Nhà nghỉ Panorama trên đèo Mã Pì Lèng: Biết lâu rồi nhưng…

GD&TĐ - Câu chuyện trên lưng chừng đèo Mã Pì Lèng (hay còn gọi là Mã Pí Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) xuất hiện một nhà nghỉ mang tên Panorama cao 7 tầng khiến dư luận tranh cãi, luận bàn... Thế nhưng, lạ thay, mặc dư luận tha hồ “nóng”  các cơ quan chức năng thì dường như vẫn… đủng đỉnh theo kiểu: Biết lâu rồi nhưng… 

Khách sạn Panomana án ngữ ở Mã Pí Lèng.
Khách sạn Panomana án ngữ ở Mã Pí Lèng.

Đừng dây mực vào bức tranh đẹp

Câu chuyện bắt đầu bùng nổ từ ngày 1/10 khi trên một tờ báo xuất hiện bài viết: “Hà Giang: Ai cho phép “cắm gai bê tông” trên đỉnh Mã Pí Lèng?”. Bài viết gây sự chú ý mạnh mẽ hơn khi được nhà báo Trần Đăng Tuấn chia sẻ trên trang cá nhân cùng dòng trạng thái: “Tôi kêu gọi các bạn…”, đến nay đã có 2.500 bình luận và 6.600 lượt chia sẻ.

Theo đó, ở lưng chừng đèo Mã Pì Lèng xuất hiện một công trình xây dựng bằng bê tông cao 7 tầng “tự xưng” là: “Mã Pì Lèng - Panorama - Hotel - Restaurant - Coffee”. Được biết, vị trí mà tòa nhà “găm” vào vách núi theo kiểu bậc thang là vị trí lý tưởng mà trước đây du khách vẫn thong thả dừng chân ngắm toàn cảnh cao nguyên và sông Nho Quế. Thế nhưng, khi nhà nghỉ - nhà hàng Panorama này xuất hiện thì cái thú “dừng chân ghé lại trời non nước”… kia có phần khiến du khách chưng hửng vì bị Panorama che khuất tầm nhìn khi đi từ huyện Mèo Vạc sang huyện Đồng Văn và ngược lại, nếu không đặt chân ra cửa sau của Panorama.

Đón nhận thông tin ấy, dư luận đã lập tức lên tiếng, trong đó, phần lớn đều tức giận khi thấy thêm một thắng cảnh tuyệt mỹ của Việt Nam như Mã Pí Lèng lại bị các công trình xây dựng xâm phạm. Nhiều người, trong đó có cả các chuyên gia cùng gay gắt phê phán: Panorama xuất hiện đã phá vỡ cảnh quan thiên nhiên bởi khối bê tông quá xấu xí. Có người ví Panorama giống như một nốt ruồi vô duyên trên gương mặt của thiếu nữ xinh đẹp. Thậm chí, có người còn chua chát nói rằng, Panorama là cái gai trong “mắt” Mã Pì Lèng, chỉ khẽ chớp mắt thôi là đau nhói…

Không chỉ phê phán về sự thiếu hài hòa của công trình với cảnh quan thiên nhiên, nhiều người còn đặt ra mối lo, bây giờ là một Panorama nhưng thêm vài tháng nữa sẽ có bao nhiêu Panorama như thế mọc lên ở danh thắng này đây? Mối lo này được dẫn ra từ thực tế vì đấy là câu chuyện phổ biến ở nước ta mà ai cũng có thể bắt gặp ở nhiều danh thắng những “rác” bê tông tràn lan, xâm hại không gian thiên nhiên như ở Đà Lạt, Tràng An, Phong Nha...

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến phản biện lại rằng, Hà Giang cần có những điểm dừng chân như Panorama để thu hút khách du lịch, tạo điểm nhấn để địa phương này phát triển du lịch, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân… Thế nhưng, cách nghĩ này tiếp tục khiến dư luận dậy sóng khi đặt ra câu hỏi về du lịch bền vững.

