Nhà nước và xã hội rất quan tâm đến giáo dục đại học

Nhà nước và xã hội rất quan tâm đến giáo dục đại học

GDĐH phục vụ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội

Theo Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong hơn 10 năm qua, hệ thống GDĐH đã phát triển rộng khắp cả nước với sự đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo, với số sinh viên, số ngành đào tạo, số trường không ngừng tăng, cung cấp nguồn lao động có trình độ CĐ, ĐH, sau đại học (SĐH) phục vụ tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Nhà nước và xã hội rất quan tâm đến giáo dục đại học ảnh 1
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thực hiện chính sách pháp luật và đảm bảo chất lượng đội ngũ giảng viên cần phải được quan tâm đúng mức, bởi giảng viên là lực lượng quyết định chất lượng GDĐH.

Bằng nhiều phương thức khác nhau, từ 1998 đến 2009, đã có 304 trường ĐH, CĐ được thành lập, trong đó có 230 trường được nâng cấp từ bậc học thấp hơn (từ trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) lên trường CĐ, từ trường CĐ lên trường ĐH); 9 trường ĐH được nâng cấp từ khoa trực thuộc ĐHQG, ĐH vùng; 7 trường ĐH được thành lập theo phương thức sáp nhập, chia tách và có 58 trường ĐH, CĐ được thành lập mới hoàn toàn. Nhờ đó, 35/63 tỉnh, thành phố có thêm trường ĐH, CĐ mới.

Ông Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ: "Trong suốt mấy chục năm qua, chính đội ngũ cán bộ các trường ĐH, CĐ đã đào tạo ra đã đưa đất nước đổi mới, đưa đất nước ra khỏi giai đoạn khủng hoảng, thoát khỏi danh sách các nước nghèo. Điều đó cũng chứng tỏ đào tạo nhân lực của chúng ta cũng đã đạt được những kết quả. Tuy nhiên, điều ở đây là chúng ta không thể bằng lòng với mình. Thấy mình tốt hơn trước mà hài lòng. So với yêu cầu hiện đại hóa của đất nước hiện nay thì vẫn còn chưa thực sự hài lòng”.

Kết quả cho đến nay, đã có 62/63 tỉnh, thành có ít nhất 1 trường ĐH hoặc CĐ (chiếm 98%), trong đó 40 tỉnh, thành có trường ĐH (63%) và 60 tỉnh, thành có trường CĐ (95%). Tính đến tháng 9/2009, cả nước có 412 trường ĐH, CĐ, trong đó có 78 trường ngoài công lập (48 trường ĐH, gồm cả Trường ĐH RMIT Việt Nam, Trường ĐH Anh Quốc và 30 trường CĐ). Tổng quy mô đào tạo ĐH, CĐ năm học 2008 - 2009 là 1.719.499 sinh viên, tăng 13 lần so với năm 1987; tỷ lệ sinh viên/số dân năm 1997 là 80 sinh viên/1vạn dân thì đến năm 2009 là 195 sinh viên/1 vạn dân, và năm 2010 có thể đạt 200 sinh viên/1 vạn dân.

Đại biểu Quốc hội Phạm Mạnh Hùng (Đoàn Thái Nguyên) cho rằng: “Nếu xuất phát từ cái nhìn tỉnh táo khách quan, chia sẻ thì sẽ thấy được những thành tựu đóng góp của giáo dục đại học. Nhưng nếu xuất phát từ cái nhìn chưa thật khách quan, đầy đủ thì có thể sẽ chỉ ra chỉ thấy bức tranh màu xám, không toàn diện về giáo dục đại học Việt Nam, như vậy thì thật đáng tiếc!”.

Đại biểu Phạm Mạnh Hùng cũng đặt câu hỏi: “Nguồn lực con người chủ yếu tạo nên sự phát triển vượt bậc của đất nước là từ đâu, nếu không từ giáo dục đào tạo của chính chúng ta, trong đó có GDĐH cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao cho đất nước?”.

