Tiến sĩ trẻ sáng tạo máy pha cà phê sạch cho người Việt

Để tạo ra chiếc máy pha cà phê hoàn chỉnh, anh Hải và các cộng sự tốn hàng trăm triệu đồng với nhiều phiên bản thử nghiệm chưa hoàn thiện.

Tiến sĩ trẻ sáng tạo máy pha cà phê sạch cho người Việt

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, giảng viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cùng các cộng sự trong Nhóm nghiên cứu trọng điểm của trường mới chế tạo thành công chiếc máy pha cà phê sạch, kết hợp công nghệ Việt - Nhật - Italia. Chiếc máy được đặt tên là máy pha cà phê JAVI (nghĩa là kết hợp phương pháp pha cà phê của Nhật, của Việt Nam và của Italia).

thayhai4-4856-1441874522.jpg

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, giảng viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM.

"Người Sài Gòn có thói quen uống ca phê sáng hàng ngày. Nhưng hiện tại cà phê bẩn xuất hiện khá nhiều. Chúng tôi mong muốn cho người Việt Nam - nơi xuất khẩu cà phê lớn thứ hai của thế giới được uống ly cà phê sạch", tiến sĩ Hải chia sẻ về ý tưởng và cho biết thêm, sáng chế ra chiếc máy này, anh còn mong muốn giảm áp lực pha chế và lấy được nhiều chất cà phê để người bán không độn các chất như bột bắp, hóa chất mà vẫn cung cấp ly cà phê thơm ngon cho người uống với giá bình dân.

Tính năng mới của chiếc máy là duy trì áp lực vừa đủ, thấp hơn áp lực của các máy pha cà phê Italia nhưng vẫn giữ phin truyền thống của Việt Nam. 

Điều này giúp giảm thời gian, tăng tốc độ phun, lưu lại nhiệt độ của nước nóng trên cà phê, khiến cà phê sau khi pha xong dậy hương thơm, tăng độ đậm đặc. Cách pha này gần giống cách pha phin của người Việt.

Để cho ra đời máy pha cà phê hoàn chỉnh, thầy Hải và các cộng sự mất khoảng 2 năm nghiên cứu với 5 phiên bản bị lỗi. Anh kể, mỗi lần thử nghiệm là một lần áp lực, ai nấy lo lắng. Dù có các loại van an toàn, chống giật nhưng không ai dám chắc chắn khi thí nghiệm được tiến hành trong điều kiện thiếu thốn. Cả nhóm giảm thiểu rủi ro bằng nhiều cách: dùng gậy để điều khiển van, thao tác từ xa, mặc áo mưa, lấy bìa carton hay các tấm gỗ để ngăn cách các nguồn nguy hiểm.

Hai phiên bản đầu tiên chưa hoàn chỉnh của chiếc máy tốn vài trăm triệu đồng được cho vào kho bảo tàng ở phòng nghiên cứu. Nhìn lại những phiên bản cũ thất bại và số tiền đã "phá", nhiều khi cả nhóm cũng buồn nhưng vẫn nhanh chóng tìm cách cải tiến cho phù hợp, hiệu quả hơn. Đến phiên bản số 5, chiếc máy chỉ còn nặng khoảng 15 kg, là phiên bản hiệu quả nhất hiện nay.

"Chúng tôi đã hoàn thành giải pháp để khi đưa cà phê bẩn bị độn bột bắp và các chất khác sẽ có khả năng bị tắc không pha được hoặc pha gặp khó khăn khi đưa vào máy này", tiến sĩ Hải nói và thông tin thêm có 5 đơn đặt hàng máy pha cà phê, mỗi máy có trị giá khoảng 25 triệu đồng.

thayhi2.jpg

Thầy Hải và bạn thưởng thức cà phê bên chiếc máy pha cà phê có trọng lượng 15 kg. Ảnh: NVCC.

Cho ra đời chiếc máy rồi, anh tiến hành xây dựng chuỗi cửa hàng cà phê JAVI. Nhóm được một số doanh nhân Sài Gòn hỗ trợ mở 2 quán cà phê sạch. Lúc mới ra đời, cà phê JAVI bán được 10 ly/ngày, đến nay bán được 150 ly/ngày. Từ lỗ 70 triệu/tháng nay đã gần hòa vốn, tạo được việc làm cho 10 người. Điều mà tiến sĩ trẻ tự hào hơn là từ chiếc máy pha cà phê và chuỗi cà phê này, người Việt Nam được uống cà phê sạch hơn, thơm hơn.

Trước máy pha cà phê, Nguyễn Bá Hải còn làm kính dẫn đường cho người khiếm thị. Mắt kính có thể giúp người khiếm thị cảm nhận được vật cản ở xa, gần, to, nhỏ. Qua nhiều lần cải tiến, mắt kính được thu nhỏ gọn như những chiếc kính thông thường, có giá thành khoảng 2,5 triệu đồng mỗi chiếc.

Năm 2011, Bá Hải bảo vệ luận án tiến sĩ thành công tại Hàn Quốc. Anh từ chối nhiều lời mời làm việc mà trở về nước, chọn Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM để công tác và gắn bó cho tới giờ. Anh được bình chọn là Công dân trẻ tiêu biểu TP HCM và là người sáng lập khóa học một đôla về nhận diện đam mê, sáng tạo, lập trình máy tính và robot.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