Không gây hại môi trường
TS Nguyễn Tân Vương, cho biết, không ít nhà cửa, thậm chí đê điều từng bị các tổ mối xông dẫn đến sụp đổ. Điều nguy hiểm là mối rất phổ biến ở các quốc gia nhiệt đới như Việt Nam.
Kết quả điều tra từ năm 2004 cho thấy hơn 90% đình chùa ở miền Bắc Việt Nam đều bị mối gây hại ở các mức độ tổn thất khác nhau. Khả năng gây hại của mối xuất phát từ đặc tính của một loài côn trùng sống theo bầy đàn với số lượng lớn. Mối thường xâm nhập và ăn các cấu kiện gỗ trong các công trình xây dựng.
“Do thức ăn của mối là xenluloza nên ngoài gỗ, tre, nứa thì tất cả các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật như giấy, vải đều bị chúng phá hoại. Trên đường đến nguồn thức ăn, mối có thể đục qua nhiều loại vật liệu khác nhau như vỏ cáp điện, cao su, đồng thời mang theo đất ẩm, có thể gây xuống cấp công trình, sự cố chập mạch điện ngầm, làm hỏng máy móc...”, TS Vương nói.
Công nghệ diệt mối phổ biến hiện nay là dùng hóa chất vây xung quanh công trình, tuy nhiên hóa chất đổ xuống trộn vào đất sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Hơn nữa, phương pháp hàng rào hóa chất chỉ có tác dụng xua đuổi hoặc giết được một phần mối đi kiếm ăn chứ không tiêu diệt được toàn bộ tổ mối. Độ bền của hóa chất có giới hạn nên sau một khoảng thời gian, hàng rào hóa chất không còn tác dụng phòng trừ mối nữa.
Trước tình trạng trên, TS Nguyễn Tân Vương đã chế tạo một trạm bả phòng trừ mối cho các công trình xây dựng với hiệu quả tiêu diệt mối cao và tốn ít chi phí, đặc biệt là tốn ít hóa chất hơn 600 lần so với phương pháp hàng rào hóa chất. Mục tiêu của ông là bảo vệ các công trình xây dựng mà dùng ít hóa chất nhất có thể.
Việc sử dụng các thiết bị chứa bả (thức ăn tẩm độc) để dẫn dụ và tiêu diệt mối (trạm bả) không phải là giải pháp mới trên thế giới. Về cơ chế, trạm bả được thiết kế sao cho thu hút mối đến và tiêu thụ thức ăn đã chứa sẵn độc tố, sau đó mang về lây nhiễm cho cả tổ.
“Con mối đi kiếm ăn sẽ không chết ngay, mà đi về tổ mớm thức ăn cho con mối ở nhà, do vậy, mối chúa ở trong tổ không đi kiếm ăn cũng sẽ bị nhiễm độc chết”, TS Nguyễn Tân Vương giải thích. Đây là phương pháp “chủ động” dẫn dụ mối đến và tiêu diệt, thay vì “thụ động” như hàng rào hóa chất.
Cấu tạo trạm bả mà ông đã chế tạo có vẻ khá đơn giản: Vỏ trạm bả dạng ống trụ làm bằng nhựa, bên trong có khoang chứa đựng khối bả, xung quanh khối bả được chèn bằng gỗ, mạt cưa, bông hoặc bã mía khô. Miệng khoang được gắn kín bằng nút ngăn ẩm làm từ giấy, gỗ ép hoặc bông được phủ lớp chống thấm.
Khối bả có trọng lượng khoảng 3-4g ở dạng viên, xung quanh có các vật chèn để giữ khối bả ở tâm khoang chứa. Ngoài việc giúp khối bả không bị va đập, các vật chèn cũng có tác dụng như mồi nhử dẫn dụ mối tiếp xúc với khối bả.
Lớp chống thấm bằng vật liệu hữu cơ được chọn từ paraffin, sáp ong và dầu thông thay vì phủ màng polyme giúp hạn chế tình trạng mối ăn hết lớp nút, nhưng không tiếp cận với bên trong do chúng không gặm xuyên qua lớp polyme khiến trạm bả mất tác dụng.
Hiệu quả diệt mối cao
Hiệu quả của trạm bả này đã được chứng minh trong quá trình thử nghiệm ở nhiều nơi khác nhau và cho thấy hiệu quả rõ ràng. TS Nguyễn Tấn Vương cho biết, sau khi đặt trạm chỉ khoảng chục ngày là mối vào và ăn hàng loạt bả. Điều đáng nói là một số loại bả thương mại phổ biến trên thế giới đều có thể dùng cho trạm bả này.
Tuy tốn nhiều thời gian hơn so với phương pháp dùng hóa chất trực tiếp, song hệ thống trạm bả có hiệu quả tiêu diệt mối cao hơn, tốn ít chi phí nhân công và hóa chất hơn. “So với công nghệ hàng rào hóa chất, trạm bả sử dụng hóa chất ít hơn 600 lần, đỡ độc hại và tiết kiệm chi phí hơn”.
Với khả năng ứng dụng rộng rãi trong thực tế, giải pháp trạm bả phòng trừ mối cho các công trình xây dựng của TS. Nguyễn Tân Vương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng giải pháp hữu ích vào tháng 7/2022. Trạm bả có thể được đặt vào nơi đang có mối hoạt động để diệt mối hoặc đặt vào nơi chưa có mối để phòng mối.
Trạm bả có thể được đặt nằm, thẳng đứng hay nghiêng nhưng nút ngăn ẩm 3 luôn hướng về nơi đang hoặc sẽ có mối hoạt động. Thời gian duy trì hiệu lực diệt và phòng mối của trạm bả phụ thuộc vào điều kiện môi trường, độ ẩm càng cao thời hạn càng ngắn, có thể là 6 tháng đến vài năm.
Dù hiệu quả cao, an toàn, song TS Vương cho rằng đây không phải là giải pháp hoàn hảo nhất để phòng trừ mối. Trạm bả có ưu điểm là không ảnh hưởng đến mỹ quan công trình, nhưng hạn chế là không thể chạy theo các điểm mối xuất hiện trên thực địa, nên sẽ phải bổ sung thêm các trạm bả khác tạo thành hệ thống, tất nhiên về mặt chi phí vẫn khá rẻ so với dùng hàng rào hóa chất.
Giá thành các trạm bả để tiêu diệt mối tùy thuộc vào diện tích, điều kiện môi trường nơi xuất hiện mối. Hiện nay, nhóm nghiên cứu đã sẵn sàng chuyển giao giải pháp này cho đơn vị nào có nhu cầu.