Cần quan tâm hơn tới chính sách cho giảng viên ĐH, CĐ

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thực hiện chính sách pháp luật và đảm bảo chất lượng đội ngũ giảng viên cần phải được quan tâm đúng mức, bởi giảng viên là lực lượng quyết định chất lượng GDĐH, để đảm bảo chất lượng GDĐH trước hết phải có được đội ngũ giảng viên có chất lượng dẫn đến đầu tư cho GDĐH người ta thường nghĩ tới cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà xưởng, phòng thí nghiệm... bên cạnh đó cũng rất cần đầu tư cho điều kiện làm việc, học tập và đời sống của đội ngũ giảng viên…

“Với đồng lương ít ỏi (hiện nay, lương của giảng viên đại học khởi điểm trung bình trên dưới 2 triệu/tháng), với mức lương đó họ không đủ sống, huống chi đầu tư cho học nâng cao trình độ. Trong khi đó giảng viên nước ngoài có thể hàng chục hoặc vài chục ngàn đôla… Đầu tư cho sinh viên, đầu tư cho nghiên cứu khoa học cũng vậy... Trong những điều kiện như vậy mà chúng ta lại đặt vấn đề đòi hỏi phải có trường đại học trong tốp 200 thì quả là rất khó...” -  Đại biểu Quốc hội Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Hiện nay, lương của giảng viên đại học khởi điểm trung bình trên dưới 2 triệu/tháng (ảnh minh họa).
Hiện nay, lương của giảng viên đại học khởi điểm trung bình trên dưới 2 triệu/tháng (ảnh minh họa).

Ngoài chương trình đào tạo ĐH chính quy, hiện nay, nhiều các trường ĐH đều được phép đào tạo chương trình đào tạo ĐH không chính quy. Một số trường được phép đào tạo theo hệ giáo dục từ xa. Tuy nhiên, chất lượng hệ đào tạo của những hệ này vẫn còn những bất cập, gây ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục ĐH, CĐ.

Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Doãn Thanh (đoàn Hà Nội) nhận xét, theo báo cáo giám sát năm học vừa rồi cả nước có khoảng 900.000 sinh viên không chính quy, chiếm 50% số sinh viên ĐH, CĐ, thậm chí có trường số sinh viên chính quy lên đến 65%. Để đảm bảo chỉ tiêu nhiều trường đã hạ thấp điểm chuẩn đầu vào, những con số trên thực sự đáng báo động về chất lượng GDĐH ở nước ta hiện nay, chất lượng học tại chức, học liên kết liên thông chưa được kiểm soát, chương trình giáo dục đại học khung được ban hành cách đây 10 năm, nhưng chưa được nghiên cứu sửa đổi, chưa gắn giữa nhà trường với các cơ sở sản xuất, giữa đào tạo và nhu cầu đưa đến thực tiễn và khả năng ứng dụng của sinh viên sau tốt nghiệp chưa tốt.

Đóng góp ý kiến đối với chương trình đào tạo ĐH không chính quy, đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (đoàn Ninh Thuận) nêu ý kiến: Bộ Giáo dục-Đào tạo nên hạn chế thấp nhất cho phép các trường ĐH mở hệ đào tạo không chính quy. Nếu cho những trường nào mở thì phải có giám sát về chất lượng giảng dạy của ngũ giáo viên, tình hình sinh viên theo học như thế nào, tránh tình trạng tuyển sinh ồ ạt mà không đảm bảo chất lượng.

