách, doanh nhân, cán bộ công sở… hầu như đều mặc áo dài.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội còn phát động tuần lễ áo dài trong dịp 8/3. Tất cả những điều đó sẽ là cơ hội để các nhà thiết kế áo dài như chúng tôi được thể hiện tài năng, trí tuệ của mình góp phần đưa văn hóa áo dài Việt lên một tầm cao mới”, chị bày tỏ.