Phần vì muốn con rèn luyện đức tính tiết kiệm hoặc sợ nuông chiều con sẽ sinh hư. Từ đó mà họ thường xuyên than nghèo kể khổ với con.
Đừng “cắm rễ” sự tự ti
Nhiều phụ huynh khi con đòi mua thứ gì đó đều nói về gia cảnh nghèo, không nhiều tiền để mua sắm theo ý con. Thậm chí, có người còn nghĩ ra cách giả vờ vay tiền để đứa con cảm thấy bố mẹ mình thực sự nghèo khó. Cứ như vậy về sau đứa trẻ trở nên rụt rè, tự ti và không dám đưa ra yêu cầu khi muốn mua thứ mà chúng muốn.
Cũng có trường hợp khi mua quần áo mới cho con không quên nhắc nhở quần áo của bố mẹ mặc từ mấy năm trước, đều là đồ rẻ tiền. Đứa trẻ vốn dĩ đang rất vui vẻ, nhưng nghe được lời này chúng áy náy, cảm thấy mình đang quá hưởng thụ.
Một diễn viên chia sẻ trên một chương trình truyền hình rằng khi anh còn nhỏ, cha mẹ anh luôn truyền cho anh quan niệm rằng gia đình rất nghèo, điều này khiến anh cảm thấy rằng ngay cả khi lớn lên, đã kiếm được tiền, anh vẫn sẽ cảm thấy rằng mình rất thiếu tiền.
Trên thực tế, rất nhiều bậc cha mẹ thường truyền tải thông điệp đến con mình rằng, do nhà nghèo nên không được tiêu tiền bừa bãi, không thể cứ cái gì mình muốn là đều phải mua được/Bố mẹ nuôi con vất vả, phải chu cấp cho con ăn học, đừng làm bố mẹ thất vọng/ Sao con lại tiêu tiền bừa bãi như vậy, con không biết bố mẹ kiếm tiền vất vả thế nào ư?
Ngay cả ở trong những gia đình không hề nghèo khó, các bậc phụ huynh vẫn sẽ dùng phương pháp “than nghèo” này để giáo dục con cái. Tuy nhiên, luôn nhấn mạnh với con rằng kiếm tiền rất khó khăn, cha mẹ đồng thời cũng đang viết ra những lo lắng, sợ hãi về tiền bạc trong tiềm thức của con.
TS Nguyễn Thị Hòa - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, thái độ của cha mẹ đối với tiền bạc sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của con cái, không chỉ mối quan hệ với tiền bạc, mà còn cả mối quan hệ với thế giới sau này. Dù ý định của cha mẹ là dạy con bài học về việc kiếm tiền không dễ, cần trân trọng và không chi tiêu bừa bãi, nhưng nếu lạm dụng sẽ tác động tiêu cực đến nhận thức của trẻ.
TS Nguyễn Thị Hòa lý giải, nếu từ nhỏ cha mẹ thường xuyên dạy bảo con theo hướng đó khiến suy nghĩ “nghèo khổ” ăn sâu vào tiềm thức của trẻ. Chúng nhìn những đồ vật mình yêu thích, mong muốn được sở hữu nhưng lại không có được, dần dần tâm lý trở nên buồn bã và bất an.
Lâu dần trẻ ắt cho rằng mọi thứ tốt đẹp, quý giá mình không xứng đáng có được, chỉ là mơ ước xa vời mà thôi. Trẻ trở nên tự ti, cảm thấy bản thân vì không đủ giỏi giang, ưu tú nên mới không có được. Sự tự ti cắm rễ trong lòng con, càng lớn càng trở nên trầm trọng.
Trẻ dễ đổ lỗi cho hoàn cảnh
Bên cạnh đó, chia sẻ quá đà về chuyện tiền bạc và theo cách tiêu cực có thể khiến con trẻ lo lắng, có suy nghĩ già dặn hơn so với độ tuổi. Con luôn nghĩ đến việc bố mẹ không có tiền và chẳng dám đòi hỏi gì, sống khép mình hơn. Trong khi đó, gánh nặng tài chính gia đình chưa bao giờ là vấn đề mà con nhỏ nên chịu.
Suy nghĩ nhà nghèo có thể khiến con cảm thấy yếm thế, thua thiệt với bạn bè. Con sẽ nhút nhát, không dám chủ động kết bạn, thể hiện bản thân trong một tập thể mới. Thậm chí nhiều đứa trẻ còn cảm thấy thấp kém khi so sánh với những người khác. Một khi đã bị ám ảnh tâm lý, con sẽ khó mà thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực.
Chưa kể đến việc, nếu nhà giàu mà phụ huynh giả nghèo và cung cấp thông tin để con nhận diện thì nên tính đến mâu thuẫn trong biểu hiện, có khi sẽ có tác dụng ngược trong giáo dục.
Theo TS Nguyễn Thị Hòa, cha mẹ thường xuyên “than nghèo kể khổ” với con, mỗi ngày sự thiếu thốn sẽ bị khắc họa và phóng đại trong lòng đứa trẻ. Từ đó xuất hiện tình trạng trẻ vin vào cớ “hoàn cảnh khó khăn” để trốn tránh những việc làm chưa tốt của mình.
Tình hình như trên kéo dài sẽ chỉ khiến trẻ trở thành một đứa trẻ thiếu trách nhiệm, không dám đối mặt với những thất bại và sửa chữa sai lầm của mình. Ví dụ như tại nhà nghèo nên không có điều kiện học tốt; tại vì không được đầu tư nên kết quả không như mong muốn; do hoàn cảnh xô đẩy…
Chính vì những điều này, bố mẹ đừng bao giờ nói những câu “bố mẹ không có tiền” hay “nhà mình rất nghèo” với con. Thay vào đó, chúng ta cần dạy con cách chi tiêu hợp lý, có kế hoạch để giúp con học được tính tiết kiệm và biết phấn đấu.
TS Nguyễn Thị Hòa cho rằng, trẻ yêu cầu cha mẹ mua cho chúng những món đồ đẹp đẽ, đắt tiền là điều hết sức bình thường. Ai cũng mong muốn cuộc sống sinh hoạt ngày càng nâng cao, ý thích đó của trẻ không hề nói lên trẻ hư hay xấu tính. Việc cha mẹ cần làm chính là nỗ lực làm việc để điều kiện kinh tế của gia đình ngày càng khá hơn. Bạn có thể chăm sóc con tốt hơn, qua đó chứng minh và thuyết giảng cho con hiểu giá trị của lao động, phấn đấu, khiến con là người có chí hướng trong tương lai.
“Cha mẹ hãy thể hiện cho con cảm nhận sâu sắc tình yêu thương của mình với trẻ. Qua đó con sẽ hiểu rằng dù gia đình điều kiện vật chất chưa tốt, chưa thể mua cho con được các món đồ đắt tiền nhưng vẫn luôn hạnh phúc và ấm áp. Cha mẹ cũng cần giúp con hiểu rằng, vật chất không phải là tất cả hạnh phúc, đôi khi nên bằng lòng với những gì mình có”, TS Hòa nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Thị Hòa, trong nhiều trường hợp, trẻ có thể bị u uất về mặt tâm lý, mắc bệnh trầm cảm. Nếu cha mẹ cứ gieo vào đầu con trẻ sự nghèo đói, có thể trẻ sẽ lo sợ, từ đó thay vì nhận thức nghèo cần cố gắng, cần động lực thì trẻ sẽ chuyển sang suy nghĩ tiêu cực, thậm chí xấu tính.