Cần đổi mới về cơ chế quản lý và tài chính

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Phương Thảo (đoàn TP. Hồ Chí Minh), Khó khăn rất lớn về cơ chế quản lý và cơ chế tài chính. Chúng ta nói rằng tạo điều kiện để các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng những nội hàm về tự chủ và tự chịu trách nhiệm như thế nào, điều kiện để các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm có đảm bảo chưa. Nếu chúng ta hiểu tự chủ là tự chủ về nhân sự, về sinh viên, về chương trình, về phương thức giảng dạy, về việc định chuẩn, về những vấn đề nghiên cứu tài chính, cấu trúc... Chúng ta có tạo điều kiện để các trường tự chủ được chưa. Nếu chúng ta cho rằng tự chịu trách nhiệm là tự chịu trách nhiệm về mặt công bố chuẩn chất lượng của trường mình, chịu trách nhiệm về hội đồng trường, chịu trách nhiệm về sự minh bạch, chịu trách nhiệm về những quy định chất lượng, chúng ta tạo điều kiện cho các trường tự chịu trách nhiệm như thế nào. Tôi nghĩ những cơ chế để tạo điều kiện cho các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm phải làm rõ hơn nữa. Trong thực tế các trường rất khó khăn về mặt tài, kể cả những trường đại học công lập.

Sức đầu tư quá ít mà chúng ta đòi hỏi một chất lượng phải cao, phải ngang bằng từng bước tiến lên xứng với các nước trong khu vực rất khó khăn, 200 USD, 500 USD một suất sinh viên thì quả là khó khăn. Hình như chúng ta đang trói buộc các trường công lập về học phí, chúng ta nói tự chịu trách nhiệm nhưng các trường rất khó khăn trong việc này.

Tôi nghĩ, cần tính lại vấn đề khung học phí. Tại sao chúng ta “mở” cho các trường tư rất nhiều và cũng có điều kiện để phát triển như trường Hoa Sen thu một năm 20 triệu đồng/sinh viên, gia đình vẫn chịu, nhiều người đánh giá, nước ngoài vào học cũng đánh giá cho rằng đại học Hoa Sen là một đại học có tương lai, bởi vì có chương trình tốt gắn với doanh nghiệp, gắn với đầu ra thành ra trên 90% sinh viên ra trường có việc làm lương 3 triệu rưỡi 1 tháng năm đầu. Còn trường RMIT tại thành phố Hồ Chí Minh là 7.000 USD/ năm, gia đình cũng đồng ý, người ta học 7 học phần trên 2 năm tốt nghiệp ra trường. RMIT mới vào mà lãi 1 năm 6 triệu USD, RMIT mới vào nhưng đã đóng góp cho tài chính nước mình 7,9 triệu USD, gia đình chấp nhận và các em học ở đó cũng thấy chương trình rất phù hợp, học xong 1 năm có thể trình bày bài giảng bằng tiếng anh. Các em nào mà đạo bài của em khác thì rà trên máy vi tính phát hiện được ngay, kỷ luật rất cao.

Phải tính lại vấn đề khung học phí nhất là trong các trường công lập. Hiện nay, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có một trường mở ra là Đại học quốc tế thu các em 1.500 USD/năm gia đình cũng chấp nhận và chương trình cũng rất tốt. Không nên bình quân và bao cấp cho toàn xã hội, chúng ta có thể bao cấp cho người nghèo, số còn lại tự lo được, chúng ta có thể cho các trường tự định học phí để có thể thu được. Liên quan đến vấn đề cơ chế quản lý cũng như là cơ chế tài chính, chúng ta cũng nên quan tâm thêm để có thể đưa vào những vấn đề vào Nghị quyết sắp tới của Quốc hội.

Hoạt động GD cần tuân theo 5 loại quy luật

Sau một ngày lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã tiếp thu và trình bày trước Quốc hội 2 nội dung: Vấn đề phát triển về số lượng trường ĐH, CĐ; Vấn đề chất lượng và ai chịu trách nhiệm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, xung quanh vấn đề phát triển số lượng, chất lượng và trách nhiệm đối với việc phát triển hệ thống GDĐH trong thời gian vừa qua, khi Luật giáo dục năm 2005 ra đời, sự phát triển số lượng trường tăng có một phần chính vì chúng ta có một cơ sở pháp lý tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Thứ hai, thực tế nhu cầu các địa phương đào tạo nhân lực cho địa phương cũng rất lớn. Lãnh đạo các địa phương thường có Nghị quyết để thành lập đại học và Chủ tịch UBND có ký trình thể hiện yêu cầu của địa phương. Đồng thời quy mô GDĐH tuy tăng, nhưng chúng ta vẫn phải xét thi đại học hàng năm để chọn (hàng năm thi đại học xấp xỉ 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT chỉ khoảng 500.000 được vào ĐH.

