Nhà máy điện sạch lớn nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với diện tích 518 km2, nhà máy điện mang tên Công viên năng lượng tái tạo Khavda sẽ hoàn thành trong khoảng 5 năm tới và quy mô lớn nhất thế giới.

Dự kiến công viên sẽ hoàn thành vào năm 2029.
Dự kiến công viên sẽ hoàn thành vào năm 2029.

Công ty Adani Green Energy Limited (AGEL) của tỷ phú giàu thứ 2 thế giới Gautam Adani đang xây dựng nhà máy điện gió và năng lượng mặt trời ở bang Gujarat phía Tây Ấn Độ với chi phí khoảng 20 tỷ USD.

Khu vực giàu tiềm năng

Với diện tích 518 km2, lớn gấp 5 lần Paris, nhà máy điện mang tên Công viên năng lượng tái tạo Khavda sẽ hoàn thành trong khoảng 5 năm tới và quy mô lớn nhất thế giới.

Ban đầu, Khavda là khu vực cằn cỗi, ít thảm thực vật do đất có độ mặn cao và không có con người định cư gần đó. Tuy nhiên, với bức xạ mặt trời cao thứ 2 Ấn Độ sau Ladakh và tốc độ gió gấp 5 lần so với đồng bằng, đây là địa điểm lý tưởng cho một công viên năng lượng tái tạo.

Các tấm pin được lắp đặt để chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành điện năng và cối xay gió được dựng lên để khai thác tốc độ gió lên tới 8 m/giây. Ngoài ra, nhóm của tỷ phú Gautam Adani còn xây dựng các khu dành cho công nhân và thành lập các nhà máy khử muối để biến nước ngầm nhiễm mặn bơm từ độ sâu 700m thành nước uống được.

Bên cạnh đó, tỷ phú Gautam Adani còn cung cấp các dịch vụ thiết yếu để biến nơi từng là vùng đất hoang cằn cỗi thành trung tâm thịnh vượng về sản xuất năng lượng tái tạo và cuộc sống bền vững.

AGEL cho biết, Khavda sẽ tạo ra 81 tỷ đơn vị điện sạch, có thể cung cấp năng lượng cho toàn bộ các quốc gia như Bỉ, Chile và Thụy Sĩ. Ông Vneet Jaain - Giám đốc điều hành AGEL chia sẻ, 30.000 MW (30 GW) được quy hoạch tại Khavda sẽ gồm 26 GW năng lượng mặt trời và 4 GW năng lượng từ gió. Dự án sẽ tạo ra 15.200 việc làm. Trong giai đoạn đầu tiên, công ty đã sản xuất tổng cộng 1.000 MW năng lượng mặt trời ở Khavda.

Ở Khavda, nơi bức xạ mặt trời đạt mức ấn tượng 2.060 kWh/m2 và tài nguyên gió tốt nhất Ấn Độ. Công nghệ hiện đại, bao gồm máy phát điện turbine gió trên cạn lớn nhất Ấn Độ với công suất 5,2 MW sẽ được lắp đặt tại nhà máy để tận dụng những nguồn tài nguyên thiên nhiên này.

Tuy nhiên, việc thường xuyên xảy ra bão cát đòi hỏi phải vệ sinh các tấm pin mặt trời thường xuyên, đôi khi nhiều lần trong ngày. Để giải quyết thách thức trên, AGEL đã tiết lộ kế hoạch triển khai hệ thống làm sạch mô-đun robot không dùng nước trên toàn bộ khu vực dự án.

Ông Gautam Adani và dự án Công viên năng lượng tái tạo Khavda.

Ông Gautam Adani và dự án Công viên năng lượng tái tạo Khavda.

Nỗ lực đáp ứng mục tiêu tham vọng

Công viên năng lượng tái tạo Khavda sẽ giúp đối phó biến đổi khí hậu thông qua giảm 58 triệu tấn khí thải CO2, tương ứng với mức hấp thụ carbon của 2.761 triệu cây. Mức giảm khí thải này tương đương giảm đốt 60.300 tấn than đá, chứng tỏ tầm ảnh hưởng của dự án đối với giảm thiểu khí nhà kính trên toàn cầu.

Thành công của Công viên năng lượng tái tạo Khavda có ý nghĩa quan trọng đối với nỗ lực của Ấn Độ nhằm giảm ô nhiễm và đạt được các mục tiêu về khí hậu, đồng thời đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của quốc gia đông dân nhất thế giới. Hiện, than vẫn chiếm 70% lượng điện mà Ấn Độ tạo ra.

Một góc nhìn khác của Công viên năng lượng tái tạo Khavda.

Một góc nhìn khác của Công viên năng lượng tái tạo Khavda.

Chuyển hướng năng lượng sạch của Tập đoàn Adani diễn ra vào thời điểm Ấn Độ đặt ra cho mình một số mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu. Thủ tướng Narendra Modi đã hứa các nguồn tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ đáp ứng 50% nhu cầu năng lượng của Ấn Độ vào cuối thập kỷ này.

Năm 2021, ông Modi cam kết Ấn Độ sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070, tức là vẫn muộn hơn vài thập kỷ so với các nền kinh tế phát triển. Chính phủ Ấn Độ cũng đặt mục tiêu đạt 500 gigawatt (GW) công suất phát điện từ nhiên liệu không hóa thạch năm 2030.

Ngoài ra, AGEL ứng dụng thí điểm một số công nghệ cao cấp tại Khavda để duy trì nhà máy lâu hơn.

Theo CNN/business-standard

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