Chẳng hạn, nhà báo Trần Đăng Tuấn dẫn dụ, ngay chân đèo phía Mèo Vạc đang hình thành khu “Làng Mông” kiến trúc gần với truyền thống, thu hút dòng tiền của bất cứ ai muốn đầu tư. Mã Pì Lèng như cái đòn gánh mà hai bên thúng đựng hoa lợi là hai thị trấn Đồng Văn, Mèo Vạc. “Nhưng những cơ hội trên chỉ lâu bền nếu Mã Pì Lèng giữ được sự hấp dẫn vốn có. Nếu nó bị băm nát bởi các cơ sở kiểu Panorama, mà chỉ cần xuất hiện chục cái nhà kiểu đó, sự hấp dẫn của Mã Pì Lèng còn phân nửa thì cái mất rất nhiều. Bởi khác với nhiều con đèo khác cũng rất đẹp, Mã Pì Lèng có tầm nhìn bao quát vô cùng lý tưởng và hoàn chỉnh như một bức tranh không nên để mực rây vào”.

Biết lâu rồi nhưng…

Hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng này đã được quảng bá công khai trên trang booking.com với hàng loạt thông tin như: Đi vào hoạt động từ tháng 6/2019; nằm ở vị trí: Có sông - sông Nho Quế (0,4 km), có núi Mã Pì Lèng (0,5 km) và vực Tu Sản (1,5km). Hay như, ngay chính chủ đầu tư của Panorama Vũ Ngọc Ánh cũng khẳng định với báo chí, bà xây dựng Panorama “không hề làm vụng trộm. Vì vụng trộm không bao giờ làm được tòa nhà như thế này”?

Dư luận đã không khỏi bức xúc đặt câu hỏi: Phải chăng, một Panorama to đùng được xây dựng trên Mã Pì Lèng mà không cơ quan chức năng nào biết? Thực ra, không hẳn như vậy.

Ngay khi báo chí thông tin về Panomara, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã cho biết rất tường tận: Công trình này được xây dựng trên Mã Pì Lèng từ năm 2018 và hoàn thành vào đầu năm 2019.

Việc Panomara được xây dựng trái phép cũng đã được địa phương này “biết” bằng lý do: Xây dựng trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng để rồi giải thích thêm: Huyện Mèo Vạc đã có kế hoạch xin điều chỉnh quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng của đất này để cấp giấy phép xây dựng cho dự án theo đúng quy định. Còn chuyện Panorama có xâm phạm danh thắng hay không thì câu trả lời là không vì công trình nằm ở vùng đệm chứ không phải vùng lõi cấm xây dựng!

Mọi sự “biết” của Hà Giang với công trình Panomara tựu chung lại cũng vì cái lẽ “thu hút vốn đầu tư” cho du lịch - một công trình tư nhân đầu tiên cho du khách có điểm ngắm hẻm vực sông Nho Quế. Và, bởi sự chào đón tư nhân đầu tư một cách nhiệt tình ấy mà địa phương này đã “không kịp giải quyết thủ tục hồ sơ”! Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi cả tuần nay dư luận thì sôi sục còn lãnh đạo tỉnh này dù đã lập đoàn kiểm tra nhưng đến giờ vẫn chưa có kết luận xử lý Panorama.

Cùng với đó, về phía cơ quan chuyên môn, cũng không phải đến bây giờ Cục Di sản văn hóa - Bộ VH,TT&DL mới hay tin công trình Panorama xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng. Thực ra, Cục đã biết công trình xây dựng này có vị trí gần khu vực bảo vệ 2 của Di tích danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng. Mà theo điều 36, Luật Di sản văn hóa: “Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại điều 32 của luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu tới cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”.

Vậy nên, ngày 12/7, Cục đã gửi công văn đề nghị Sở VH,TT&DL Hà Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương xác minh thông tin, kiểm tra quy trình, thủ tục lập, thẩm định phê duyệt đối với công trình xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng này. Tiếc rằng, sau gần 3 tháng, do Bộ VH,TT&DL chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của tỉnh Hà Giang đề nghị có ý kiến thẩm định đối với công trình xây dựng tại khu vực đèo Mã Pì Lèng nên dù biết thì Cục cũng… mặc!

Chỉ đến khi dư luận bức xúc, Cục mới chờ báo cáo từ Sở VH,TT&DL Hà Giang rồi mới thông tin, công trình Mã Pì Lèng Panorama không thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ 1 và 2 của Di tích danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng; không phải công trình bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, theo điều 32 của Luật di sản văn hóa. Thế nhưng, công trình này vẫn chịu sự điều chỉnh của điều 36, Luật Di sản văn hóa nên Cục tiếp tục phối hợp với Sở VH,TT&DL Hà Giang thực hiện các biện pháp bảo đảm tuân thủ nghiêm quy định tại Luật Di sản văn hóa để tham mưu, đề xuất Bộ VH,TT&DL phương án xử lý với công trình này!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