Thứ ba, về cách xem xét cho ra đời các trường đại học trong thời gian qua.Ví dụ, 12 năm, GDĐH cho ra đời 94 trường (trong đó 8 năm đầu tiên ra đời 37 trường, 4 năm sau ra đời 57 trường). Như vậy, quy mô về sau là lớn. Tuy nhiên, đến năm 2008 lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã xem xét và thấy việc ra đời các trường đại học cần phải có tổng kết.

Hàng năm, khoảng 500.000 học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục được học ĐH, CĐ (ảnh minh họa).
Hàng năm, khoảng 500.000 học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục được học ĐH, CĐ (ảnh minh họa).

“Năm 2008 có tổng kết 10 năm việc ra đời các trường đại học mới, tại cuộc họp đó tôi có phát biểu rất thẳng thắn (với trách nhiệm Bộ trưởng) là: “Không thể tiếp tục cho ra đời và quản lý các trường đại học như vừa qua mà không đảm bảo chất lượng" – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Vấn đề thứ hai là chất lượng giáo dục và ai chịu trách nhiệm về vấn đề này? Theo nguyên tắc chung, giáo dục của chúng ta nằm chung trong sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, quản lý chung của Chính phủ. Thành tựu của giáo dục 23 năm qua có trách nhiệm chung của hệ thống nhưng đặc biệt là ngành giáo dục. Nếu để tính những mặt được hoặc chưa được thì các Bộ trưởng Bộ GD-ĐT từ năm 1975 đến nay cùng được chia sẻ và chịu trách nhiệm.

Tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá, năm 2008 - 2009 y tế và giáo dục tiểu học của Việt Nam đứng hạng 84 thế giới. Năm 2009 - 2010 tăng 8 bậc lên đứng hạng 76. GDĐH năm 2008 - 2009 đứng hạng thứ 98. Năm 2009 - 2010 tăng 6 bậc lên hạng 92.

Năm 2009, Bộ GD-ĐT xác định được nguyên nhân, cách làm là: chúng ta mong muốn nâng cao chất lượng, làm thì rất nhiều nhưng chất lượng không hiệu quả… Điều đó chứng tỏ, có nhiều biện pháp chúng ta làm chưa đúng quy luật. Vậy, chất lượng giáo dục và phát triển hệ thống giáo dục chịu sự chi phối của các quy luật nào?

Thời gian qua, chúng tôi đã xác định, hoạt động giáo dục không chỉ chịu sự chi phối của các quy luật sư phạm, mà còn quy luật của quản lý hệ thống, quy luật về kinh tế, quy luật về lợi ích của  con người  trong xã hội và quy luật phát triển hoạt động khoa học công nghệ... Hoạt động giáo dục chịu sự chi phối bởi 5 loại quy luật. Cho nên sửa yếu kém của giáo dục không phải chỉ sửa hoạt động sư phạm, đầu tiên là sửa các hoạt động quản lý phù hợp với các quy luật. Giáo viên thiếu. Đúng. Cơ sở vật chất thiếu. Đúng. Nhưng tất cả những cái đó suy cho cùng do người quản lý các cấp góp phần tạo ra mặt tốt và cũng gây ra hạn chế. Cho nên sửa ở đây là sửa quản lý...

Tôi xin khẳng định rằng, nếu như giáo dục phổ thông “Hai không” là khâu đột phá, thì trong GDĐH khâu đột phá là đổi mới quản lý Nhà nước và quản lý từng trường.

 “Trong 3 năm tới GDĐH của Việt Nam sẽ có bước phát triển phù hợp với quy luật, từng bước đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, yêu cầu của Đảng, Chính phủ” - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Trần Nhật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.