Nhà là nơi...

GD&TĐ - Nhà là ngôi nhà, là gia đình; là “mái ấm hạnh phúc lớn nhất mà ta từng có. Nơi đó ta được bố mẹ yêu thương chăm sóc, lo lắng…”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mẹ vẫn thường dặn dò chúng tôi, dù ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào trên hành trình cuộc đời, cũng hãy luôn nhớ: “Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc”.

Ngày nhỏ, tôi vẫn thường níu áo mẹ để được giải thích vì sao lại như vậy. Giờ trưởng thành, tôi lại đem câu nói ấy dặn lại các con mình. Và cũng giống như tôi ngày xưa, con cũng tò mò gặng hỏi. Bên hiên nhà đầy nắng, giữa khoảng xanh thơm mát nơi vườn nhà, tôi thủ thỉ với con…

Nhà là ngôi nhà, là gia đình; là “mái ấm hạnh phúc lớn nhất mà ta từng có. Nơi đó ta được bố mẹ yêu thương chăm sóc, lo lắng…”. Nhà cũng là nơi mỗi người được sinh ra và lớn lên; là chỗ dựa vững chắc, bình yên và ý nghĩa không gì có thể thay thế. Với mỗi người, nhà là món quà đơn sơ, bình dị nhưng vô cùng thiêng liêng, quý giá.

Goethe đã từng nói: “Người hạnh phúc nhất, dù vua chúa hay nông dân, là người tìm thấy sự bình yên dưới mái nhà của mình”. Bình yên là khi mọi ưu phiền, toan lo, mọi bận tâm, áp lực đều được thay thế bởi sự ấm áp, yêu thương. Nhà, nơi mỗi người tin rằng: “Còn gia đình là còn tất cả” để dẫu đi đâu, về đâu cũng sẽ luôn hướng về với niềm tin bất hoại.

Nhà chính là nơi dạy ta biết cách yêu thương, quan tâm, chăm sóc người khác ngoài bản thân mình. Ba mẹ khi nào cũng nhắc nhở: “Phải giữ gìn sức khỏe nghe con!”. Con cái càng lớn càng thấu hiểu “ba mẹ đã vất vả, hi sinh nhiều vì mình”.

Anh em, chị em trong nhà biết nâng đỡ, đùm bọc những khi hoạn nạn, khó khăn… Nhà là món quà kỳ diệu gói trọn yêu thương, để sau những buồn vui, xuôi ngược, mỗi người càng trân quý hơn chốn nương náu bình yên này.

Nhà còn là nơi bao dung, xoa dịu tâm hồn ta mỗi khi ta vấp ngã, yếu lòng. Cuộc sống không phải khi nào cũng thuận theo ý muốn, bên cạnh thành công, ta không tránh khỏi những khó khăn, thất bại, khổ đau… Nhưng có sao đâu. Nhà sẽ vỗ về mỗi người bằng tình yêu thương vô vàn.

Chỉ cần trở về, sống giữa vòng tay yêu thương của gia đình, thể nào ta cũng sẽ được tiếp thêm động lực, đôi chân ta sẽ cứng cáp hơn, trái tim và khối óc ta sẽ bền bỉ hơn để tiếp tục vững bước.

Nhà là nơi ghi dấu những kỉ niệm yêu thương, nơi giữ lửa hạnh phúc gia đình. Những kỉ niệm của một thời, có lẽ bây giờ chỉ còn là kí ức thân thương, là bếp củi, ngọn đèn dầu, bàn ủi con gà…; là chùm khế ngọt, quả ổi vàng ươm, trái thị thơm lừng…; là bờ ao, khoảng sân nhà hay bờ đê, cánh đồng ngay trước ngõ…; là những lần trốn học, tắm sông; và nhiều hơn cả có lẽ là những bữa cơm thơm lành mẹ nấu, dẫu đạm bạc nhưng tròn vị yêu thương.

Ai đó đã nói rất đúng rằng, triệu bữa cơm ngoài không bằng một bữa cơm mẹ nấu. Những kỉ niệm thuộc về “Nhà” luôn vương vấn bước chân người đi, sưởi ấm trái tim người trở về, níu giữ những ai đi xa sẽ mãi nhớ!

Nhà gần gũi và quen thuộc với mỗi người. Thế nhưng với nhiều người, vì một lý do, hoàn cảnh nào đó, họ không có nhà để trở về, để tựa nương lúc nắng mưa hay giông bão cuộc đời.

Với nhiều người khác, nhà lại bị lãng quên, bị bỏ mặc. Đâu đó còn có người, vì mải mê đi tìm kiếm thứ hạnh phúc xa xôi bên ngoài ngôi nhà của mình… để rồi đến khi vấp ngã mới nhận ra mình đã đánh mất đi cái diễm phúc từng có được trong đời.

“Nhà giống như nhánh của một cái cây, chúng ta trưởng thành theo những hướng khác nhau, nhưng có chung một cội rễ”. Nhà dù có đơn sơ bao nhiêu, ta cũng hãy luôn biết nâng niu, trân quý. Bởi có nhà để về, để được ấp iu trong những vòng tay yêu thương thì mọi bão giông cũng sẽ dừng sau cánh cửa…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.