Khách sạn trên đèo Mã Pí Lèng: Hợp thức hóa hay phá dỡ?

Bản thân lãnh đạo huyện Mèo Vạc còn chưa biết có phá dỡ hạ tầng xây dựng trái phép trên đèo Mã Pí Lèng hay không?

Công trình nghỉ ngơi, ăn uống trái phép trên đèo Mã Pí Lèng có bị tháo dỡ?
Công trình nghỉ ngơi, ăn uống trái phép trên đèo Mã Pí Lèng có bị tháo dỡ?

Chiều 5/10, trả lời báo chí, bà Mua Hồng Sinh, Phó chủ tịch huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) cho biết, từ khi nhà hàng, nhà nghỉ Panorama bắt đầu xây dựng, huyện đã nhiều lần đến kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công để hoàn thiện các thủ tục theo quy định. Nhưng đến nay công trình đã hoàn thành, đi vào hoạt động mà chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện các giấy tờ cần thiết.

Theo Phó chủ tịch huyện Mèo Vạc, nhà hàng nằm trên đất nông nghiệp, chưa được cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thổ cư, xây dựng là vi phạm pháp luật. Khu đất này nằm ở vùng ven danh thắng quốc gia Mã Pí Lèng, người dân làm nhà ở riêng lẻ thì huyện có thẩm quyền cấp phép. Nếu người dân xây dựng công trình với mục đích khác thì phải làm hồ sơ thiết kế, để các sở, ngành thẩm định về mật độ xây dựng, chiều cao, số tầng.

"Nhà hàng nằm ngay trên hẻm vực Tu Sản là vị trí đẹp nhất đèo Mã Pí Lèng. Sai phạm của chủ đầu tư là không làm hồ sơ thiết kế để các cơ quan thẩm định xem có phù hợp với cảnh quan, môi trường hay không", bà Sinh trả lời báo chí.

Huyện Mèo Vạc sẽ tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư nhà hàng, nhà nghỉ Panorama khẩn trương hoàn thiện hồ sơ công trình để các cấp thẩm định. Nếu chủ đầu tư không hoàn thiện được các giấy phép thì huyện sẽ có biện pháp xử lý. "Hiện, chưa thể trả lời công trình có bị tháo dỡ hay không?", bà Sinh nói.

Về điều kiện, các bước để xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, Luật sư Nguyễn Minh Hưng (Văn phòng Luật sư Thanh Vũ - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, trước hết là phải bàn về điều kiện kinh doanh của chủ đầu tư dự án khách sạn phải tuân thủ đầy đủ điều kiện kinh doanh theo quy định Luật Doanh nghiệp và điều 49 Luật Du lịch.

Thứ hai, về việc chủ đầu tư nhận chuyển nhượng đất rừng, đất nông nghiệp, sau đó xây dựng dự án khách sạn thì đã được các cơ quan chức năng cho phép chuyển đổi mục đích xây dựng hay chưa, đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án, cấp giấy phép xây dựng hay chưa.

Luật sư Hưng cũng cho rằng, trình tự lập dự án xây dựng phải thỏa mãn các điều kiện để được cấp phép xây dựng theo quy định tại điều 93 Luật Xây dựng. Theo đó, phải phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt; Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, phải phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế xây dựng và đầy đủ hồ sơ xin cấp phép xây dựng (Điều 11 Thông tư 15/2016/TT-BXD) như: Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo mẫu; Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính hai bộ bản vẽ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Trong đó, mỗi bộ gồm: Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất tỷ lệ 1/50 - 1/500 kèm theo sơ đồ vị trí công trình; Bản vẽ mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chính của công trình tỷ lệ 1/50 - 1/200; Bản vẽ mặt bằng móng tỷ lệ 1/50 - 1/200 và mặt cắt móng tỷ lệ 1/50 kèm theo sơ đồ đấu nối hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải, cấp nước, cấp điện, thông tin tỷ lệ 1/50 - 1/200.

Trường hợp, dự án này là dự án khách sạn kinh doanh lưu trú thì phải xem xét đến quy mô dự án, nếu từ 50 phòng trở lên thì phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại tiểu mục 9 phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 18/2015/NĐ-Cp của Chính phủ.

Theo như báo chí phản ánh, địa điểm dự án nằm tại khu vực đèo Mã Pí Lèng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia năm 2009 do vậy nó chịu sự điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa nên cần phải xem xét xác định khu đất trên có thuộc vùng bảo vệ I, vùng bảo vệ II theo quy định tại điều 32 Luật Di sản văn hóa hay không để xác định công trình có vi phạm (khu vực I là khu vức được bảo vệ quyên trạng, khu vưc II thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh).

Nếu công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ I và II nhưng có khi xây dựng có ảnh hưởng tới cảnh quan thì phải có ý kiến thẩm định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về Văn hóa cụ thể điều 36 Luật Di sản văn hóa quy định Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại điều 32 của luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu tới cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.

Theo baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